Truy cập hiện tại

Đang có 28 khách và không thành viên đang online

Con đường mang tên Bác

(TGAG)- Cách đây 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở con đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Đến ngày 12/9/1959, vì Đoàn này ra đời vào tháng 5 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559 (còn được gọi là Bộ đội Trường Sơn). Còn con đường đã được khai sinh đúng Ngày sinh của Bác, nên được mang tên Đường Hồ Chí Minh.

 
Biên chế bước đầu của Đoàn 559 là 500 cán bộ, chiến sĩ. Đi vào hoạt động, Đoàn chọn Khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát, sau đó vạch tuyến phát triển về hướng Tây Nam. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau tám ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bót chốt chặn nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường.

Với vai trò chiến lược vô cùng quan trọng trước mắt và lâu dài, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và hệ thống Đường Hồ Chí Minh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 1960 – 1964, những năm đầu xây dựng tuyến chi viện chiến lược, chính thức hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn, thiết lập được tuyến giao liên vận tải từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, xây dựng tuyến hành lang vận tải gồm nhiều trục đường gùi thồ và một trục đường cơ giới ở Tây Trường Sơn, thực hiện được chiến dịch vận chuyển quy mô lớn. Đoàn 559 được phát triển tương đương cấp sư đoàn, quân số 8.000 người.

Giai đoạn 1965 – 1968, tuyến vận tải cơ giới Đường Hồ Chí Minh vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Từ vận tải thô sơ chuyển sang vận tải cơ giới, từ quy mô cấp sư đoàn lên quy mô cấp quân khu với những nhiệm vụ chiến lược to lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp trên một địa bàn rộng. Quân số 80.000 người, giải thể các tuyến, tổ chức thành binh trạm, mỗi binh trạm phụ trách một khu vực nhất định và đều có một tiểu đoàn công binh. Đường giao liên tách khỏi đường ô tô, xây dựng được 2.959 km đường ô tô bao gồm các trục dọc chính, trục dọc phụ, đường ngang, đường vòng tránh và đường vào kho lấy hàng.

Giai đoạn 1969 – 1972, mở rộng Đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Các binh trạm được tổ chức thành các sư đoàn. Hệ thống đường không chỉ phát triển vào các chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn được phát triển mạnh ra phía Bắc. Mở 1.190 km “đường kín” (là các con đường chạy dưới các tán cây của rừng Trường Sơn). Xây dựng được một mạng đường giao thông vận tải chiến lược gồm nhiều trục dọc, ngang và các đường vòng tránh, hình thành hệ thống đường cho các kiểu, loại xe cơ giới, với tổng chiều dài 11.000 km.

Giai đoạn 1973 – 1975, hoàn thiện thế trận Đường Hồ Chí Minh, cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000 km đường cho xe cơ giới. Đường giao liên dài trên 3.000 km. Đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400 km. Cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc...

Mỹ - ngụy biết Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là con đường chiến lược nối liền Nam - Bắc của ta, nên quyết đánh phá đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”. Mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, với tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, Đường Hồ Chí Minh vẫn không ngừng “vươn sâu, vươn xa”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Cục Tình báo Trung ương Mỹ thừa nhận “Đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành trận đồ bát quái trong rừng rậm”, khiến Mỹ phải chi tiêu hàng tỷ đô la để hòng bóp nghẹt nhưng nó vẫn tồn tại.


Trong suốt 16 năm (1959-1975), Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào..., Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại. Phát huy truyền thống oanh liệt của Bộ đội Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, lập nhiều thành tích  đảm bảo an ninh quốc phòng, kết hợp xây dựng và phát triển kinh tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

KIM TUYẾN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37267602