Truy cập hiện tại

Đang có 138 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

BÁC HỒ - BÁC TÔN HAI CON NGƯỜI MỘT CHÍ HƯỚNG

Trên mảnh đất 4000 năm văn hiến đã sinh ra Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng – hai người con ưu tú của dân tộc, đã làm rạng rỡ cho non sông Việt Nam.
 

Bác Hồ và Bác Tôn được sinh ra ở hai miền khác nhau của đất nước, có quãng đời niên thiếu khác nhau, mỗi người chọn cho mình một con đường riêng để bước vào đời nhưng cuối cùng đã gặp nhau và trở thành đôi bạn thân thiết, cùng sát cánh bên nhau đấu tranh cho mục đích vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho tổ quốc.
 
Giữa lúc đất nước chìm trong đen tối, nhân ta phải sống cảnh lầm than của thân phận người dân mất nước và giữa tiếng súng chống giặc ngọai xâm vang dội khắp nơi thì tại cù lao Ông Hổ, ngày 20/8/1888 Bác Tôn ra đời. Người sau này trở thành những tinh hoa tiêu biểu cho phẩm chất cách mạng và phong cách của giai cấp công nhân Việt Nam.
 
Hai năm sau tại làng Hoàng Trù -Xứ Nghệ, Nguyễn Sinh Cung được ra đời vào ngày 19/5/1890 đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta – Người đã trở thành biểu tượng cao qúy, là niềm tự hào của dân tộc.
 
Dù ở cách xa hàng ngàn cây số, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Sinh Cung đều lớn lên trong cảnh mất nước, dân nô lệ, chứng kiến tội ác dã man của thực dân Pháp đối với đồng bào mình.
 
Năm 1911 Bác Hồ đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Latuache de Fravelle. Tại Pháp Bác đã hoạt động sôi nổi, tháng 12/1920 Bác đã tham gia Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp, tán thành gia nhập Quốc tế III và bỏ phiếu thành lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
 
Từ năm 1925 – 1930 là quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước tại Việt Nam thông qua các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để đến năm 1930, Đảng cộng sản Đông Dương (nay Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời chấm dứt quá trình khủng hoảng về đường lối cách mạng, xác định vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam mà đại diện là Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Cùng thời điểm ấy, năm 1906 Bác Tôn đã rời quê hương An Giang lên Sài Gòn để học việc và làm thợ, chọn làm người công nhân công nghiệp sau đó vào học ở trường cơ khí Á Châu. Năm 1916, Bác được đưa sang Pháp làm lính thợ. Trong thời gian Bác Tôn làm lính thợ trên chiến hạm France, một sự kiện gây tiếng vang lớn trong phong trào công nhân quốc tế là cuộc binh biến của lính thủy Pháp phản đối cuộc tấn công của các nước đế quốc chống chính quyền Xô Viết mà là Bác Tôn là người đã kéo là cờ đỏ phản chiến. Chính bằng hành động trên Bác Tôn đã đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam thể hiện tinh thần quốc tế vô sản. Năm 1920, Bác Tôn thành lập công hội đầu tiên ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Công hội phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn phát triển một bước mới từ tự phát lên tự giác bằng cuộc đấu tranh của hơn 1000 công nhân Ba Son vào tháng 8/1925, Công hội bí mật của Tôn Đức Thắng là mảnh đất tốt để hạt giống cách mạng của Bác Hồ đơm hoa kết trái.
 
Đầu năm 1946, Bác Tôn được Đảng điều động về Trung ương. Tại đây Bác Tôn đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Từ đó hai Bác luôn sát cánh bên nhau lãnh đạo cuộc kháng chiến.
 
Hưởng ứng cuộc vận động “ Kháng chiến kiến quốc” do Bác Hồ đề ra, Bác Tôn đã cùng các ngành, các ban thi đua vận động hướng dẫn nhân dân thi đua ái quốc “ Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” làm cho guồng máy kháng chiến chuyển động mạnh và đều.
 
