Truy cập hiện tại

Đang có 48 khách và không thành viên đang online

Thương hiệu Việt và câu chuyện hội nhập

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 20-4 hằng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam. Cuối năm ngoái, tại Hà Nội, Lễ công bố doanh nghiệp (DN) có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia (THQG) năm 2014, được tổ chức long trọng với 63 DN có thương hiệu sản phẩm đạt THQG, trong đó 48 DN đã đạt THQG và tiếp tục được lựa chọn năm 2014 và 15 DN đăng ký mới đáp ứng đủ các tiêu chí.

THQG do Chính phủ Việt Nam tiến hành, là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng và định hướng bản sắc dân tộc trong nhận thức của cộng đồng thế giới bằng việc hình thành và quảng bá hình ảnh đất nước, thông qua các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ uy tín tiêu biểu. Chương trình không phải là giải thưởng thương hiệu; việc lựa chọn thương hiệu sản phẩm đạt THQG chỉ là khởi đầu để DN trở thành đối tác của chương trình và được Nhà nước bảo trợ để đứng vững trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển ra thế giới.

Năm 2014 vừa qua là thời gian sôi động của các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng và khẩn trương chuẩn bị thực thi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC),... Nổi bật là chúng ta đẩy nhanh và cơ bản kết thúc đàm phán ba trong sáu FTA là FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu và Liên minh hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan. Chúng ta đã và đang tích cực phối hợp các nước thành viên ASEAN để hoàn tất hình thành AEC vào cuối năm nay. Dù hạn chế nguồn lực, Việt Nam vẫn là một trong những nước có mức độ thực hiện biện pháp ưu tiên xây dựng AEC 2015 cao nhất, với tỷ lệ 90% so mức bình quân 82,1% của ASEAN.Việc đàm phán và ký kết các FTA còn có tác động quan trọng giúp chúng ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tạo lực đẩy cùng chiều với nỗ lực cải cách trong nước như tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách DN nhà nước,... Chính phủ yêu cầu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của ASEAN-6 và năm 2016 ít nhất đạt mức trung bình ASEAN-4 ở một số chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế. Trong nước, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương tiếp tục chuyển biến tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 do VCCI vừa công bố cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Theo kết quả điều tra năm 2014, hơn 46% DN dân doanh được khảo sát dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới (so mức 32,5% năm 2013); còn ở DN FDI là 50%.

Có thể nhận thấy, việc xây dựng và phát huy giá trị "Thương hiệu Việt Nam" đã nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các địa phương, đến từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Chương trình THQG Việt Nam với biểu trưng Vietnam Value (Giá trị Việt Nam) được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam, trước những vận hội lẫn thách thức cả trong nước và quốc tế đan xen, đất nước kỳ vọng cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các DN có sản phẩm đạt THQG nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, đứng vững và phát triển tại thị trường trong nước, đồng thời vươn ra thị trường ngoài nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày Thương hiệu Việt Nam, ngoài tôn vinh thương hiệu và giá trị Việt, còn nhắc nhở từng DN, người tiêu dùng và mỗi chúng ta trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đóng góp tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.
YÊN THY/Báo ND
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40763900