Truy cập hiện tại

Đang có 151 khách và không thành viên đang online

Hội nghị COP 24: Cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận trong nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu

Ngày 15-12, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tổ chức tại thành phố Katowice, Ba Lan, phái đoàn của gần 200 quốc gia cuối cùng cũng đã tìm được sự đồng thuận về cơ chế hướng dẫn quy định chung, được xây dựng để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về việc giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C. Với quyết tâm củng cố kế hoạch hành động nhằm ứng phó với những mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ ngày 02 đến 14-12-2018, đại diện từ gần 200 quốc gia trên thế giới đã họp tại thành phố Katowice của Ba Lan để tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24).

Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu

Hiệp định Paris được thông qua tại hội nghị COP 21 diễn ra ở Pháp tháng 12-2015, đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Để thực hiện được điều này, từ nay đến năm 2030, cần giảm 50% lượng khí phát thải so với năm 2010. Tại COP 21, 18 nước phát triển đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2020 cho các chương trình khí hậu của các nước đang phát triển, nhưng số tiền huy động được tính đến thời điểm này mới chỉ dừng lại ở con số hơn 70 tỷ USD.

Năm 2017, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng thỏa thuận này là không công bằng với "Xứ Cờ hoa". Theo thỏa thuận của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, Mỹ đồng ý sẽ cắt giảm từ 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho rằng Hiệp định Paris mang đến cho các nước khác lợi thế so với ngành công nghiệp Mỹ và phá hủy việc làm ở quốc gia này.

Với quyết định rút khỏi Hiệp định Paris 2015 - chính thức có hiệu lực từ tháng 11-2020, Mỹ sẽ đứng cùng phía với Syria và Nicaragua - hai nước không tham gia thỏa thuận này. Sự bất hợp tác của Washington chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thỏa thuận khi Mỹ là nước có lượng khí phát thải lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Ngoài ra, các nước ủng hộ thỏa thuận lo ngại quyết định của Mỹ sẽ khiến nhiều nước rút theo, hoặc giảm cam kết cắt giảm khí thải.

Trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hầu hết các nước còn lại tham gia thỏa thuận này vẫn chưa thể nhất trí về một nỗ lực chung và năm nay đã là thời hạn chót để thông qua chương trình thực thi các cam kết hành động, tiến tới việc Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực vào năm 2020 để thay thế Nghị định thư Kyoto, COP 24 được đánh giá là sự kiện rất quan trọng nhằm giải quyết các thách thức về khí hậu.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mang tính toàn cầu

 
 Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị COP 24.

 

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan như thiên tai gây thiệt hại nặng nề cả người và của, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn cũng xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn.... Tất cả những điều ấy đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng chưa bao giờ cư dân "Hành tinh Xanh" phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu lớn như ngày nay. Một loạt kết quả báo cáo được đưa ra gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động.

Cũng theo WMO, 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong vòng 22 năm qua. Trong khi đó, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu, đang ở mức cao kỷ lục, dẫn đến hậu quả là thế giới có thể sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trên tạp chí y khoa The Lancet số ra mới đây, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo việc khí hậu biến đổi nhanh chóng đang tác động đến mọi mặt của đời sống con người. Môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến bùng phát dịch bệnh, làm thay đổi cấu trúc gen của các virus bệnh truyền nhiễm tạo ra những biến thể nguy hiểm hơn. An ninh lương thực, nguồn nước sạch bị đe dọa nặng nề. Hàng chục địa điểm trên thế giới có nguy cơ bị đại dương nhấn chìm. Cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng. Năm 2017, biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD trong khi 41 triệu người dân ở Nam Á và 900.000 người ở châu Phi phải sống trong cảnh lụt lội. Lớp băng ở Bắc cực vào mùa Đông thấp hơn bao giờ hết, trong khi lượng khí thải carbon và Methane trong khí quyển đã lên tới mức cao nhất trong nhiều năm qua. Lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2018. Theo một báo cáo của Đại học East Anglia (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Dự án Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm 2018 dự kiến sẽ tăng hơn 2% so với năm 2017, lên 37,1 tỷ tấn, chủ yếu do gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt.

