Truy cập hiện tại

Đang có 186 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

(TGAG)- Cụm từ “Nhân dân” luôn được viết hoa một cách trang trọng trong Hiến pháp 2013; Ngay trong phần mở đầu, điều đó được khẳng định: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Đây chính là sự tôn vinh đối với chủ thể tối cao của đất nước.

Tại các điều khoản đầu tiên thuộc Chương I “CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ” những điểm nói trên được làm rõ:

 “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”. 

“…Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Tiếp nối tinh thần đó toàn bộ Chương II của Hiến pháp dành để nói về “QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN”. Điều 14, xác định : “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật…”
   
Như vậy vai trò của Nhân dân nói chung, quyền con người nói riêng được Hiến pháp đề cao, coi trọng. Đúng với Cương lĩnh của Đảng: “xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người”.

Đây là những hiến định thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta là hướng đến con người, vì con người, do con người.

Quyền con người thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 là sự tiếp nối của các bản hiến pháp trước đó, nhưng có những phát triển cho phù hợp với yêu cầu mới. Nếu Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi nhận quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được thể hiện trong quyền công dân, thì Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ hơn quyền con người trong mối quan hệ với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đưa Chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 lên thành Chương II trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “Quyền con người” trước “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc thay đổi nói trên là sự khẳng định con người là chủ thể của quá trình phát triển-tiếp tục đổi mới tư duy về con người, quyền con người.

Điểm nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là, ngoài các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được hiến định trong Hiến pháp năm 1992, quyền con người lần đầu tiên được hiến định một cách toàn diện, cụ thể, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội mà trong đó con người đang sống và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Với 36/120 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49), Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” chiếm tỷ trọng khá lớn trong Hiến pháp. Ngoài ra, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân còn được thể hiện ở nhiều chương khác.

Sự điều chỉnh, bổ sung này hết sức quan trọng, chứng minh quá trình đổi mới đất nước ngày càng sâu sắc, toàn diện, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Nó là sự tiếp nối các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời đại mới; khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta; là cơ sở để thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Quan trọng hơn nửa, nó còn là sự thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Một điểm mới nữa trong Hiến pháp năm 2013 là quyền con người được Nhà nước mặc nhiên thừa nhận, không có những quy định mang tính ràng buộc nào. Quyền công dân về thực chất đó cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó phải  gắn với quốc tịch, tức là gắn với nghĩa vụ pháp lý của mỗi người trong quan hệ với nhà nước: Chỉ có những người có quốc tịch Việt Nam mới được hưởng.

Nghiêm túc đành giá: Trong thực tế, quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực vẫn còn bị vi phạm... Đây là một trong những lực cản về chính trị của tiến trình đổi mới.

Với Hiến pháp 2013, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta tin tưởng rằng: dân chủ sẽ tiếp tục được phát huy tốt hơn; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được hoàn thiện; quan liêu, tham nhũng chắc chắn bị đẩy lùi... Bởi vì, tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về Nhân dân./.
                           
(Sự thật)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37030177