Truy cập hiện tại

Đang có 138 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Thành quả của tinh thần đoàn kết

Xã hội hiện nay, các nước trên thế giới dù đi theo thể chế chính trị nào cũng đều đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Mặt khác, mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế là tạo ra những điều kiện, cơ sở vật chất thúc đẩy kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia phát triển.
 

Ngày 15/4/2015, trên một số trang mạng nước ngoài xuất hiện bài viết với tiêu đề: “Việt Nam còn mấy phần trăm cộng sản?”. Bài viết thể hiện rõ cái nhìn phiến diện và đầy mâu thuẫn của tác giả về sự phát triển của Việt Nam sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mở đầu bài viết, tác giả dẫn chứng: “... Nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến một đất nước Cộng sản hoàn toàn khác xa với những gì họ tưởng tượng...”. Theo quan điểm của tác giả, chắc hẳn sự tưởng tượng của khách du lịch quốc tế về Việt Nam là sự đói nghèo, lạc hậu, vì “sự ngỡ ngàng” được lý giải bởi: “Trên những con phố tấp nập xe cộ là hình ảnh của đồ ăn nhanh, hàng hiệu và đồ điện tử Apple...”. Tác giả bài viết cho rằng đó là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản (?).

Không chỉ có vậy, bài viết còn đưa ra con số khảo sát của một trung tâm nghiên cứu về việc đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, với 95% người được hỏi trả lời đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo bài viết trên thì đây là con số cao hơn hẳn so với những cuộc khảo sát tương tự tại Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy vậy, tác giả lại lập luận một cách hết sức mập mờ và không đúng với những thực tế phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Không phải đương nhiên để “nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến một đất nước Cộng sản hoàn toàn khác xa với những gì họ tưởng tượng...”. Bởi, trong suốt 40 năm qua kể từ ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp; đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là điểm đến an toàn, là môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Điều này không phải chỉ người Việt Nam đánh giá, nhận xét, mà chính là quan điểm nhìn nhận của thế giới, thậm chí ngay cả chính khách, các doanh nghiệp lớn của các nước phát triển, các nước không cùng chế độ chính trị như Việt Nam.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam nhân chuyến công du tới Việt Nam mới đây (tháng 4/2015), Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, nêu rõ: “Tôi vẫn luôn cho rằng, mọi quốc gia trước hết phải tự mình có những chính sách cho những vấn đề lớn như môi trường hay giáo dục, sau đó, mỗi quốc gia thông qua mối liên kết chính trị, đối thoại để hợp tác và học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh cương vị là Thủ tướng Na Uy, tôi đồng thời cũng là đồng chủ tọa Nhóm thúc đẩy các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Trên cương vị này, tôi đánh giá Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Những con số đều rất ấn tượng, với 3/8 mục tiêu hoàn thành trước thời hạn. Những bước tiến của Việt Nam không chỉ được ghi nhận về mặt kinh tế mà còn trên phương diện xã hội: Xóa đói, giảm nghèo; phổ cập giáo dục hay phát triển vùng dân tộc thiểu số...”. Ấy vậy mà trong bài viết trên, tác giả vẫn cố tình lý giải, phủ nhận những thành tựu trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tạo việc làm; giảm tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam... Vậy, những đánh giá trên của Thủ tướng Na Uy với tư cách đồng chủ tọa Nhóm thúc đẩy các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, là không chính xác và thiếu căn cứ sao?

Còn rất nhiều dẫn chứng không chỉ từ những đánh giá, nhận xét của thế giới về sự thay đổi và phát triển của Việt Nam sau 40 năm thống nhất đất nước; mà điều này còn được nhìn nhận ở những con số về tốc độ phát triển kinh tế; thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam... Tất cả những dẫn chứng đó là hết sức khách quan, được thực tế xã hội kiểm chứng, được bạn bè thế giới ghi nhận. Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 cho thấy: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu; hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Bình quân ba năm, GDP tăng khoảng 5,6%/năm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi; khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, nhất là đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng. Ước tính trong ba năm tạo việc làm cho khoảng 4,6 triệu người, trong đó xuất khẩu lao động 253 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị luôn ở mức dưới 4%. Chính sách tiền lương từng bước được đổi mới theo nguyên tắc thị trường. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng dần, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Thu nhập dân cư được nâng lên. Điều kiện lao động và quan hệ lao động có bước được cải thiện; tranh chấp lao động và đình công giảm mạnh. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Hơn 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Số người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tăng từ 1,7 triệu người cuối năm 2010 lên hơn 2,5 triệu người năm 2013. Mở rộng diện và tăng mức hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp gạo cho học sinh dân tộc bán trú và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và ở vùng khó khăn. Thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất và khắc phục hậu quả thiên tai. Các chương trình nhà ở xã hội, cụm tuyến dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở tránh lũ ở khu vực miền Trung được tích cực thực hiện...

Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1/2015 đạt 6,03% là một thành tựu hết sức ấn tượng và được thế giới ghi nhận.

Thực tiễn là vậy nhưng thật đáng tiếc, cho dù những số liệu này đã được Chính phủ Việt Nam công bố công khai; đồng thời cũng được nhiều nhà nghiên cứu, các tổ chức kinh tế có uy tín trên thế giới thẩm định, nhưng một số cá nhân mang nặng tư tưởng hận thù, chống đối, với cách nhìn phiến diện vẫn không biết hoặc cố tình không biết. Vì vậy, trong bài viết nói trên, tác giả đã viện dẫn, liệt kê những vấn đề, những con số đã rất lạc hậu, rồi còn mang so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Với cách thể hiện như trên, tác giả bài viết hy vọng có thể dễ dàng đánh lừa được người đọc bởi từ những con số thống kê, so sánh đơn điệu và lạc hậu ấy.

Xã hội hiện nay, các nước trên thế giới dù đi theo thể chế chính trị nào cũng đều đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Mặt khác, mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế là tạo ra những điều kiện, cơ sở vật chất thúc đẩy kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia phát triển. Thời đại ngày nay là thời đại của sự hợp tác bình đẳng, tôn trọng công việc nội bộ của nhau, tạo điều kiện để cùng nhau phát triển. Các quốc gia trên thế giới đều bình đẳng như nhau, tôn trọng công việc nội bộ của nhau. Vì vậy, những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được trong suốt 40 năm qua phải khẳng định rằng: Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, sức mạnh và ý chí của cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đó là kết quả của sự phát huy nội lực kết hợp với những điều kiện trong quan hệ hợp tác quốc tế mang đến. Kết quả đạt được đó thực chất là thành quả của một trong những bài học quan trọng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đúc kết: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự kết hợp đó được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại...

Một vài dẫn chứng nêu trên đủ để chúng ta nhìn nhận rõ hơn tâm địa của một số người có những bài viết không đúng với thực tế phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đăng trên mạng xã hội ở nước ngoài nhằm hướng tới mục đích gì. Bài viết với những lập luận mù mờ, vừa khẳng định, vừa phủ định những thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua để hướng người đọc tới nhận thức sai lệch và không đúng với thực tiễn. Lịch sử dân tộc Việt Nam cùng những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là thành quả của gần 30 năm đổi mới đủ cơ sở và bằng chứng cả về phương diện lý luận và thực tiễn để bác bỏ những luận điệu sai trái nói trên./.
Vân Khánh (QĐND)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37038364