Truy cập hiện tại

Đang có 310 khách và không thành viên đang online

Thế giới tuần qua: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Dư luận quốc tế tuần qua quan tâm nhiều đến một số sự kiện, tin tức nổi bật như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản; Khủng hoảng di cư ở châu Âu chưa đến hồi kết; Bán đảo Triều Tiên lại đứng trước căng thẳng mới…

1. Báo chí thế giới đã đồng loạt đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhật Bản trong những ngày qua.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Ảnh: TTXVN

Theo sát lịch hoạt động dày đặc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhật Bản, các bài viết đặc biệt nhấn mạnh kết quả của cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhất là những cam kết từ phía Nhật Bản.

Chuyến thăm được đánh giá là bước đi nhằm duy trì đường lối đối ngoại cân bằng của Việt Nam với các nước trong khu vực, thể hiện Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển sâu rộng, toàn diện và được kỳ vọng sẽ lên một tầm cao mới sau chuyến thăm này theo phương châm “tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai”.

2. Nghị viện châu Âu ngày 17-9 đã ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch tái bố trí 120.000 người tị nạn xung quanh khu vực Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, sức ép từ những dòng người tị nạn vẫn đang đổ dồn vào châu Âu. Croatia đóng cửa 7/8 cửa khẩu biên giới với Serbia, khiến Balkan có thể trở thành vùng đất kẹt cho những người tị nạn muốn đi đến đích cuối cùng là các nước Tây Âu, sau khi nước láng giềng Hungary đã dùng những biện pháp mạnh nhất để ngăn chặn người di cư.

Trong khi đó, dư luận quốc tế đang có phản ứng tích cực với phát ngôn của tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris sẵn sàng mua đứt một hòn đảo ở Hy Lạp hoặc Italia để cho người tị nạn ở, biến nơi này thành nhà lâu dài cho họ, thậm chí thành một quốc gia mới mang tên Hy vọng.

Châu Âu phải đối mặt với "cuộc chiến lương tâm" để vừa làm hài hòa những giá trị nhân đạo, vừa thực hiện một chính sách thực tế nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng đang "kéo căng" toàn xã hội Lục địa già.

3. Triều Tiên ngày 18-9 đã công khai các hình ảnh thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo bất chấp sự phê phán của cộng đồng quốc tế. Trước đây, mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa, nước này thường tuyên bố là phóng vệ tinh.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un quan sát một vụ thử tên lửa. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Triều Tiên còn tuyên bố đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ vào bất kỳ thời điểm nào, đồng thời cho biết đã nối lại hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Những động thái này làm dấy lên các phỏng đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa tầm xa đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10 tới.

4. Kết thúc cuộc họp chính sách được thị trường tài chính toàn cầu theo dõi vào đêm 17-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở mức thấp kỷ lục.


Giới đầu tư theo dõi Chủ tịch FED Janet Yellen thông báo kết quả cuộc họp về lãi suất đồng USD qua màn hình tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 17-9. Ảnh: VOV

Ba lý do được đưa ra sau quyết định trên là: Thị trường quốc tế nhiều biến động, các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng và lạm phát ở mức thấp tại Mỹ.

Việc duy trì lãi suất ở ngưỡng 0-0,25% là một “sự trì hoãn chiến thuật” để thu thập thêm thông tin về rủi ro đối với các dự báo và khi thị trường việc làm tiếp tục hồi phục, thị trường vốn cho thấy sự bình tĩnh trở lại, thì áp lực tăng lãi suất đối với FED sẽ tăng lên tại mỗi cuộc họp trong thời gian tới.

5. Tổng thống Barack Obama vừa bày tỏ lạc quan rằng có thể đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay.

Vào thời điểm hiện tại, hầu hết điều khoản trong TPP đã được thống nhất. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn đang bị “nghẽn” lại do một số vấn đề còn tồn tại, bao gồm những bất đồng liên quan tới việc tiếp cận các thị trường nông sản, sản phẩm từ sữa, buôn bán ôtô và bảo hộ các hãng dược phẩm.

Theo các nguồn tin, 12 nước tham gia đàm phán TPP đang xem xét tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới tại Mỹ.

6. Tất cả các nước có bờ biển trên Thái Bình Dương đã phải chuẩn bị tinh thần hứng chịu những đợt sóng thần đổ bộ vào sau trận động đất mạnh 8,3 độ Richter ngoài khơi Chile sáng 17-9 (giờ Việt Nam) làm ít nhất 12 người chết và khiến hơn 1 triệu người phải sơ tán.


Cảnh tượng hoang tàn sau trận động đất 8,3 độ Richter ở Chile. Ảnh: Yahoo

Hai ngày sau, một cơn địa chấn 6,3 độ Richter lại xảy ra tại Chile, song giới chức địa phương chưa công bố thiệt hại về người và tài sản.

Chile là một trong những nước hứng chịu nhiều động đất trên thế giới. Kể từ năm 1973, quốc gia này đã hứng chịu hơn 10 trận động đất mạnh 7 độ Richter trở lên.

Nguồn: QĐNDVN (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40088014