Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo!

(TGAG)- Trong những ngày gần đây, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi ngang ngược của Trung Quốc khi đưa tàu xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính phía nam Biển Đông.

Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa phía nam của Việt Nam, nằm cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam (cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 600 hải lý). Tại đây, Việt Nam đã triển khai hoạt động dầu khí từ gần hai chục năm qua, trong đó có Lô 06/1 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.


Nhà giàn DK1 của Việt Nam trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc; Chiến sĩ nhà giàn quan sát bảo đảm an ninh cho nhà giàn (ảnh nhỏ) KIÊN TRUNG - MAI THANH HẢI

Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên Cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật (DK) với các hoạt động đầu tiên từ năm 1989. Việc đó phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa).

Tham vọng độc chiếm Biển Đông

Tham vọng độc chiếm Biển Đông đã được Trung Quốc ấp ủ từ rất lâu với tham vọng “giấc mơ Trung Hoa”, vươn lên làm bá chủ thế giới. Để đạt được tham vọng này, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển, phải độc chiếm và thống trị  Biển Đông - kho tài nguyên thiên nhiên (hải sản và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) giàu có và tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Vì vậy, ngay trong tuyên bố của mình năm 1958, khi ban hành Luật về Lãnh hải Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Đến năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, “nuốt trọn” gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm các chuẩn tắc cơ bản Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đã cam kết. Yêu sách “đường lưỡi bò” vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước trong khu vực và trên thế giới, thành “trò hề” trong mắt cộng đồng quốc tế sau khi Toà Trọng tài quốc tế tại La Haye ra phán quyết về vụ kiện của Phi-lip-pin đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông, bác bỏ yêu sách ngang ngược, phi lý này.

Hành vi ngang ngược của Trung Quốc tại bãi Tư Chính

Những ngày đầu tháng 7/2019, Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất cùng các tàu tuần duyên hộ tống tiến vào khu vực bãi Tư Chính, phía nam Biển Đông. Các tàu hải cảnh Trung Quốc gây áp lực đe dọa các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan do tập đoàn Nga Rosneft khai thác ở lô dầu 06-1.

Việc Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu hộ tống khảo sát dài ngày xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Không chỉ vậy, hành vi ngang ngược ấy còn làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tới môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Phản ứng của Việt Nam

Trước những hành động khiêu khích, tạo cớ từ phía Trung Quốc, các lực lượng chức năng có nhiệm vụ chấp pháp trên biển của Việt Nam vẫn bình tĩnh bám sát, ứng phó kịp thời; Nhà nước ta vẫn quyết tâm triển khai hoạt động dầu khí của ta tại Lô 06/1 như đã tiến hành bình thường với các đối tác quốc tế trong gần 20 năm qua. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là: Kiên quyết, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu vi phạm ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trên thực địa, các lực lượng của ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, dứt khoát không để Trung Quốc tiến hành khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Nỗ lực đấu tranh, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình; thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh khác nhau cả về ngoại giao, thực địa, cũng như tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế; bảo đảm giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự trên biển cũng như đất liền.

Định hướng tuyên truyền

- Các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; tuyên truyền đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền các tầng lớp nhân dân an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào quan điểm, chủ trương, biện pháp đấu tranh của Đảng, Nhà nước: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên cơ sở đảm bảo giữ vững môi trường hoà bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Các ngành, các cấp chủ động nắm chắc địa bàn, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cập nhật, chia sẻ, lan tỏa các tin, bài được đăng, phát trên các cơ quan báo chí chính thống và của ngành Tuyên giáo, nhằm làm tốt công tác thông tin, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động vạch trần phương thức, thủ đoạn lợi dụng tình hình, lôi kéo, kích động, tập hợp lực lượng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của các thế lực xấu, phản động. Phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hành vi tuyên truyền lôi kéo, kích động, tán phát, chia sẻ các tài liệu, thông tin xấu độc trên địa bàn. Nhắc nhở không tham gia đăng tải, chia sẻ các thông tin sai trái, thù địch, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm tuyên truyền lực lượng đoàn viên hội viên, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, tin tưởng tuyệt đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bĩnh tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động bài Hoa để gây chia rẽ, hận thù, mất an ninh trật tự và kích động trên mạng xã hội để gây mất an ninh chính trị. Huy động sức mạnh toàn dân đoàn kết một lòng xung quanh Đảng và Nhà nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

TGAG
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37336784