Truy cập hiện tại

Đang có 422 khách và không thành viên đang online

Anh hùng Nguyễn Văn Tâm

(TGAG)- Thới Sơn vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi sản sinh ra những người con anh hùng của quê hương Tịnh Biên, trong đó có anh hùng Nguyễn Văn Tâm (Tâm Quí), sinh năm 1930, dân tộc Kinh. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thới Sơn anh hùng, ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Tâm được cha mẹ nung nấu, nuôi dưỡng tình cảm cách mạng từ gia đình trực tiếp nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ về bám đất đánh địch, vừa ủng hộ nuôi quân, vừa tham gia bảo vệ vùng giải phóng. Trưởng thành trong hoàn cảnh quê hương đầy khói lửa đạn bom, chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát, tù đày, bắt bớ… Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Tâm thoát ly gia đình, quyết tâm tham gia cách mạng bảo vệ quê hương.  

Năm 1948, khi bộ đội Trần Thắng về, anh tình nguyện đứng vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn, nhiệm vụ đầu tiên được phân công làm chiến sĩ liên lạc của Ban Chỉ huy bộ đội Trần Thắng. Anh đã dũng cảm, mưu trí vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hiểm nguy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời phục vụ cho Ban Chỉ huy lãnh đạo bộ đội đánh thắng trên 100 trận, giành nhiều thắng lợi. Khi xông trận, đồng chí dũng cảm trong chiến đấu với tinh thần trách nhiệm cao được đồng đội yêu thương, cấp trên tín nhiệm. Với những thành tích nổi bật, cuối năm 1952, Nguyễn Văn Tâm được vinh dự đứng trước hàng quân nhận danh hiệu “Chiến sĩ giết giặc anh hùng”.

 
Sau ngày đình chiến, đồng chí thuộc diện đi tập kết. Huyện ủy Tịnh Biên nhận thấy Nguyễn văn Tâm là tay súng thiện xạ, tư chất thông minh, mưu trí, dũng cảm nên để đồng chí ở lại Thới Sơn tiếp tục hoạt động. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, tháng 3/1957, đồng chí Tâm được lệnh vào dân vệ xã Thới sơn để bí mật hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngô Quang Còn (Út Nghĩa), Chi uỷ viên chi bộ xã Thới Sơn. Với nhiệm vụ mới, đồng chí nỗ lực nắm bắt các kỹ thuật quân sự của địch nhằm phục vụ việc xây dựng lực lượng vũ trang ta sau này; tranh thủ có điều kiện cung cấp tin tức, lộ trình càn quét của địch cho cách mạng tổ chức đối phó với các âm mưu, thủ đoạn của địch, giúp cơ sở tránh địch khủng bố, đánh phá. Có lần, lính dân vệ xã đột kích vào Núi Nổi (ấp Sơn Tây), nơi bí mật hội họp giữa các đồng chí Bảy Sa và Tư Tài với cơ sở, đồng chí Tâm có mặt trong lực lượng hành quân. Vì không kịp báo trước kế hoạch đánh điểm đột xuất của địch, Nguyễn Văn Tâm ứng phó nhanh trí bắn về phía địch diệt 2 tên dân vệ tạo điều kiện cho 2 đồng chí lãnh đạo rút về căn cứ an toàn.

Đầu năm 1960, Thới Sơn tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi nhưng rất thiếu vũ khí, đạn dược. Đồng chí Tâm đã nhiều lần qua mặt địch, đưa về xã các loại vũ khí thông dụng.

Tháng 9/1960, để chuẩn bị bước vào đợt Đồng Khởi, đồng chí Võ Hoàng Sa (Huyện uỷ viên phụ trách Quân sự) và đồng chí Út Nghĩa chỉ đạo đồng chí Tâm rút khỏi hàng ngũ địch về nhận nhiệm vụ Xã đội phó rồi Xã đội trưởng (2/1961), trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích Thới Sơn hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Các trận đánh điển hình từ 1961-1963 do đồng chí chỉ huy:

Tháng 8/1961, Du kích xã Thới Sơn kết hợp với bộ đội huyện chống càn suốt một ngày đêm với lính bảo an và dân vệ. Nguyễn Văn Tâm phát huy khả năng bắn tỉa “bách phát bách trúng”, bắn hạ tên ác ôn là Trung đội trưởng dân vệ và xung phong lấy 1 khẩu carbine. Nhân dân rất phấn khởi khi hay tin tên ác ôn khét tiếng đền tội và ngày càng tin tưởng vào du kích Thới Sơn.

Năm 1962 - 1963, du kích xã Thới Sơn kết hợp với bộ đội tỉnh đánh nhiều trận như: phục kích trung đội lính bảo an của Trung tâm huấn luyện Vĩnh Trung tại dốc Bà Đắc, 1 đại đội bảo an quận Tịnh Biên ở đường cây Tam Lang (ấp Sơn Tây), phục kích trung đội lính cơ động của Trung tâm huấn luyện Vĩnh Trung đi càn quét gây nhiều thiệt hại cho địch; hỗ trợ bộ đội huyện chống càn 1 tiểu đoàn của sư đoàn 9 ngụy hành quân càn quét vùng căn cứ Sơn Tây (khu vực giữa núi Kéc và núi Dài nhỏ) suốt 2 ngày đêm đã đánh lui tiểu đoàn địch, diệt hơn 40 tên.  

