Truy cập hiện tại

Đang có 86 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước

Trong dư luận hiện nay đang có băn khoăn, vì sao sắp hết nhiệm kỳ mà Quốc hội khóa XIII lại tiến hành bầu, miễn nhiệm, phê chuẩn nhiều chức danh trong bộ máy nhà nước?

Trên thực tế, việc kiện toàn một số chức danh lãnh đạo mà kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII đang tiến hành chỉ là sự bổ sung và thay thế, chứ không phải là xây dựng toàn bộ bộ máy mới như thông lệ đầu mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các thành viên mới của Chính phủ ra mắt Quốc hội

Kiện toàn bộ máy nhà nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tất cả các khóa Quốc hội. Chỉ có khác là, từ giữa khóa X trở về trước, nhất là trong 30 năm chiến tranh, nếu giữa hai kỳ họp của Quốc hội xuất hiện những yêu cầu phải kiện toàn bộ máy thì Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau đó. Tuy nhiên, từ khóa XI đến nay, Quốc hội phải trực tiếp thực hiện, vì thời gian giữa hai kỳ họp cách nhau không xa. Nhân sự do Đảng lãnh đạo, do đó Đảng thống nhất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đảng Đoàn Quốc hội sẽ giới thiệu Quốc hội thay mặt nhân dân bầu hoặc phê chuẩn các chức danh này.

Điểm lại một số khóa Quốc hội cho thấy, khối lượng công việc này không nhỏ và có những nhiệm kỳ Quốc hội thường xuyên phải kiện toàn bộ máy.

- Quốc hội khóa I (1946-1960) (1): Tại kỳ họp thứ nhất, khai mạc ngày 02-3-1946, Quốc hội đã bầu Trưởng ban Thường trực Quốc hội, 02 Phó Trưởng ban, 12 Ủy viên chính thức và 03 Ủy viên dự khuyết; Chủ tịch Chính phủ liên hiệp, Phó Chủ tịch, 01 Cố vấn và 10 Bộ trưởng. Nhưng đến kỳ họp thứ 2, khai mạc ngày 28-10-1946 và ngày 03-11, Quốc hội đã phải bầu lại cả Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban thường trực Quốc hội cùng nhiều ủy viên. Chính phủ mới được bầu và phê chuẩn lại không có Phó Chủ tịch, không có cố vấn, thay đổi một số Bộ trưởng và phê chuẩn thêm 04 Bộ trưởng khác. Sau này còn tiếp tục thay đổi nhiều chức danh, nhất là sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc...

- Quốc hội khóa III (1964-1971) (2): Tại kỳ họp thứ nhất, khai mạc ngày 27-6-1964, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn: Chủ tịch nước, 01 Phó Chủ tịch nước; 26 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm Chủ tịch, 06 Phó Chủ tịch, 16 Ủy viên chính thức (trong đó có 01 Tổng Thư ký) và 03 Ủy viên dự khuyết; 31 thành viên Chính phủ, gồm Thủ tướng, 05 Phó Thủ tướng và 25 Bộ trưởng, trưởng ngành... Nhưng từ năm 1965 đến năm 1970, Quốc hội đã phải kiện toàn lại như sau: bầu lại Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước; miễn nhiệm 03 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyển 02 Ủy viên dự khuyết lên chính thức; phê chuẩn và miễn nhiệm 41 lượt thành viên Chính phủ, trong đó có 04 Phó Thủ tướng.

- Quốc hội khóa IV (1971-1975) (3): Tại kỳ họp thứ nhất khai mạc ngày 10-6-1971, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn: Chủ tịch nước, 01 Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, 05 Phó Chủ tịch, 17 Ủy viên chính thức (trong đó có 01 Tổng Thư ký) và 03 Ủy viên dự khuyết; Thủ tướng Chính phủ, 07 Phó Thủ tướng và 34 Bộ trưởng, trưởng ngành... Tuy nhiên, trong các năm 1974, 1975 đã có 22 lượt thành viên Chính phủ được phê chuẩn, miễn nhiệm (trong đó có 02 Phó Thủ tướng).

