Truy cập hiện tại

Đang có 215 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Tự chỉ trích

(TGAG)- Theo nghĩa Hán - Việt, tự chỉ trích là tự mình, chính mình (tự) chỉ ra, chỉ rõ (chỉ) những khuyết điểm, sai lầm để khiển trách, trách phạt (trích). Quan niệm khoa học phổ biến hiện nay xem tự chỉ trích là hành vi của một chủ thể lãnh đạo, quản lý chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của mình (tự phê phán, tự phản tỉnh) để khắc phục, sửa chữa. Đây là hành vi mang tính tự giác cao trước những khuyết điểm, hạn chế, sai lầm của chính mình diễn ra khi chủ thể lấy bản thân mình làm đối tượng duy nhất để phê phán và sự phê phán đó không chỉ diễn ra trước tập thể (cấp trên, cấp dưới) hay trước quần chúng mà còn trước chính bản thân.

Tự chỉ trích và tự phê bình có sự tương đồng lớn. Tự phê bình theo nghĩa rộng là sự tự phân tích, bình phẩm và phán xử cái hay, cái dở của mình để có thái độ ứng xử đúng đắn; theo nghĩa hẹp, tự phê bình là việc tự phê phán cái dở (khuyết điểm, sai lầm) của chính mình trước cấp trên, cấp dưới hay quần chúng. Có thể xem tự chỉ trích gần như tự phê bình theo nghĩa hẹp, nhưng tự chỉ trích đòi hỏi tính tự ý thức của chủ thể mạnh mẽ hơn.

Nếu như tự chỉ trích là hoạt động rất cần thiết cho sự hoàn thiện của mỗi người trong đời sống hàng ngày thì với người lãnh đạo, quản lý càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích" bởi hoạt động này giúp người lãnh đạo, quản lý hoàn thiện nhân cách, nâng cao uy tín trước quần chúng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trước tập thể, trước xã hội.

Tự chỉ trích là vấn đề thuộc về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử (nhân cách) của các chủ thể lãnh đạo, quản lý, cá nhân và tập thể trước những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm hoặc sự bất cập của mình trong lãnh đạo, quản lý. Tính tất yếu và tầm quan trọng của tự chỉ trích đối với người lãnh đạo, quản lý được thể hiện qua các cơ sở cốt yếu sau:

Trước hết, tự chỉ trích là yêu cầu tất yếu xuất phát từ mối tương quan giữa người lãnh đạo quản lý với thực tiễn. Hồ Chí Minh nói: "Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt trước". Sự vận động, biến đổi liên tục và bất ngờ của thực tiễn dẫn đến nảy sinh bất cập, hạn chế là điều không thể tránh khỏi. Tự chỉ trích giúp ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh hạn chế, bất cập; trong trường hợp đã nảy sinh các hạn chế, bất cập thì tự chỉ trích giúp kịp thời nhận thức mức độ và tạo tiền đề cho việc xây dựng giải pháp khắc phục, loại trừ.

Thứ hai, tính chủ quan và sức ỳ của con người thường diễn ra trong đời sống hàng ngày và trong cả hoạt động lãnh đạo, quản lý thể hiện qua việc tự cho mình đã nhận thức đúng đắn và đầy đủ thực tiễn khách quan hoặc rơi vào kinh nghiệm chủ nghĩa khi giải quyết các vấn đề mới; thể hiện qua sự tự bằng lòng với những gì đã có, không chịu học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nhận thức, phương pháp, kỹ năng, nắm bắt giải quyết thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ mới, yêu cầu mới đặt ra trong lãnh đạo, quản lý. Đây là nguyên nhân cơ bản của những sai lầm, khuyết điểm nên cần phải tự chỉ trích để ngăn chặn. Hồ Chí Minh nghiêm khắc chỉ ra: "Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác - hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót". Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự chỉ trích rất cần thiết để người lãnh đạo quản lý "sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót".

Thứ ba, tự chỉ trích của người lãnh đạo, quản lý không chỉ giúp bản thân tiến bộ mà còn có tác dụng nêu gương, giáo dục các thành viên trong tập thể lãnh đạo, quản lý, thành viên trong cơ quan, đơn vị học tập, noi theo, trở thành nếp làm việc tích cực, tạo cơ sở xây dựng khối đoàn kết, thống nhất. Tự chỉ trích thể hiện ý thức trách nhiệm, tính tự trọng cao của người lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao uy tín của cá nhân và tập thể, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ chính trị.

Tự chỉ trích có ý nghĩa như là một quy luật phát của chủ thể lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là của Đảng và các cơ quan lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Theo Lênin: "Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì sự tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta không bi tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục". Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xem rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Thấm nhuần và thực hiện đúng đắn, sáng tạo tinh thần và tư tưởng tự chỉ trích nêu trên giúp cho chúng ta tiến bộ không ngừng!
 
Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37051985