Truy cập hiện tại

Đang có 180 khách và không thành viên đang online

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam

(TUAG)- Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941- 6/6/2021). Cổng TTĐT Đảng bộ An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương.



1. Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam


Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Ở châu Âu quân đội phát xít Đức tấn công Ba Lan, Pháp; Chính phủ Pháp đầu hàng Đức; ở Đông Dương phát xít Nhật tiến sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Thực dân Pháp lo sợ trước phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương và phát xít Nhật đe dọa nhảy vào Đông Dương. Ngày 22/9/1940, Nhật tiến đánh Lạng Sơn, Hải Phòng và Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật.

Ngày 28/1/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, nhận thấy tình hình thế giới đang chuyển biến mau lẹ, Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) quyết định chuyển hướng chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam; chỉ đạo thành lập Mặt trận rộng rãi tập hợp lực lượng chống đế quốc, đó là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Ngày 6/6/1941, Người đã viết thư “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” kêu gọi toàn dân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của phụ lão “Trách nhiệm của các vị phụ lão với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì, nước nhà hưng, suy, tồn, vong phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề… Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”[1]. Người cho rằng, đoàn kết người cao tuổi trong một tổ chức là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, ngày 21/9/1945, trong bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu gọi “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và hùn sức giữ gìn nền độc lập nước nhà”[2]. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phụ lão cứu quốc Hội đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước để góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược giành thắng lợi và hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cao tuổi Việt Nam đã kế thừa, phát huy truyền thống từ Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống xã hội.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Hội phụ lão cứu quốc lấy tên Hội Bảo thọ, Hội Vui tuổi già, Quỹ Thọ… để phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn của đất nước, trong đó coi trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, quan tâm, chia sẻ lúc ốm đau, hoạn nạn, chúc thọ, mừng thọ… góp phần xây dựng quan hệ tình làng nghĩa xóm, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết.

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo người cao tuổi Việt Nam (ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg về việc thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam; Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi; Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 06 tháng 6 hằng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”; ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), ban hành Luật Người cao tuổi). Người cao tuổi đã sát cánh cùng Nhân dân cả nước tích cực tham gia nhiều phong trào đấu tranh, thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

2. Các nhiệm kỳ Đại hội người cao tuổi Việt Nam

Trải qua 80 năm truyền thống cách mạng vẻ vang, kể từ ngày thành lập đến nay Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội, cụ thể:

- Đại hội lần thứ 1: Tổ chức ngày 9 - 10/5/1995 tại Hà Nội, có 215 đại biểu tham dự. Đại hội bầu Giáo sư Trần Khuê làm Chủ tịch Hội và thông qua Điều lệ và Chương trình hành động toàn khóa; quyết định lấy ngày 10/5/1995 là ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

- Đại hội lần thứ 2: Tổ chức ngày 10 -12/7/2001 tại Hà Nội, 332 đại biểu tham dự. Đại hội bầu đồng chí Vũ Oanh giữ chức Chủ tịch Hội và xác định rõ vị trí, vai trò Hội Người cao tuổi Việt Nam trong giai đoạn mới.

- Đại hội lần thứ 3: Tổ chức ngày 28 - 30/12/2006 tại Hà Nội, gần 500 đại biểu tham dự. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Tấn Trịnh giữ chức Chủ tịch Hội và đánh giá kết quả tích cực của Hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; phong trào thi đua “Nêu gương sáng”.

- Đại hội lần thứ 4: Tổ chức ngày 10 -11/11/2011 tại Hà Nội, 345 đại biểu tham dự. Đại hội bầu đồng chí Cù Thị Hậu giữ chức Chủ tịch Hội.

- Đại hội lần thứ 5: Tổ chức ngày 8 - 9/11/2016 tại Hà Nội, có 336 đại biểu tham dự. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Thị Hải Chuyền, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và xã hội làm Chủ tịch Hội.

3. Những đóng góp của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

3.1. Từ năm 1941 - 1945: Hàng chục vạn người cao tuổi tham gia vào tổ chức Hội phụ lão cứu quốc, để tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang của Đảng, nuôi giấu, làm giao thông liên lạc cho cán bộ; làm công tác binh vận, giữ bí mật các cơ sở hoạt động của Đảng, tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ của địch; vận động thanh niên không đi lính cho thực dân Pháp, không làm tay sai cho Nhật; tích cực xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

3.2. Từ năm 1945 - 1954 (kháng chiến chống Pháp, bảo vệ chế độ dân chủ Nhân dân, giữ vững nền độc lập dân tộc): Người cao tuổi đã gương mẫu thực hiện và vận động con cháu tham gia diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vùng địch tạm chiếm, các cụ dùng mưu kế rào làng kháng chiến, vận động con cháu thực hiện khẩu hiệu “cướp súng giặc, giết giặc”, áp dụng lối đánh du kích tiêu hao sinh lực địch, tự tay đốt nhà mình thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đối phó có hiệu quả các trận càn của địch. Vùng tự do, vùng căn cứ địa kháng chiến, các cụ hăng hái tăng gia sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước; góp gạo nuôi quân đánh giặc, động viên thanh niên đi bộ đội; thanh niên xung phong mở đường chiến dịch. Các “Hội mẹ chiến sĩ” tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo nuôi quân” hết lòng chăm sóc anh em thương binh từ các mặt trận đưa về hậu cứ.