- Quốc hội khóa VI (1976-1981) (4): Tại kỳ họp thứ nhất, khai mạc ngày 24-6-1976, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn các chức danh: Chủ tịch nước, 02 Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, 07 Phó Chủ tịch (có 01 Phó kiêm Tổng Thư ký), 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 02 Ủy viên dự khuyết; Thủ tướng Chính phủ, 07 Phó Thủ tướng, 36 Bộ trưởng và trưởng ngành... Tính đến năm 1980, có 14 lượt thành viên Chính phủ đã được phê chuẩn hoặc miễn nhiệm, trong đó có 03 Phó Thủ tướng.

- Quốc hội khóa VII (1981-1987) (5): Tại kỳ họp thứ nhất, khai mạc ngày 25-6-1981, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 03 Phó Chủ tịch và 08 Ủy viên Hội đồng (có 01 người kiêm Tổng Thư ký); Chủ tịch Quốc hội, 09 Phó Chủ tịch, 08 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Chủ nhiệm các Ủy ban và Chủ tịch Hội đồng dân tộc; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 08 Phó Chủ tịch, 01 Tổng Thư ký và 35 Bộ trưởng, trưởng ngành... Năm 1982, có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được phê chuẩn và 01 Phó Chủ tịch được miễn nhiệm. Hội đồng Bộ trưởng có 01 Phó Chủ tịch được phê chuẩn, 01 Phó Chủ tịch được miễn nhiệm và 08 Bộ trưởng, trưởng ngành được phê chuẩn, trong năm 1983 có 27 lượt bộ trưởng, trưởng ngành được phê chuẩn hoặc miễn nhiệm.

- Quốc hội khóa VIII (1987-1992) (6): Tại kỳ họp thứ nhất, khai mạc ngày 22-6-1987, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 06 Phó Chủ tịch, 01 Tổng Thư ký; Chủ tịch Quốc hội, 05 Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng dân tộc và 07 Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 09 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, và 32 Bộ trưởng, trưởng ngành. Chỉ riêng Hội đồng Bộ trưởng trong nhiệm kỳ đã có 34 lượt thành viên được phê chuẩn hoặc miễn nhiệm, kể cả việc bầu lại Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 22-6-1988.

- Trong các khóa gần đây: Khóa IX, Quốc hội đã miễn nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và bầu Viện trưởng mới, miễn nhiệm 02 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bầu bổ sung 02 ủy viên mới. Quốc hội Khóa X đã miễn nhiệm 01 Phó Thủ tướng, đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã bầu lại Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gia hạn thời gian làm việc của Tổng kiểm toán nhà nước sau Đại hội lần thứ IX của Đảng. Quốc hội Khóa XI cũng đã bầu lại Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ sau Đại hội X của Đảng.

Trong các Hiến pháp của nước ta qua các thời kỳ, và mới nhất là Hiến pháp năm 2013 đều quy định việc Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh cấp cao trong bộ máy nhà nước (xem Điều 70, khoản 7, Hiến pháp năm 2013) mà không ấn định thời gian nào. Đây là một quy định hợp lý, khách quan, vì trong cả nhiệm kỳ, khó có thể lượng ước chính xác được thời điểm nào sẽ xuất hiện yêu cầu phải kiện toàn bộ máy. Duy chỉ có Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định, vào đầu nhiệm kỳ, Quốc hội phải thiết lập bộ máy nhiệm kỳ mới của Nhà nước. Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội quy định, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội... Điều 9 quy định, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.

Như vậy, bộ máy nhà nước hoạt động liên tục như một dòng chảy nên cần phải được kiện toàn khi có yêu cầu để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả. Việc Quốc hội khóa XIII đang kiện toàn bộ máy sau Đại hội XII của Đảng là một công việc cần thiết và rất quan trọng để bảo đảm các hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV đi vào hoạt động./.

--------------------------------------------
(1) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, từ trang 68
(2), (3) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1960-1976, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, từ trang 77
(3) (4), (5), (6) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1976-1992, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, từ trang 113

TS. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng xuất bản Văn kiện Quốc hội toàn tập
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723744