Sinh hoạt tư tưởng
Tháng Giêng ăn tết ở nhà
- Được đăng: Thứ bảy, 05 Tháng 2 2022 08:47
- Lượt xem: 1445
Câu thơ “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà” muốn nói một điều: Tháng Giêng là tháng gắn liền tới Tết. Vậy đó là những cái tết gì mà quan trọng vậy?
Ảnh minh họa
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên.
Hai câu ca dao trên đã quá quen thuộc trong dân gian về “tháng Giêng và việc ăn Tết trong tháng Giêng”. Tháng Giêng là tháng mở màn trong 12 tháng của một năm, tính theo Âm lịch – một loại lịch cổ truyền Việt Nam ta vẫn áp dụng (Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Một, Chạp). Nói chung, với mọi người trên thế gian này, mọi sự khởi đầu của một năm mới đều đáng nhớ. Nhưng với người dân Việt Nam (và một số quốc gia phương Đông), sự bắt đầu của một năm mới là rất hệ trọng và thiêng liêng. Nó gắn liền tới đời sống vật chất, tinh thần (tâm linh) của mỗi người. Năm mới đến cũng đem lại cho chúng ta năng lượng mới, niềm tin mới, sức sống mới. Đó là một nét văn hóa đặc sắc.
Câu thơ “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà” muốn nói một điều: Tháng Giêng là tháng gắn liền tới Tết. Vậy đó là những cái tết gì mà quan trọng vậy?
Tết là âm đọc chệch của từ “tiết”. Nghĩa gốc của ‘tiết” là “đốt tre, mẩu tre”. Đốt là sự tiếp nối giữa hai gióng cây tre, cây trúc. Rồi sau này chuyển nghĩa, ‘tiết” chỉ hai khoảng thời gian tiếp xúc phân chia theo lịch thiên văn - khí tượng diễn ra trong một năm, mỗi “chiết đoạn” là 15 ngày. Theo truyền thống, một năm (Âm lịch, Dương lịch) có 365 ngày, được phân chia thành 24 tiết. Ta thường nghe nói các tiết: lập xuân, thanh minh, cốc vũ, vũ thủy, đoan ngọ,… Vì chuyển âm (tiết = tết), nên người Việt thường nói: Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu…
Theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2020), từ “tết” sau này mang nghĩa, chỉ “ngày lễ lớn trong năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc”. Có hai cái tết rất quan trọng trong tháng Giêng: Tết Nguyên Đán và Tết Nguyên Tiêu. Trong hai cái tết đó, Tết Nguyên Đán là cái tết lớn nhất.
“Nguyên Đán” (nguyên: bắt đầu, đán: buổi sáng) có nghĩa là “buổi sáng đầu năm”. Như đã nói, sáng đầu tiên của ngày đầu tiên trong năm (Âm lịch) thật thiêng liêng, đáng nhớ. Cũng bởi, theo quan niệm, mọi thứ khởi đầu năm phải yên ổn, đủ đầy, không thiếu thốn, không vướng mắc điều gì. Có thế thì những ngày còn lại trong năm mới thuận lợi. Con người ta sức khỏe dồi dào, làm ăn hanh thông tấn tới. Vì thế, mọi người đều hướng về khoảng khắc này một cách nghiêm cẩn và chân thành.
Thời gian được tính cho buổi sáng đầu tiên đó là lúc giao thừa (giao: chuyển giao, thừa: tiếp nối), là thời khắc chuyển giao của trời đất, thiên nhiên, tạo hóa. Nó diễn ra lúc 0h đêm ngày 30 tháng Chạp. Lúc đó, có một ông thần, gọi là “Ông Hành Khiển” đi khắp nhân gian để chứng kiến sự “bàn giao” đó ở mỗi gia đình. Trước giao thừa, người ta thường bày biện một mâm cúng (xôi, gà, bánh trái, rượu…), đặt ở ngoài trời và thắp hương bái vọng.
Tết Nguyên Đán cũng là dịp con cháu “dù đi đâu làm đâu” cũng cố gắng lặn lội về quê quây quần, đoàn tụ và thường sáng mồng Một, những người thân trong gia đình bắt đầu chúc mừng nhau, mừng nhau đón tuổi mới (bằng các bao lì xì, bánh trái…).
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Bây giờ, để an toàn, chúng ta không đốt pháo nữa. Nhưng những cái được coi là “đặc sản” của ngày Tết thì không thể thiếu: bánh các loại (bánh chưng, bánh khúc, bánh khảo, bánh nếp…), giò các loại (giò mỡ, giò lụa, giò thủ, giò lòng…), nem các loại, dưa hành nén kĩ cùng với việc trang hoàng nhà cửa (trồng cây nêu, dán đôi câu đối đỏ, thay đèn nến hương đăng).
