Truy cập hiện tại

Đang có 172 khách và không thành viên đang online

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh

(TGAG)- Sau thất bại ở chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp lại cầu cứu Mỹ tăng cường viện trợ, cố giành thế mạnh về quân sự để thương thuyết với ta trên mặt trận ngoại giao.

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trông chờ vào kế hoạch của tướng Navarre- Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương- Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, hy vọng giành thế chủ động trên chiến trường.



Đông Xuân 1953 - 1954, quân Pháp và tay sai ngày càng bị động, lúng túng trong việc đối phó với quân ta. Với mong muốn sớm xoay chuyển tình thế, Pháp tăng cường bộ binh và tập trung gần 55% toàn bộ lực lượng, hơn 90% lực lượng cơ động trên toàn chiến trường Đông Dương ra miền Bắc Việt Nam.

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ án ngữ miền Tây Bắc- Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào, làm bẫy nhử để “nghiền nát quân chủ lực Việt Minh”. Tại đây Pháp xây dựng thành 49 cứ điểm, 3 phân khu trung tâm, 8 trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ. Pháp muốn kết thúc chiến tranh có lợi theo cách của Pháp.

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, bằng 3 đòn tiến công: Giải phóng vùng Tây Bắc và Thượng Lào; phối hợp với quân giải phóng Lào và Campuchia giải phóng Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn; đánh thông đường chiến lược Bắc- Nam Đông Dương, phá tan âm mưu bình định miền Nam Việt Nam của địch.

Tây Bắc là hướng chiến lược Đảng ta đã lựa chọn và xác định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

Tuy vậy, trong lịch sử đánh Pháp, đến lúc bấy giờ, ta chưa  đánh một tập đoàn cứ điểm nào của Pháp; địa bàn Điện Biên Phủ xa hậu phương 500 km, lương thực, thực phẩm không đủ, đường tiếp tế duy nhất lên Điện Biên Phủ là đường số 6, thì bị Pháp dùng pháo binh và máy bay khống chế. Đưa một khối lượng cơ sở vật chất đến đây qủa thực là một việc phi thường.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Bác Hồ giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng uỷ, kiêm Tư lệnh mặt trận. Trước khi ra trận Bác nói “Bác giao cho chú toàn quyền, tướng quân tại ngoại, trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.

Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy mặt trận của Việt Minh phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh” và ngày nổ súng dự định là 20-1. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Do một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày, đến 17 giờ ngày 25-1 và sau đó chuyển sang ngày 26-1.

Tuy “giờ G. Ngày N.” đã được ấn định, nhưng ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không thôi cân nhắc về quyết định sinh tử này. Và đêm 25-1, Đại tướng quyết định lui quân do ba khó khăn rõ rệt: Thứ nhất, Bộ đội ta đến thời điểm đó chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm. Thứ hai, đây là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập. Thứ ba, bộ đội Việt Minh từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế lớn về máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện. Từ những nguyên nhân này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phương án “đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên do vậy không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc tiến chắc” dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” dần Tập đoàn cứ điểm.

Cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận của Việt Minh sáng 26-1 không đi đến được ý kiến thống nhất, tuy nhiên, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công.

Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo được kéo ra, quân Việt Minh tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày.

17 giờ ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ 13/3 đến 17/3, ta tiêu diệt phân khu phía Bắc, lực lượng tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và trung tâm đề kháng Bản Kéo. Giai đoạn 2, từ 30/3 đến 30/4, ta tiến đánh phân khu trung tâm, các điểm cao quan trọng phía Đông (E1, D1, C1, C2, A1...), vây lấn bằng hệ thống giao thông hào, bóp nghẹt Tập đoàn cứ điểm. Giai đoạn 3, từ 1-5 đến 7/5, ta đánh tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Đến 18 giờ 45 phút ngày 6-5, khối bộc phá 1.000 kg đặt trong lòng quả đồi A1 nổ vang, quân ta tổng công kích. 17 giờ 30 phút ngày 7-5, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt, gần 10.000 quân địch ra hàng.

Sau 55 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 16.200 tên địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắn cháy 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.

Thành công cuả chiến lược Đông Xuân 1953-1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc chặng đường đấu tranh gian khổ của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám.

Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh lập chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, thế và lực mới, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động. Tình hình Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng với mức độ, quy mô khác nhau ở các khu vực… Các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền… để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng cảnh giác, phát huy nội lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các thế hệ đi trước không cam chịu làm nô lệ, đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm sáng tạo đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các thế hệ ngày nay quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, lập nên kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

NGUYỄN THÀNH NHÂN
Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36570535