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Bác Hồ, Bác Tôn cùng với trung ương đảng và chính phủ trở về Hà Nội. Sau đó hai Bác bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
 
Ngày 19/8/1958 tại câu lạc bộ Ba Đình, Bác Hồ đã thay mặt nhân dân và Chính phủ trao tặng cho Bác Tôn Huân chương Sao vàng nhân dịp Bác 70 tuổi. Đây là phần thưởng cao qúy nhất của nước ta mà Bác Tôn là người đầu tiên được trao tặng.
 
“Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”
 
Có thể nói Bác Hồ là linh hồn của chính sách đại đoàn kết, Bác Tôn là người tiêu biểu cho chính sách đó. Tại phiên họp thứ 11 Quốc hội khóa I Bác Hồ đã ôm hôn Bác Tôn thể hiện sự gắn bó với nhau trong tình cảm cách mạng, tình đồng chí bền chặt keo sơn. Niềm vui của Bác Hồ cũng là niềm vui của Bác Tôn và thực sự trở thành hạnh phúc của Bác Tôn.
 
Ngày 15/7/1960 Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù ở cương vị nào trong Đảng và Nhà nước, hai bác vẫn là những tấm gương tiêu biểu vô giá về đạo đức cách mạng.
 
Mặc dù công việc bề bộn, nhưng hai bác vẫn chăm sóc đến các cháu thiếu nhi - thế hệ mầm non của đất nước, những người chủ tương lai của xã hội như Bác Hồ đã nói:
 
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
 
Giữa lúc quân và dân ta đang tiến tới con đường giành thắng lợi. Do tuổi cao sức yếu sau gần 60 năm họat động cách mạng, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta, ngày 2/9/1969. Bác Tôn đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước ngày đêm túc trực bên linh cữu của Người.
 
Để tiếp tục con đường giải phóng dân tộc, thực hiện di chúc của Bác Hồ, kế tục sự nghiệp làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Tôn đã lãnh đạo nhân dân 2 miền Nam – Bắc vừa xây dựng XHCN ở miền Bắc, vừa đưa công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng .
 
Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc “ Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/5/1975 Bác Tôn đọc “ Diễn văn mừng ngày chiến thắng 30/4/1975” tại thành phố Sài Gòn – Gia Định, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc đưa nước ta thành một nước độc lập tự do.
 
Hai Bác đã đi hết cuộc đời mình một cách trọn vẹn trong cuộc chiến đấu của dân tộc để tạo lập nên một xã hội mới của lịch sử đất nước – một tấm gương trong sáng về mọi mặt cho các thế hệ Việt Nam noi theo. Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi ghi nhận mối tình bạn vĩ đại của Bác Hồ - Bác Tôn.
 
Ngày nay mỗi chúng ta đều học tập ở hai Bác đạo đức, những phẩm chất tốt đẹp, tình cảm của hai Bác là tình yêu bao la đối với dân tộc. Sự gặp gỡ của hai Bác đã để lại dấu ấn trong lịch sử về 2 con người mà cả nhân loại đều biết đến.
 
Hình ảnh cuả Bác Hồ - Bác Tôn vẫn toả sáng cho hôm nay và mai sau, thông qua sự sáng tạo, phẩm chất đạo đức cuả Bác Hồ - Bác Tôn. Là những nhân viên trẻ đang làm việc tại bảo tàng mang tên Người, chúng tôi luôn tìm hiểu những mẩu chuyện kể về Bác để góp phần tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Công chúng sẽ được học tập, tìm hiểu thêm về Bác Tôn và gia đình, họ sẽ hiểu hơn về cuộc sống đời thường giản dị của Bác.

_____________

Tài liệu tham khảo “Bác Tôn (1888 - 1980) cuộc đời và sự nghiệp”. Nhà xuất bản Sự Thật.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39990276