Truy cập hiện tại

Đang có 81 khách và không thành viên đang online

Thi đua yêu nước

Chị Lê Thị Kiểm - Nỗ lực thoát nghèo bằng ý chí, nghị lực bản thân

(TUAG)- Vĩnh Xương là xã biên giới của thị xã Tân Châu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua đã có nhiều hộ dân tập trung phát triển sản xuất, tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại phần hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn. Qua đây, tạo được sự lan tỏa về tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững của một số hộ dân tiêu biểu tại xã vùng biên. Trong đó gia đình chị Lê Thị Kiểm, ấp 1, xã Vĩnh Xương là một điển hình như thế.


Chị Lê Thị Kiểm

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chị Lê Thị Kiểm cho biết, chồng chị bị bệnh mất sớm, một mình chị vất vả bươn chải kiếm sống để nuôi ba con nhỏ ăn học. Mối lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng trên đôi vai của người phụ nữ này. Sau khi chồng mất gia đình chị Kiểm lâm vào cảnh khó khăn, chị được chính quyền địa phương cho vào diện hộ cận nghèo và hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, không vì thế chị Kiểm trông chờ, ỷ lại mà chị luôn cố gắng lao động kiếm thêm thu nhập, với nguồn vốn ít ỏi chị bán bánh cam và đi làm thuê, để nuôi con. Dù đã nỗ lực lao động nhưng do việc làm thuê, mướn bấp bênh, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, học hành của con cái cứ đè nặng, cái nghèo vẫn bám lấy gia đình chị. Ước mơ của gia đình là có được một số vốn để mua bán phát triển kinh tế.

Năm 2019, thấy gia đình chị Kiểm khó khăn nhưng chí thú làm ăn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ giới thiệu cho gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 15 triệu đồng. Như được tiếp thêm động lực, hăng say chí thú làm ăn. Số tiền vay được, chị đóng một chiếc xe đẩy để mua bán phế liệu. Hàng ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều, chị cùng chiếc xe đẩy đi khắp các nẻo đường trên địa bàn xã để mua bán phế liệu chai, vỏ nhựa, sắt vụn… dù nắng hay mưa chị cũng không quãng khó khăn để kiếm tiền lo cho các con. Với bản tính cần cù, chịu khó nên chị Kiểm luôn được bà con xung quanh và khách hàng quý mến, khi có đồ phế liệu cũ đều để dành bán cho chị, từ việc mua bán phế liệu mỗi ngày chị có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình chị cũng đỡ vất vả và ổn định hơn. Chị Lê Thị Kiểm ngụ ấp 1, xã Vĩnh Xương chia sẻ thêm: “Bản thân tôi còn nhiều sức khỏe nên tôi tự lực vươn lên để không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước hỗ trợ cho tôi - hộ cận nghèo nữa, mình tự lập vươn lên đời sống của mình, tại vì con của tôi đã lớn hết rồi, cái phần đó tôi nhường lại cho chị em, cô bác khác”.

Giờ đây, nhà của chị Kiểm cũng đã khang trang hơn, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình cũng tiện nghi hơn, các con chị giờ đã khôn lớn đi làm tại các công ty ở TPHCM có mức thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng/người, hằng tháng trích một phần gửi về cho chị chi tiêu và sửa lại nhà cửa, cuộc sống đã khấm khá hơn trước nên chị tự nguyện xin trả lại sổ cận nghèo vào ngày 28/10/2022 vừa qua, để trao những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình khác còn nhiều khó khăn hơn. “Con tôi ba đứa nay đã lớn đều có công ăn việc làm, tôi ở nhà đi làm cũng có đồng tiền vô ra. Bây giờ tôi tự nguyện thoát nghèo, nhường phần chính sách hỗ trợ này cho những hoàn cảnh khác thật sự cần, hoàn cảnh tôi ngày xưa cũng khó khăn nhưng nay tôi xin thoát nghèo tự nguyện” - chị Kiểm chia sẻ.

Việc tự nguyện xin thoát nghèo để không trông chờ ỷ lại là những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên. Năm 2019 còn có gia đình anh Trương Văn Cành, ngụ ấp 5 là hộ tiên phong xin thoát khỏi hộ cận nghèo của xã và sau đó nhiều hộ dân khác nữa xin thoát nghèo đã tác động rất tích cực đến xã hội. Đối với những hộ khác còn nghèo, thì họ cũng cố gắng để vươn lên bằng cách chăn nuôi hoặc trồng trọt để phấn đấu cho gia đình của họ thật đáng trân trọng biết bao, góp phần xây dựng địa phương phát triển giàu đẹp.

Tính đến cuối tháng 11/2022, xã Vĩnh Xương có 57 hộ nghèo, giảm 104 hộ; có 294 hộ cận nghèo, giảm 169 hộ cận nghèo, so với năm 2019. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách giảm nghèo, gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo vì vậy đã khơi dậy được ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân trên toàn xã. Bà Hồ Thị Thanh Thúy, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Vĩnh Xương: “Gia đình chị Kiểm nhiều năm qua là hộ cận nghèo của xã, nhưng là luôn chí thú làm ăn, có ý thức tự lực vươn lên bằng sức lao động chính đáng của bản thân. Thực hiện chủ trương giảm nghèo, lãnh đạo địa phương cũng đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc thoát nghèo. Từ đó, vào đầu tháng 10 vừa qua, hộ chị Kiểm đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã, để tạo điều kiện cho địa phương giúp đỡ cho các hộ có hoàn cảnh còn lại. Gia đình chị là một trong những điển hình không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà với tinh thần vượt khó, tự lực vươn lên thoát nghèo, góp phần tuyên truyền ý thức tự vươn lên thoát nghèo trong Nhân dân, cùng địa phương thực hiện tiêu chí số 11 trong xây dựng nông thôn mới về công tác giảm nghèo của xã”.

Tự nguyện xin thoát nghèo một lần nữa cho thấy ý thức của người dân trong xã đã và đang dần được nâng lên; tính tự giác, tinh thần mình vì cộng đồng, vì mọi người ngày càng được phát huy. Phong trào đã và đang thực sự lan tỏa, làm cơ sở và tiền đề xã thực hiện đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần đưa xã biên giới Vĩnh Xương phát triển.

Thanh Thúy, Lê Kiều
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
36575607