Truy cập hiện tại

Đang có 303 khách và không thành viên đang online

An Giang huy động sức dân tham gia xây dựng cầu, đường nông thôn

(TGAG)- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, do ảnh hưởng của chiến tranh để lại cũng như ảnh hưởng của lũ lụt, hệ thống giao thông đường bộ ở An Giang còn thiếu và yếu kém, chưa được kết nối thông suốt đồng bộ. Còn nhiều tuyến đường về huyện, về xã chưa được đầu tư nâng cấp. Mật độ giao thông ngày một tăng cao nhưng mặt đường quá hẹp, nguy cơ sạt lở lớn do nhiều đoạn đường sát bờ sông, bờ kênh xuống cấp nặng, vào mùa mưa, mùa lũ.. bà con nhiều địa phương phải di chuyển bằng ghe xuồng…

Để phát triển kinh tế xã hội, tỉnh xác định giao thông cần phải thay đổi diện mạo. Điều này đòi hỏi hệ thống giao thông tỉnh nhà cần được xây dựng hoàn chỉnh để đáp ứng được yêu cầu phát triển và tạo một bước chuyển biến đột phá. Đây là nhu cầu thiết thực và bức xúc của toàn tỉnh. Để làm được điều này tỉnh phải đối mặt với bài toán về nguồn vốn đầu tư. Bài toán này được giải quyết thế nào trong bối cảnh nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn. Do vậy tỉnh đã chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, xã hội hóa, huy động tốt các nguồn lực xã hội được xem là giải pháp khả thi, là bước đột phá để An Giang từng bước xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống giao thông tỉnh nhà. Cũng từ đó mà chương trình nhựa hóa, bê tông hóa giao thông, xây dựng cầu đường nông thôn ở An Giang đã ngày càng phát triển, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn, giúp bà con đi lại dễ dàng, lưu thông đi lại ngày một thuận tiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến năm 2010, ngoài tuyến quốc lộ 91 dài hơn 93km đi qua địa bàn, và 14 tuyến đường tỉnh trãi đều các huyện, thị, thành dài 394km, tỉnh có hệ thống đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp khá hoàn chỉnh, với tổng chiều dài trên 3.365km. Riêng đối với hệ thống giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã có 1.125km đường được nhựa hóa, 387km đường tráng xi măng, đường cấp phối là 311km và đường đất là 1.542km.
 

Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X đã đề ra những mục tiêu khá cụ thể cho ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2020. Vào ngày 04/06/2010, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định 800/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng với 11 nội dung về quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu, giảm nghèo, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn...

Xây dựng nông thôn mới ở An Giang được xem cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” ,“lấy sức dân để lo cho dân”. Có thể nói từ khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đời, thì phong trào huy động sức dân tham gia xây dựng cầu, đường nông thôn ngày càng phát triển rộng khắp, đã huy động mọi nguồn lực  xã hội bắt tay vào việc xây dựng cầu, đường nông thôn.

 
Qua hơn 05 năm thực hiện, việc huy động sức dân tham gia xây dựng cầu đường đã đạt được những kết quả đáng kể. Những con đường được trải dài, những cây cầu nối những bờ vui, người dân đi lại giao thương thuận tiện, trẻ em đến trường được dễ dàng hơn, bộ mặt nông thôn đã ngày càng khởi sắc. Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh bao gồm đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường chuyên dùng và đường giao thông nông thôn, có tổng chiều dài 5.581,17km, đến nay có 1.148,49km được nhựa hóa; 404,59km đường bê tông xi măng; Số còn lại là rải đá, gạch, đường cấp phối và đường đất. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.208 cầu. Trong đó có 344 cầu cầu bê tông; Có  229 cầu sắt; 263 cầu gỗ và 372 cầu treo. Tổng vốn đầu tư 1.866.770 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 377 tỷ đồng, và hơn 210.130 ngày công, hiến 908.780m2 đất; Doanh nghiệp đóng góp hơn 73 tỷ đồng và các nguồn vận động khác trên 117 tỷ đồng.

Giai đoạn từ nay đến 2020, tỉnh An Giang có kế hoạch hoàn thành trên 1.832km đường, xây dựng 450 cầu nông thôn, tổng kinh phí thực hiện trên 3.570 tỷ đồng, là số tiền rất lớn. Do vậy, tỉnh An Giang kêu gọi các cấp, các ngành, cán bộ và nhân trong và ngoài tỉnh hãy chung tay, chung sức để tham gia đóng góp về vật chất, công sức góp phần cho An Giang sớm hoàn thành theo kế hoạch đề ra./.

Đỗ Quyên


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36708652