Còn theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres ước tính, biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người. Và việc đạt được sự đồng thuận trong 2 tuần diễn ra COP 24 thể hiện ý chí mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đề ra, cứu Trái Đất trước khi quá muộn.

Cuối cùng cũng đạt được đồng thuận

 

 
 Niềm vui của các đại biểu khi Hội nghị đạt được sự đồng thuận.

Ngày 15-12, các quốc gia đã đạt được thống nhất về lộ trình thực thi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Theo các nguồn tin, phái đoàn của gần 200 quốc gia cuối cùng cũng đã tìm được sự đồng thuận về cơ chế hướng dẫn quy định chung, được xây dựng để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về việc giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 - ông Michal Kurtyka nói: “Cùng nhau triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là trách nhiệm lớn của các nước. Một chặng đường dài đã qua. Chúng tôi đã nỗ lực nhất để không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Trước đó, đa số các nước thành viên đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC). Tuy nhiên, bất đồng đã nảy sinh giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt liên quan tới cách diễn đạt trong báo cáo của IPCC, vạch ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở dưới ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng như giảm lượng khí phát thải nhà kính. Một bất đồng nữa là cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay. Theo một báo cáo của Đại học East Anglia (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Dự án Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ tăng hơn 2% so với năm 2017, lên 37,1 tỷ tấn CO2, chủ yếu do gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt.

Thống nhất lộ trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Các nội dung đàm phán tại COP 24 tập trung xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch chi tiết về giảm nhẹ, thích ứng, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ… đối với toàn bộ 195 quốc gia đã ký kết (trong đó 184 quốc gia đã phê chuẩn) Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ngoài ra, đại diện các nước cũng thảo luận về cách thức nhằm giải quyết các mối đe dọa cấp bách như tình trạng biến đổi khí hậu, lượng khí nhà kính gây ra sự ấm lên toàn cầu, cải thiện chất lượng không khí, thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và của, như các trận cháy rừng, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn đi kèm với mực nước biển tăng.

Một trong những tranh cãi tại hội nghị COP 24 là ngân sách tài chính hỗ trợ cho các nước phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà cam kết xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hàng năm (tới năm 2020) khó có thể được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này Ngân hàng Thế giới đã công bố khoản đầu tư vào kế hoạnh hành động chống biến đổi khí hậu trị giá 200 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021-2025, đồng thời nhấn mạnh rằng con số này gấp đôi so với khoản ngân sách 5 năm hiện nay.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Guterres nhận định các nước chứng kiến những tác động của thảm họa thiên nhiên dẫn tới sự tàn phá khắp thế giới, song con người vẫn chưa hành động đầy đủ và đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng này. Ông Guterres đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu. Theo ông, những quốc gia giàu có có trách nhiệm chung hỗ trợ các nước và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất như các quốc đảo nhỏ, thích ứng và có khả năng ứng phó trước sự tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, bà Maria Espinosa đã khẳng định các nước sẽ phạm sai lầm nếu lựa chọn giữa các mục tiêu kiềm chế tốc độ ấm lên của Trái Đất và vấn đề việc làm.

Theo bà Espinosa, các xã hội cần phải thích ứng, tăng cường nhận thức về vấn đề này, nếu không sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn đe dọa sự sống của con người và hành tinh Xanh. Trong khi đó, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu cũng đã kêu gọi các nước nhất trí với mục tiêu giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường cùng những cam kết để thực hiện mục tiêu đó. Bà Lynn nhấn mạnh thế giới cần tới quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, những giải pháp nghiêm túc và triệt để để bảo vệ môi trường, làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Kết thúc hội nghị, các nước cam kết xây dựng và hoàn thành chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015. Đồng thời nỗ lực hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái Đất ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C.

Các nước tham dự cũng đã cam kết thúc đẩy những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên - thông qua việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng, chú trọng tới nguồn năng lượng tái tạo, xanh và sạch hơn./.

Nguồn: TCCS

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40468187