Truy cập hiện tại

Đang có 111 khách và không thành viên đang online

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và biên giới An Giang

(TGAG)- Đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia dài 1.137 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) tiếp giáp 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svayrieng, Preyveng, Kandal, Takeo và Campot). Trong đó, biên giới An Giang với chiều dài gần 100 km giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo, với 5 huyện, thị, thành biên giới gồm: thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc; huyện An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Sau khi Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước 1985 (Dự kiến cắm 322 cột mốc trên toàn tuyến biên giới) và từ năm 1986 hai bên đã tiến hành phân định được 212 cột mốc và cắm được 72 cột mốc ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh. Và đến ngày 27/01/1989 phía Campuchia đề nghị ta tạm dừng công tác phân giới cắm mốc (PGCM) với lý do “kỹ thuật”.

Từ năm 1989 đến năm 2005, bằng những thiện chí và nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán các cấp của hai bên, ngày 10/10/2005, tại Hà Nội, Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký “Hiệp ước bổ sung năm 2005”. Hiệp ước bổ sung này đã đáp ứng yêu cầu về luật pháp và thông lệ quốc tế, là cơ sở pháp lý quan trọng để hai nước nối lại các cuộc đàm phán, đây cũng là minh chứng khẳng định các hiệp ước, hiệp định về biên giới giữa hai nước vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý, chống lại sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.       

Với hơn 10 năm nỗ lực từ 2006 đến nay, công tác PGCM đã đạt được kết quả:

Đã phân giới được 932,7 km/1.137 km (đạt khoảng 81,97%). Đã xác định được 264/314 vị trí cột mốc chính (đạt khoảng 84%), tương ứng 316/371 mốc; xây dựng được 314/316 mốc. Về mốc phụ, cọc dấu: hai bên đã xây dựng xong 512/1.527 cột mốc phụ (đạt khoảng 33,5%) và 66/210 cọc dấu (đạt 31,4%).  Riêng  An Giang  đã cắm xong 35/46 cột mốc chính, trong đó có 2 cột mốc 241 ở cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - Tân Châu (An Giang - Kandal) và cột mốc 275 ở cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Phnom Den (An Giang - Tà Keo). Như vậy đến nay đã có 4/10 tỉnh đã hoàn thành cắm mốc trên thực địa gồm: Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước và Đồng Tháp, còn 50 vị trí mốc chính chưa chuyển vẽ, gồm 7 đoạn biên giới chưa chuyển vẽ ở các tỉnh Gia Lai (2) Đắk Nông (1), Tây Ninh (1), Kiên Giang (1), An Giang (2). Các vị trí của An Giang thuộc khu vực chóp nón (mốc 241 - 246) thị xã Tân Châu và Rạch Bình Ghi (mốc 246 - 254) huyện An Phú.

Đánh giá chung về công tác PGCM biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua là khá tích cực, các lực lượng PGCM hai bên đã tăng cường hợp tác, tranh thủ thời gian, khắc phục khó khăn, phấn đấu xây dựng xong các cột mốc, lập hồ sơ, để hai Chính phủ ký kết văn bản ghi nhận thành quả 84% công việc  PGCM vào đầu năm 2018. Tuy nhiên công việc còn lại rất nặng nề, phức tạp, đòi hỏi cần có quyết tâm cao, sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của mọi lực lượng tham gia.

Thực tế, công tác PGCM có những khó khăn chủ yếu đó là:

Đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia tương đối phức tạp (địa hình sông, suối, rừng núi...) một số khu vực đường biên giới không rõ ràng, cư dân biên giới sinh sống, làm ăn, sản xuất đan xen lẫn nhau, nhiều khu vực còn là vùng trắng, hai bên chưa thống nhất được.

Công tác phối hợp giữa các đội phân giới cắm mốc hai nước có lúc chưa hiệu quả, lực lượng tham gia PGCM của 2 nước chưa tương xứng (CPC 7 đội, Việt Nam 11 đội)... Về phía cư dân biên giới có bộ phận chưa am hiểu về tầm quan trọng của công tác cắm mốc, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, hợp tác với lực lượng trực tiếp PGCM.

Các đảng phái đối lập ở Campuchia luôn truyên truyền xuyên tạc về vùng đất Nam Bộ, về đường biên giới, luôn tìm cách lôi kéo, kích động quần chúng, học sinh, sinh viên, trí thức, sư sãi... điển hình là vụ việc tại khu vực mốc 203 ở Long An ngày 28/6/2014, đây cũng là trở ngại lớn cho công tác PGCM.

Từ thực tế đó, để hoàn thành tốt công tác PGCM, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của các lực lượng trực tiếp thì việc nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các địa phương biên giới, trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc PGCM, liên  hệ với tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và khó lường thì việc hoàn thành công tác PGCM đất liền Việt Nam - Campuchia là yêu cầu rất cấp thiết.

Công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần quan tâm vào những vấn đề cụ thể sau: tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân biên giới về ý nghĩa, sự cần thiết của công tác PGCM, tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh biên giới và chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của Đảng và Nhà nước ta.

Tuyên truyền để cư dân biên giới hiểu đúng, ủng hộ, qua đó tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, gắn kết giữa nhân dân và chính quyền khu vực biên giới hai nước theo hướng thực chất, hiệu quả; xây dựng quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội giữa các cụm dân cư, đồng bào dân tộc tuyến biên giới.

Tăng cường thông tin bằng nhiều hình thức; ngăn chặn, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả với các quan điểm, thông tin sai sự thật của các thế lực cơ hội, thù địch về lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia, vấn đề biên giới trên đất liền... nhằm phá hoại mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và cư dân biên giới, từ đó thể hiện trách nhiệm cụ thể đóng góp vào tiến độ của công tác PGCM. Phải  nhận thức đầy đủ rằng việc hoàn chỉnh PGCM là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo vững chắc cho sự ổn định tuyến biên giới, là điều kiện để đẩy nhanh xây dựng các công trình kinh tế kỹ thuật, là nhân tố thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới. Công việc PGCM càng phải được xúc tiến nhanh, việc này càng thêm có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017) và “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017”!


CAO QUANG LIÊM
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
42722964