Truy cập hiện tại

Đang có 44 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022)

Những đổi thay của thành phố mang tên Bác sau 40 năm giải phóng

Những ngày này, trực tiếp được thăm quan nhiều khu kinh tế, cơ sở cách mạng, di tích lịch sử văn hoá…, tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của Thành phố sau 40 năm Đại thắng, tôi thật cảm động trước sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố mang tên Bác kính yêu.

Nổi danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” trong thời Mỹ ngụy, thành phố Sài Gòn thực chất chỉ là nơi phục vụ các hoạt động của bộ máy chiến tranh với mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đã phải đương dầu với vô vàn khó khăn, thách thức do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh và Mỹ ngụy để lại. Phát huy truyền thống vượt mọi khó khăn, quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược; Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác - Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân nên từng bước đã “lột xác”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, giữ vững ổn định chính trị; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; vững vàng bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ra sức phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí “đầu tầu kinh tế của cả nước”; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Uy tín, vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế. Điều này được minh chứng ở các nội dung dưới đây.
 
Sau 40 năm, Thành phố Hồ Chí Minh giờ đã là một đô thị khang trang, hiện đại mang tầm khu vực. (Ảnh: Nguyễn Minh Tân/TTXVN)

Kinh tế tăng trưởng cao, xứng đáng là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước

Mặc dù chỉ chiếm có 0,63% diện tích và 8,8% dân số cả nước nhưng 40 năm qua, kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ mức tăng trưởng hợp lý với quy mô ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. GDP bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976-1985 đã liên tục tăng nhanh, nhiều năm kinh tế của thành phố duy trì tốc độ bình quân từ 10-12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước; đặc biệt trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng kinh tế của thành phố ước đạt 9,6%, cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Đây là sự nỗ lực vô cùng to lớn của chính quyền và nhân dân Thành phố, nhất là đặt nó trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu mới nhìn nhận và thấy hết ý nghĩa, tầm vóc, giá trị của nó.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có trên 14.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể. Thành phố dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Thành phố cũng là một trong những địa phương làm tốt việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, hiện có hơn 5.330 Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 36,6 tỷ USD. Thành phố hiện có 03 khu chế xuất và 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 3.748 ha, v.v.. Quy mô kinh tế của Thành phố chiếm hơn 1/5 quy mô kinh tế của cả nước, đóng góp trên 30% nguồn thu ngân sách quốc gia . Với những thành tựu đạt được, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thực tiễn phát triển kinh tế của Thành phố cung cấp nhiều kinh nghiệm quý về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Trung ương và Chính phủ.

Công tác quản lý đô thị chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện

Trong những năm qua, phát triển đô thị ở Thành phố mang tên Bác được đặc biệt quan tâm, đạt những kết quả tích cực. Nhiều khu đô thị mới xuất hiện, ngày càng văn minh, hiện đại như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc, v.v.. Quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp, đúng quy hoạch, hài hòa với không gian, khang trang, hiện đại. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành quy hoạch xây dựng 24 quận, huyện. Một trong những điểm sáng, mang tính đột phá trong phát triển độ thị của Thành phố là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Đến nay, đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TpHCM - Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt...và nhiều tuyến đường khác đã được đầu tư xây dựng và bước đầu khai thác hiệu quả. Cùng với đó, thành phố cũng đã đầu tư cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tốt đẹp; đặc biệt là Dự án vệ sinh môi trường nước thành phố khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 1)..., đã góp phần to lớn vào việc cải tạo môi tường Thành phố, tạo cảnh quan môi trường xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn.

Đời sống văn hóa, tinh thần và an sinh xã hội có nhiều tiến bộ

Là địa phương đi đầu trong cả nước về công tác phổ cập giáo dục, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học; quy mô phát triển giáo dục mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học với gần 1.500 trường học, hơn 1,3 triệu học sinh; hơn 65.000 cán bộ và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, số đạt chuẩn chiếm tỷ lệ gần 100%. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển, đạt chất lượng, hiệu quả tốt. Cùng với đó, hệ thống các các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học ngày càng phát triển mạnh; trong đó, số cán bộ, giảng viên cao đẳng, đại học chiếm 95% của Vùng trọng điểm miền Nam. Khoa học và công nghệ phát triển mạnh, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; nhờ đó, sản phẩm hàng hóa do Thành phố tạo ra có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, phục vụ sản xuất và từng bước thay thế nhập khẩu.

Song song với phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thành phố ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, chất lượng phục vụ tốt. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Thành phố có trên 105 bệnh viện các loại với trên 34.000 giường bệnh, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hiện nay, Thành phố đạt 14,5 bác sĩ/10.000 dân, 43 giờng/10.000 dân. Các chương trình xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay, thành phố đã hoàn thành chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2011-2015) trước 2 năm so với kế hoạch. phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, đền ơn đáp nghĩa thực hiện tốt, mang đậm nét đẹp văn hóa nhân văn Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, 40 năm đã trôi qua kể từ ngày nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã kế thừa, phát huy tốt nhất giá trị lịch sử truyền thống “thần tốc, táo bạo, chắc thắng” của Đại thắng mùa Xuân 1975, cùng nhân dân cả nước liên tục phấn đấu, khắc phục khó khăn, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội để đổi mới và phát triển. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân Thành phố mang tên Bác có niềm vinh dự, tự hào là được đóng góp tích cực công sức, trí tuệ và kinh nghiệm của mình vào sự nghiệp chung, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đúng như lời Bác Hồ kính yêu căn dặn.

Với những kỳ tích đã đạt được, chúng tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ vững tin đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện Thành phố, đem lại nhiều thành tựu mới to lớn hơn trong thời kỳ mới; xứng đáng với Thành phố được mang tên Bác Hồ muôn vàn kính yêu và sự tin yêu, ngưỡng mộ của nhân dân cả nước và của bạn bè quốc tế./.

_____________________
[1] Các số liệu trong bài viết này, tác giả đã sử dụng tư liệu trong Báo cáo của Đồng chí Lê Hoàng Quân,Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại Hội thảo cấp Nhà nước ngày 4/4/2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
PGS, TS. Nguyễn Bá Dương/ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
40543432