Cái Tết thứ hai của tháng Giêng là Tết Nguyên Tiêu.
“Tiêu” nghĩa Hán Việt là “đêm”. Nguyên Tiêu là “đêm rằm đầu tiên”. Tết Nguyên Tiêu (còn gọi là “Tết Thượng Nguyên”) là cái tết đầu tiên hướng về lễ hội Trăng rằm. Công việc của nhà nông liên quan tới ruộng đồng nên người ta thường nhìn trăng nhìn sao trên trời để đoán thời tiết, coi đó là “điềm báo” lành dữ cho mùa màng:
Sáng trăng mười bốn được tằm
Sáng trăng hôm rằm thì được lúa chiêm.
Trăng rằm càng sáng, lúa chiêm càng có cơ hội được mùa, bội thu. Dân gian đón trăng và tổ chức lễ hội trăng Rằm suốt đêm Nguyên Tiêu. Trong lễ hội đó, có rước đuốc, bày biện hoa quả, bánh trái, hát hò và diễn trò thâu đêm suốt sáng. Đặc biệt, tuy lễ này không có cội nguồn Đạo Phật nhưng dân chúng nô nức lên chùa lễ Phật. Khoảng thời gian cao điểm, đông đúc là từ sáng mồng Một Tết đến hết rằm tháng Giêng, chùa chiền đều đông nghịt người đến cúng bái, xin lộc, xin phước. “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm Tháng Giêng”.
Thực chất, tháng Giêng không phải là “tháng ăn chơi” như một nhận định đã lưu truyền. Thực ra, yếu tố “ăn chơi” không phải không có (Làm như ngày mùa để đâu cho hết/ Ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn). Ăn Tết rõ ràng là tốn kém và dĩ nhiên, có vui chơi, giải trí. Nhưng tháng Giêng trong tiềm thức dân gian là những quan niệm liên quan tới triết lí dân gian về trời đất, về cuộc sống, đi theo là những quan niệm rất cao cả, thiêng liêng về lẽ sống và lối sống. Đó là một nét đẹp văn hóa ngàn đời mà chúng ta có bổn phận tôn trọng và gìn giữ.
Trời thêm ngày tháng người thêm thọ
Xuân đủ càn khôn phúc mọi nhà.
Theo: tuyengiao.vn
Ảnh minh họa
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên.
Hai câu ca dao trên đã quá quen thuộc trong dân gian về “tháng Giêng và việc ăn Tết trong tháng Giêng”. Tháng Giêng là tháng mở màn trong 12 tháng của một năm, tính theo Âm lịch – một loại lịch cổ truyền Việt Nam ta vẫn áp dụng (Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Một, Chạp). Nói chung, với mọi người trên thế gian này, mọi sự khởi đầu của một năm mới đều đáng nhớ. Nhưng với người dân Việt Nam (và một số quốc gia phương Đông), sự bắt đầu của một năm mới là rất hệ trọng và thiêng liêng. Nó gắn liền tới đời sống vật chất, tinh thần (tâm linh) của mỗi người. Năm mới đến cũng đem lại cho chúng ta năng lượng mới, niềm tin mới, sức sống mới. Đó là một nét văn hóa đặc sắc.
Câu thơ “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà” muốn nói một điều: Tháng Giêng là tháng gắn liền tới Tết. Vậy đó là những cái tết gì mà quan trọng vậy?
Tết là âm đọc chệch của từ “tiết”. Nghĩa gốc của ‘tiết” là “đốt tre, mẩu tre”. Đốt là sự tiếp nối giữa hai gióng cây tre, cây trúc. Rồi sau này chuyển nghĩa, ‘tiết” chỉ hai khoảng thời gian tiếp xúc phân chia theo lịch thiên văn - khí tượng diễn ra trong một năm, mỗi “chiết đoạn” là 15 ngày. Theo truyền thống, một năm (Âm lịch, Dương lịch) có 365 ngày, được phân chia thành 24 tiết. Ta thường nghe nói các tiết: lập xuân, thanh minh, cốc vũ, vũ thủy, đoan ngọ,… Vì chuyển âm (tiết = tết), nên người Việt thường nói: Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu…
Theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2020), từ “tết” sau này mang nghĩa, chỉ “ngày lễ lớn trong năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc”. Có hai cái tết rất quan trọng trong tháng Giêng: Tết Nguyên Đán và Tết Nguyên Tiêu. Trong hai cái tết đó, Tết Nguyên Đán là cái tết lớn nhất.