Khi địch tiến hành gom dân ra ấp chiến lược ven trục lộ giao thông, du kích Thới Sơn dưới sự chỉ huy của đồng chí thường xuyên bám sát, giữ vững liên lạc giữa bên trong và ngoài. Tổ chức đánh địch ngay sát các hàng rào ấp chiến lược, hoặc vào bên trong diệt ác trừ gian. Dù bị chia cắt nhưng Đội du kích vẫn được nhân dân thường xuyên cung cấp tiền bạc, lương thực, thuốc men… Qua năm 1963, phong trào phá ấp chiến lược lên mạnh, đội du kích Thới sơn tích cực hỗ trợ cho đồng bào về nhà cũ không chỉ ở Thới Sơn mà cả địa bàn Nhơn Hưng, Xuân Tô, An Phú… 

Đội du kích Thới Sơn dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Tâm, buổi đầu chỉ vỏn vẹn 13 người trước ngày Đồng khởi đến đầu năm 1961 đã phát triển lên gần 1 trung đội. Đội du kích không chỉ tổ chức chống càn bảo vệ căn cứ mà còn chủ động tìm địch mà đánh. Có khi trong một ngày đơn vị đánh địch 2,3 trận liền. Có khi buổi sáng du kích tổ chức chống càn ở kinh Trà Sư, đến trưa lại có mặt ở triền núi Kéc bắn phá, khống chế giao thông ở lộ Nhà Bàng – Vĩnh Trung. Đến tối lại hỗ trợ cho Nhơn Hưng, Xuân Tô, An Phú phá ấp chiến lược…Với tài bắn tỉa chính xác, hiệu quả và sự chỉ huy du kích cơ động, linh hoạt của Xã đội trưởng Nguyễn Văn Tâm làm cho binh lính địch hoang mang. Chúng treo giải thưởng 10 ngàn đồng và 1 tháng nghỉ phép cho tên lính nào bắt hoặc giết được đồng chí!.

Ngày 21/10/1963 (nhằm ngày 5/9/1963 âl), là trận đánh cuối cùng của đồng chí Tâm với địch. Khi lính bảo an, dân vệ  tổ chức càn quét vào căn cứ ấp Sơn Tây, đồng chí trực tiếp chỉ huy một tổ du kích chiến đấu liên tục từ sáng đến trưa ngăn chặn quân địch, buộc chúng phải rút lui. Đến 2 giờ chiều, đồng chí tiếp tục dẫn tổ du kích trở ra địa điểm trận đánh trên (ranh ấp Thời Hoà và Sơn Đông) để chủ động đánh địch nếu chúng quay trở lại. Không ngờ các đồng chí lọt vào ổ phục kích. Đồng chí Tâm bị đạn trung liên bắn thủng bụng sau khi viên đạn phá nát chiếc Radio mà đồng chí luôn đeo bên mình. Trước khi ngã xuống, đồng chí cố gắng ném khẩu garant lại cho đồng đội không để cho địch lấy. Trong vòng vây của địch nên đồng đội không thể mang xác đồng chí về. Vô cùng hả hê vì bắn hạ được Xã đội trưởng từng làm chúng điêu đứng, chúng cột 2 chân đồng chí, cho xe lam kéo lê thân xác hàng cây số từ trong vườn ra chợ Nhà Bàng thị uy dưới ánh nắng mặt trời gay gắt của xứ núi cho đến tối. Thâm độc hơn, địch đem xác đồng chí đi chôn còn bí mật gài 02 quả lựu đạn M26 dưới lưng với ý đồ gây thêm tội ác. Không nỗi đớn đau nào hơn khi tận mắt chứng kiến đồng đội, người thân hy sinh mà thể xác không còn nguyên vẹn!.

Xã đội trưởng Nguyễn Văn Tâm hy sinh là một mất mát to lớn cho lực lượng vũ trang của huyện Tịnh Biên. Đồng chí đã góp phần xây dựng và lãnh đạo Đội du kích Thới Sơn trở thành lực lượng dân quân du kích khá nhất trong toàn tỉnh về thành tích diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí. Quan trọng hơn cả Đội du kích dưới sự chỉ huy của đồng chí Tâm đã giữ vai trò nòng cốt trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng của xã trước các cuộc càn quét lấn chiếm của địch trong suốt những năm 1961-1963. Có thể nói những thành tích ấy đã góp phần quan trọng đưa xã Thới Sơn trở thành đơn vị điển hình phong trào du kích chiến tranh của tỉnh An Giang, được biểu dương và khen thưởng trong Hội nghị du kích chiến tranh lần thứ nhất năm 1965 của Quân khu 8. Và những chiến công của Xã đội Thới Sơn và của đồng chí Tâm góp phần để xã Thới Sơn được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.   

Đồng chí Nguyễn Văn Tâm hy sinh để lại người mẹ già, người vợ thuỷ chung tảo tần sớm hôm và 3 đứa con (nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất 9 tuổi). Noi gương người cha anh hùng, 2 người con trai đều tham gia lực lượng vũ trang khi mới 17 tuổi. Người con út của đồng chí nguyên là Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác tại Huyện đội Tịnh Biên.

Tấm gương sáng Nguyễn Văn Tâm soi đường lớp lớp thanh niên tình nguyện tham gia vào du kích Thới Sơn đi tiếp con đường dở dang của Xã đội trưởng đến ngày toàn thắng. Với những công lao to lớn, đồng chí được tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và nhiều bằng khen, vì có nhiều hành động dũng cảm quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 01/9/2000, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”./

Phòng Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39969179