3.3. Từ năm 1954 - 1975 (kháng chiến chống Mỹ, cứu nước): Người cao tuổi đã hăng hái tham gia thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc: Ở miền Bắc có nhiều hội viên phụ lão đã tích cực tham gia xây dựng những cánh đồng “cánh đồng 5 - 10 tấn thắng Mỹ”, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, giành danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”. Nhiều cụ mạnh khỏe còn tham gia các đội “Bạch đầu quân”, đặc biệt Trung đội lão dân quân Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã mưu trí dũng cảm dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Ở chiến trường miền Nam, nhiều cụ đã ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, đùm bọc, giúp đỡ quân giải phóng; tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị; các bà má miền Nam tay không dũng cảm đi đầu trong các đoàn biểu tình, đòi con đang bị giam cầm, kêu gọi anh em binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào… bất chấp xe tăng, lưỡi lê, họng súng của kẻ thù.

3.4. Từ năm 1975 - 2020: Người cao tuổi có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, an ninh, trật tự xã hội… trong đó có nhiều người cao tuổi có trình độ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia vẫn nhiệt huyết, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ để tiếp tục đóng góp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế (tham gia góp ý xây dựng chính sách, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh…). Người cao tuổi đã khẳng định được vị trí là hạt nhân nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước, như: “Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi”, “Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và tham gia “giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự biên giới, đất liền, biển đảo”; tham gia các hoạt động xã hội ở cơ sở, làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, Trưởng bản, Tổ hòa giải, Tổ tự quản… nhất là khôi phục lại làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương, đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của người cao tuổi Việt Nam 80 năm qua, “Tuổi cao chí càng cao” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; người cao tuổi đã hăng hái thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần “Tuổi cao – Gương sáng” trong các phong trào thi đua, có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi; tham gia giữ gìn an ninh trật tự; tham gia các hoạt động ở địa phương (xây dựng hương ước, quy ước, nếp sống văn minh, lành mạnh...); các cấp hội cơ sở góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Các tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở, luôn bám sát ba chương trình công tác trọng tâm: Xây dựng tổ chức Hội, chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi; tích cực tham gia các phong trào, chương trình lớn do Hội phát động, như: Triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo, mắt sáng cho người cao tuổi, chương trình “người cao tuổi tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo”, “người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở”; thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau, theo Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 – 2020 và đến năm 2025... của người cao tuổi được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Ghi nhận, trân trọng công lao đóng góp to lớn của người cao tuổi Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tặng những phần thưởng cao quý cho các thế hệ người cao tuổi: Bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lao động hạng nhất... và các danh hiệu: “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Anh hùng lao động”, “Cựu giáo chức Việt Nam”… là niềm tự hào, khích lệ người cao tuổi tiếp tục nỗ lực, phấn đấu là tấm gương sáng cho con cháu học tập cũng như tổ chức Hội phát huy thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước.

4. Định hướng công tác tuyên truyền

4.1. Quán triệt, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi; cổ vũ, phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh to lớn của các thế hệ người cao tuổi Việt Nam trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội...; tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội về vị trí, vai trò người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam.

4.2. Tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, tổ chức các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”. Chú trọng đề cao vai trò nòng cốt của Hội Người cao tuổi Việt Nam trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”; phát huy khả năng của người cao tuổi “Tự thân vận động, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm”.

4.3. Tuyên truyền công lao, đóng góp của người cao tuổi đối với đất nước, nhất là trong triển khai thực hiện các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả, như: Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường … và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

4.4. Tập trung tuyên truyền tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V Hội Người cao tuổi Việt Nam, trọng tâm là:

- Thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm của Hội: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò người cao tuổi.

- Tổ chức thực hiện đồng bộ hai chương trình công tác: Phát triển Quỹ hội người cao tuổi; người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

- Thực hiện hai nhiệm vụ Chính phủ giao: Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam; triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1336/QĐ -TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế tự giúp nhau đến năm 2025”.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

______________________
[1] Hồ Chí Minh, Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão (6-1941).
[2] Hồ Chí Minh, Thư gửi các bậc phụ lão, báo cứu quốc số 48, ngày 21/ 9/1945.
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40448628