“Nguyên Đán” (nguyên: bắt đầu, đán: buổi sáng) có nghĩa là “buổi sáng đầu năm”. Như đã nói, sáng đầu tiên của ngày đầu tiên trong năm (Âm lịch) thật thiêng liêng, đáng nhớ. Cũng bởi, theo quan niệm, mọi thứ khởi đầu năm phải yên ổn, đủ đầy, không thiếu thốn, không vướng mắc điều gì. Có thế thì những ngày còn lại trong năm mới thuận lợi. Con người ta sức khỏe dồi dào, làm ăn hanh thông tấn tới. Vì thế, mọi người đều hướng về khoảng khắc này một cách nghiêm cẩn và chân thành.
Thời gian được tính cho buổi sáng đầu tiên đó là lúc giao thừa (giao: chuyển giao, thừa: tiếp nối), là thời khắc chuyển giao của trời đất, thiên nhiên, tạo hóa. Nó diễn ra lúc 0h đêm ngày 30 tháng Chạp. Lúc đó, có một ông thần, gọi là “Ông Hành Khiển” đi khắp nhân gian để chứng kiến sự “bàn giao” đó ở mỗi gia đình. Trước giao thừa, người ta thường bày biện một mâm cúng (xôi, gà, bánh trái, rượu…), đặt ở ngoài trời và thắp hương bái vọng.
Tết Nguyên Đán cũng là dịp con cháu “dù đi đâu làm đâu” cũng cố gắng lặn lội về quê quây quần, đoàn tụ và thường sáng mồng Một, những người thân trong gia đình bắt đầu chúc mừng nhau, mừng nhau đón tuổi mới (bằng các bao lì xì, bánh trái…).
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Bây giờ, để an toàn, chúng ta không đốt pháo nữa. Nhưng những cái được coi là “đặc sản” của ngày Tết thì không thể thiếu: bánh các loại (bánh chưng, bánh khúc, bánh khảo, bánh nếp…), giò các loại (giò mỡ, giò lụa, giò thủ, giò lòng…), nem các loại, dưa hành nén kĩ cùng với việc trang hoàng nhà cửa (trồng cây nêu, dán đôi câu đối đỏ, thay đèn nến hương đăng).
Cái Tết thứ hai của tháng Giêng là Tết Nguyên Tiêu.
“Tiêu” nghĩa Hán Việt là “đêm”. Nguyên Tiêu là “đêm rằm đầu tiên”. Tết Nguyên Tiêu (còn gọi là “Tết Thượng Nguyên”) là cái tết đầu tiên hướng về lễ hội Trăng rằm. Công việc của nhà nông liên quan tới ruộng đồng nên người ta thường nhìn trăng nhìn sao trên trời để đoán thời tiết, coi đó là “điềm báo” lành dữ cho mùa màng:
Sáng trăng mười bốn được tằm
Sáng trăng hôm rằm thì được lúa chiêm.
Trăng rằm càng sáng, lúa chiêm càng có cơ hội được mùa, bội thu. Dân gian đón trăng và tổ chức lễ hội trăng Rằm suốt đêm Nguyên Tiêu. Trong lễ hội đó, có rước đuốc, bày biện hoa quả, bánh trái, hát hò và diễn trò thâu đêm suốt sáng. Đặc biệt, tuy lễ này không có cội nguồn Đạo Phật nhưng dân chúng nô nức lên chùa lễ Phật. Khoảng thời gian cao điểm, đông đúc là từ sáng mồng Một Tết đến hết rằm tháng Giêng, chùa chiền đều đông nghịt người đến cúng bái, xin lộc, xin phước. “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm Tháng Giêng”.
Thực chất, tháng Giêng không phải là “tháng ăn chơi” như một nhận định đã lưu truyền. Thực ra, yếu tố “ăn chơi” không phải không có (Làm như ngày mùa để đâu cho hết/ Ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn). Ăn Tết rõ ràng là tốn kém và dĩ nhiên, có vui chơi, giải trí. Nhưng tháng Giêng trong tiềm thức dân gian là những quan niệm liên quan tới triết lí dân gian về trời đất, về cuộc sống, đi theo là những quan niệm rất cao cả, thiêng liêng về lẽ sống và lối sống. Đó là một nét đẹp văn hóa ngàn đời mà chúng ta có bổn phận tôn trọng và gìn giữ.
Trời thêm ngày tháng người thêm thọ
Xuân đủ càn khôn phúc mọi nhà.
Theo: tuyengiao.vn