Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười

(TGAG)- Đế chế Nga trước cách mạng tháng Mười là “nhà tù của các dân tộc bị áp bức”. Nhân dân bị áp bức bóc lột tàn tệ. Xã hội có nhiều mâu thuẫn sâu sắc. Đến năm 1903, đảng của giai cấp công nhân được thành lập lấy tên là Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga (Đảng cộng sản Bôn-sê-vích).

Năm 1905 cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất bùng nổ, tuy không thành công nhưng đã đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng ở Nga. Tháng 1 năm 1917 có 25 vạn công nhân bãi công, đến tháng 2 năm 1917 cả nước Nga vùng lên tổng bãi công. Ngày 26 tháng 2 năm 1917 cuộc tổng bãi công chuyển thành cuộc khởi nghĩa vũ trang. Ngày 27 tháng 2 năm 1917 khởi nghĩa ở Pê-tơ-rô-gơ-rát thắng lợi. Lúc đó nước Nga xuất hiện hai chính quyền song song và tồn tại là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô Viết đại biểu công nhân. Sau khi nắm được chính quyền Chính phủ lâm thời không giải quyết những vấn đề ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân đã hứa trước đó.

Đêm 24 tháng 10 năm 1917 (tức là đêm mồng 6 tháng 11 năm 1917), nhận thấy thời cơ đã đến, Lênin đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tuần dương hạm “Rạng Đông” nổ đại bác báo lệnh tiến công: Hàng vạn công nhân và binh lính tràn vào cung điện Mùa Đông, cuộc chiến diễn ra tới 2 giờ 45 phút sáng thì kết thúc. Toàn bộ chính phủ tư sản lâm thời bị bắt.

Ngày 25 tháng 10, Đại hội Xô Viết khai mạc, trong đại hội Lê-nin trình bày hai bản sắc lệnh quan trọng là bản Sắc lệnh về hòa bìnhSắc lệnh về ruộng đất. Sắc lệnh hòa bình tuyên bố “Chiến tranh đế quốc là tội ác lớn nhất chống lại loài người” và “đề nghị nhân dân tất cả các nước tham chiến và các chính phủ của họ tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hoà ước dân chủ và công bằng mà tuyệt đại đa số quần chúng công nhân, các giai cấp cần lao bị chiến tranh làm cho kiệt quệ, khốn đốn và vô cùng đau khổ trong các nước tham chiến, đang khao khát”. Đồng thời bản sắc lệnh cho thế giới biết rằng: “Nhà nước Xô Viết rất yêu chuộng hòa bình và kiên quyết phản đối mọi cuộc đấu tranh xâm lược, áp bức các dân tộc khác”. Trong sắc lệnh về ruộng đất, “Chính phủ Xô Viết quyết định tịch thu ruộng đất của địa chủ, quý tộc giao đất lại cho dân cày”. Cách mạng còn thi hành “Chính sách dân tộc” trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc, xóa bỏ “nhà tù của các dân tộc” dưới chế độ chuyên chế Nga hoàng.

Các thế lực thù địch cho rằng nhân dân lao động nước Nga không thể nắm được chính quyền quá  2 tuần (!). Nhưng thực tế chính quyền Xô viết đã trụ vững trước những cơn sóng dữ của nội chiến, của cuộc can thiệp vũ trang do 14 nước đế quốc tiến hành trong giai đoạn 1918-1920 và đặc biệt nghiêm trọng là cuộc tấn công của phát xít Đức từ năm 1941, cũng như hàng loạt chống phá quyết liệt do phương Tây phát động sau này… Liên Xô đã nhanh chóng vươn lên thành siêu cường. Chính CNXH hiện thực ở Liên Xô đã góp phần quan trọng gìn giữ hòa bình thế giới và cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít - con đẻ của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Tiêu diệt CNXH là mục tiêu mà chủ nghĩa đế quốc luôn tập trung thực hiện, nhưng không có kết quả. Trái lại, do phạm sai lầm từ bên trong: Liên Xô đã sụp đổ! Sự sụp đổ của Liên Xô không có nghĩa là CNXH đã chết  Sự sụp đổ đã chỉ ra những bài học quý báu. Chúng ta nhớ lại chỉ dạy của Lê-nin: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta… nếu chúng ta không mắc sai lầm, tự đánh đổ mình”, “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”. Cơn địa chấn năm 1991 rõ ràng có bàn tay can thiệp từ bên ngoài, nhưng đó chỉ là giọt nước làm tràn ly! Bản thân cách mạng đã bị phản bội!

“Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại”, là cuốn sách hiện đang được trưng bày trang trọng trên chiếc bàn Bác Hồ thường làm việc ở nhà sàn. Con đường cứu nước đúng đắn mà Người đã tìm thấy chính là con đường của Cách mạng Tháng Mười. Từ năm 1927, Người đã viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”.

Theo Hồ Chí Minh: “Cách mạng Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công - nông) làm gốc, phải có đảng vững bền”. Đi theo chỉ dẫn đó, Người đã  vận dụng sáng tạo: Dựng nên Đảng ta trong điều kiện thuộc địa nửa phong kiến; ra sức vận động, tập hợp nhân dân ta (đa số là nông dân) làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945. Người tổng kết: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”.

Tiến lên chủ nghĩa xã hội theo ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười cần chú ý một chỉ dẫn rất quan trọng của Lê-nin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ,…”.

Chân lý là cụ thể! Cách mạng là sáng tạo!

LÊ CHÍ THÀNH
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40208931