Truy cập hiện tại

Đang có 154 khách và không thành viên đang online

Thoại Sơn tổ chức tuyên truyền, quán triệt công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia và lược sử vùng đất Nam Bộ

(TGAG)- Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ Thoại Sơn vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia và lược sử vùng đất Nam Bộ cho 1.266 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 4 trường THPT, cán bộ chủ chốt và Ủy viên Ban Chấp hành các hội đoàn thể và hội quần chúng, các chức sắc, chức việc tiêu biểu trên địa bàn 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tham dự hội nghị, các thành viên được nghe các báo cáo viên trình bày về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ - Việt Nam cùng với tình hình phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia.

 
 

Bản đồ Lục tỉnh Nam Kỳ từ năm 1832

Theo đó, ở vùng đất Nam bộ - Việt Nam từ thế kỷ I đã tồn tại và phát triển vương quốc Phù Nam, chủ nhân nền văn hóa Óc Eo. Từ thế kỷ VI, Phù Nam suy yếu và bị Chân Lạp xâm chiếm vào đầu thế kỷ VII. Tuy nhiên, trong suốt 10 thế kỷ, vùng đất Thủy Chân Lạp (Nam Bộ, trong đó có 35 năm từ 767-802 bị người Java chiếm) không được đầu tư khai thác và mở mang nên dần dần trở thành hoang hóa, cư dân rất thưa thớt. Đến đầu thế kỷ XVII, người Việt ở vùng Thuận - Quảng bắt đầu đặt chân vào khai phá vùng đất Nam Bộ một cách hòa bình. Chỉ sau hơn 1 thế kỷ, đến nửa sau thế kỷ XVIII (1757), toàn vùng đất Nam Bộ đã thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Và người Việt luôn thể hiện là chủ nhân có trách nhiệm đối với vùng đất này. Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, chủ quyền vùng đất Nam Bộ đã được khẳng định trong các hiệp ước mang tính khu vực và quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973). Cư dân vùng đất Nam Bộ, dù là người Kinh, người Khmer, hay người Hoa, người Chăm… dù đến trước hay đến sau nhưng đã đoàn kết, chung sức, chung lòng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng đất với những giá trị thiêng liêng, không thể tách rời của Việt Nam.

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Việt Nam - Campuchia đã ký kết những hiệp ước và đàm phán để đi đến hoạch định biên giới quốc gia giữa 2 nước. Ngày 7-9-2006, khởi công cột mốc quốc tế cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam) - Ba Vét (Campuchia). Đến nay, 2 bên đã phân giới được khoảng 880km/1.137km đường biên giới (đạt 78,17% kế hoạch); xác định 252/314 vị trí mốc (đạt 80,25% kế hoạch) và xây dựng được 290/371 cột mốc (đạt 78,17% kế hoạch), trong đó đã hoàn thành việc xây dựng 8 cặp mốc/10 cặp cửa khẩu Quốc tế, hiện chỉ còn mốc 30/Lệ Thanh - Gia Lai và mốc 275/Tịnh Biên - An Giang đã xác định tháng 5/2011 nhưng chưa xây dựng.

Qua đợt tuyên truyền này, giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường THPT, cán bộ chủ chốt và Ủy viên Ban Chấp hành các hội đoàn thể và hội quần chúng, các chức sắc, chức việc tiêu biểu của 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có thêm tư liệu để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền vùng đất Nam bộ Việt Nam và quyết tâm xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị giữa 2 nước, đồng thời góp phần bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề lịch sử để phục vụ cho lợi ích và mưu đồ riêng của chúng./.

Nguyễn Quốc Khánh
Ban Tuyên giáo Thoại Sơn
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36731942