Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Quốc hội nghe thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện chủ trương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020

(TUAG)- Chiều ngày 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng thời, nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:

Về kết quả huy động nguồn lực: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực bố trí vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết 100, tăng nguồn lực đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); các tỉnh, thành phố đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương bố trí vượt so với kế hoạch đề ra, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại cho các dự án thuộc CTMTQG Giảm nghèo bền vững. Đây là thành công lớn trong huy động nguồn lực để thực hiện với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Về phân bổ và sử dụng nguồn lực: Chính phủ đã  chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội. Phân bổ vốn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các xã thuộc Chương trình 135; vùng DTTS, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm so với giai đoạn trước.

Về đổi mới trong tổ chức quản lý và thực hiện: Bộ máy quản lý CTMTQG đã được kiện toàn thống nhất từ trung ương đến địa phương, phân công, phân cấp rõ ràng; Thực hiện cơ chế Trung ương hỗ trợ tổng mức vốn, địa phương chủ động phân bổ, theo đó đã phát huy tính chủ động đồng thời tăng trách nhiệm của địa phương trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt cơ chế phân cấp tổ chức thực hiện công trình cơ sở hạ tầng tới cấp huyện, cấp xã, đồng thời trao quyền cho người dân tham gia tổ chức các mô hình sinh kế, giảm nghèo, quản lý khai thác và vận hành các công trình trên địa bàn cấp xã…

Công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo các cấp thông qua  đôn đốc, chỉ đạo được thực hiện thường xuyên, cùng với đó là giám sát của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội; Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Kiểm toán chuyên đề đối với việc thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện thẩm tra, giám sát theo quy định. Qua đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó, kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm, đổi mới công tác quản lý, thực hiện các CTMTQG, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ: Chương trình xây dựng nông thôn mới, tới tháng 9 năm 2019, 52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, như vậy đã hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội giao sớm trước 01 năm. Tới tháng 8 năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%. Đối với Chương trình Giảm nghèo bền vững: Số hộ nghèo bình quân trong từ năm 2016-2019 giảm 1,53%/năm với 1.353.805 hộ nghèo (chiếm 58%) đã thoát nghèo. Đến hết năm 2019, kết quả thực hiện mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đặc biệt, nhiều địa phương hạn chế được tình trạng tái nghèo.



Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực song việc ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Một số tiêu chí MTQG nông thôn mới vẫn chưa thực sự phù hợp với điều kiện đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Một số văn bản quy phạm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của từng chương trình chậm được ban hành, dẫn đến lúng túng, chậm trễ trong phân bổ, chậm giao kế hoạch vốn và tổ chức thực hiện ở các địa phương.

Về huy động và phân bổ vốn: Việc huy động nguồn lực từ xã hội chủ yếu tập trung vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn cho chương trình giảm nghèo bền vững từ NSNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn, huy động các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt. Nguồn vốn tín dụng tăng khá lớn, nhưng một số chương trình tín dụng có thời hạn, mức cho vay thấp so với yêu cầu thực tế.

Việc phân bổ và giao vốn CTMTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải; chậm giao chi tiết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, bố trí vượt số vốn ghi trong quyết định đầu tư, bố trí dồn vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiều công trình, dự án. Một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản ở mức cao. Một số công trình hoàn thành, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp, chưa được chú trọng bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng kịp thời để phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững.

Đề xuất về chủ trương, định hướng, sự cần thiết đầu tư: Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất thực hiện 3 CTMTQG gồm: CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và Miền núi; CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và CTMTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, việc tiếp tục thực hiện 2 Chương trình CTMTQG xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả thành tựu giai đoạn trước.   

Về thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Chính phủ chưa trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 02 chương trình này trong giai đoạn 2021-2025 là quá chậm. Trường hợp Chính phủ chưa kịp trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư 02 chương trình trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ cần báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm về sự chậm trễ và đề xuất phương án thực hiện chuyển tiếp trong năm 2021 để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện 02 chương trình…

Thứ tư, ngày 21/10/2020: Buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật./.
P.N
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40328370