Truy cập hiện tại

Đang có 215 khách và không thành viên đang online

Du lịch An Giang hướng đến chuyên nghiệp, bền vững

(TGAG)- Là tỉnh giàu tiềm năng với lợi thế được thiên nhiên ban tặng dãy Thất Sơn huyền bí với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến chiêm bái, tạ lễ… đây là lợi thế lớn để An Giang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Giàu tiềm năng

Ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo với 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long; điều này được thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc như Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc); lễ Hội đua bò Bảy Núi,… Đặc biệt hơn cả, An Giang là quê hương của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con ưu tú của quê hương An Giang.



Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, hoạt động du lịch tỉnh An Giang đã có những bước chuyển mình cả về chất lượng và số lượng. Trước hết, điểm dễ nhận thấy nhất, đó chính là nhận thức về du lịch đã có bước chuyển biến rõ rệt, từ chỗ coi du lịch là hoạt động nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, đến nay cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh An Giang xác định du lịch là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, luôn quan tâm chỉ đạo công tác phát triển du lịch. 

Hoạt động du lịch của An Giang hết sức sôi động với sự chung sức của các cấp, các ngành và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Tỉnh đã hình thành chuỗi các tuyến điểm du lịch tâm linh; du lịch gắn với sinh thái sông, núi, đồng quê như: Tour du lịch trên sông Hậu tham quan làng bè, tour du lịch trên sông Tiền tham quan Cù Lao Giêng, làng lụa Tân Châu, Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương; tour tham quan rừng tràm Trà sư, vùng Thất Sơn; du lịch homeday đồng quê tại Cù lao Ông Hổ, Cù Lao Giêng; tham quan Búng Bình Thiên, Giồng cây da, Bày Nâu,.. mà người dân địa phương trực tiếp tham gia, cùng chia sẻ những lợi ích từ khai thác tiềm năng du lịch sinh thái với doanh nghiệp.



Tỉnh An Giang hiện có trên 86 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao, đồng thời có nhiều nhà nghỉ, nhà trọ, nhà khách tại các khu - điểm du lịch đủ công suất để phục vụ khách du lịch, đặc biệt trong lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 15 khu, điểm du lịch, trong đó có 2 khu du lịch địa phương là Khu du lịch Núi Cấm và Khu du lịch Núi Sam; trong đó, Khu du lịch Núi Sam ( Châu Đốc ) và điểm du lịch Cù Lao Ông Hổ thuộc Xã Mỹ Hòa Hưng, đã được Chính phủ xác định là khu, điểm du lịch cấp quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thời gian qua, khách du lịch đến An Giang tăng trưởng với tốc độ ổn định; Số lượt khách đến với An Giang năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010 là 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 48.000 lượt; năm 2016, An Giang đã đón 6,5 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế là 70.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân là 4%/năm trong giai đoạn 2010-2016. Năm 2016, giá trị đóng góp trực tiếp của ngành du lịch khoảng 3.200 tỷ đồng.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhận thức tầm quan trọng và vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới và hội nhập, tỉnh An Giang đã có Nghị quyết phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, Nghị quyết 11-NQ-TU ngày 18/11/2013 đã xác định tập trung phát triển 4 loại hình du lịch là: du lịch tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái - sông nước; du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử.

Để đảm bảo công tác quản lý điểm đến, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và quyền lợi của du khách, tỉnh An Giang đã và đang triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút mọi nguồn khách du lịch quốc tế, đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch của tỉnh An Giang đón 10,1 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%, số ngày lưu trú bình quân là 2,5 ngày; dự kiến tổng doanh thu từ du lịch đạt  khoảng 4.000 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GRDP của tỉnh là 8,8%. Đến năm 2025, ngành du lịch sẽ đón 12,9 triệu lượt khách; tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GRDP của tỉnh lên 15,3%; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới ngành du dịch An Giang còn nhiều việc phải làm, trước mắt, cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch trong nhân dân, tiến tới xây dựng cộng đồng làm du lịch, người người làm du lịch; phải làm sao, mỗi người dân An Giang trở thành một hướng dẫn viên du lịch.



Bên cạnh đó, An Giang cần tập trung xây dựng hạ tầng du lịch nhất là hạ tầng giao thông vừa đảm bảo khai thác lợi thế vùng giáp biên vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới. Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng du lịch; trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa như PPP, BOT, BT trong đầu tư hạ tầng du lịch; kết hợp với tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch cũng như tích cực đào tạo và kiện toàn nguồn nhân lực đủ mạnh...

Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang trong thời gian tới, ông Đặng Đức Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết, một trong những vấn đề cốt lõi cần được quan tâm là phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với đời sống của cộng đồng dân cư; phát triển các loại hình  du lịch gắn với các hoạt động thể thao truyền thống và hiện đại; phát triển loại hình du lịch gắn với nghĩ dưỡng, khám phá vùng dược liệu quý ở Thất Sơn...

Cùng với đó, An Giang cần xác định rõ những sản phẩm du lịch đặc thù của An Giang để tạo điểm nhấn và thương hiệu  cho du lịch An Giang. Với những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc, An Giang nên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm Du lịch Văn hóa Tâm linh trở thành sản phẩm đặc thù, đồng thời phát triển những sản phẩm bổ trợ để gia tăng sự phong phú cho hệ thống sản phẩm. Những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của An Giang như: du lịch gắn với  văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; du lịch gắn với sinh thái; du lịch gắn với đời sống văn hóa cộng đồng; du lịch gắn với các làng nghề thủ công; sản phẩm du lịch gắn với thể thao, giải trí,...



Với phương châm “Nêu cao khát vọng phát triển, nói đi đôi với hành động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển du lịch”, tỉnh An Giang quyết tâm phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước; Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.

Công Mạo


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
42585670