Người phụ nữ can trường, chung thủy, đảm đang
- Được đăng: Thứ hai, 28 Tháng 9 2015 14:25
- Lượt xem: 3322
(TGAG)- Mặc dù đã ở cái tuổi 73, nhưng mỗi khi nhắc về thời kháng chiến, bà Nguyễn Thị Nhị lại trở nên hoạt bát, vui vẻ kể về một thời tuổi trẻ của bà: sôi nổi hoạt động, hăng hái đấu tranh.
Một thời tuổi trẻ hăng hái đấu tranh
Bà Nguyễn Thị Nhị sinh năm 1932 ở xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1941, gia đình bà chuyển vào xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, là xã căn cứ cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.
Năm 1948, bà lập gia đình với ông Hà Văn Thiểm, là bộ đội địa phương, đi tập kết ra Bắc năm 1954, rồi sau đó trở về Nam tiếp tục chiến đấu.
Không thể ngồi yên trước cảnh quê hương bị giặc giày xéo, mất mát đau thương, năm 1956, bà tham gia cách mạng, làm liên lạc, vận động tuyên truyền ở xã Nam Thái Sơn và đấu tranh trực diện với địch.
Từ năm 1956 đến năm 1958, gia đình bà đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ, bộ đội trong nhà, đồng thời tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng; vận động bà con xây dựng “Hũ gạo nuôi quân”; thực hiện chủ trương “Mỗi gia đình chịu trách nhiệm nuôi dưỡng riêng một cán bộ bí mật; mỗi tháng góp một táo gạo, mỗi năm cung cấp hai bộ quần áo cho cách mạng”.
Vừa làm công tác vận động quần chúng, bà vừa tiếp cận với nhiều đối tượng để tìm hiểu những gia đình tốt, xấu, đồng thời tuyên truyền để mọi người nhận ra đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa và ra sức ủng hộ cách mạng.
Để bảo đảm hầm bí mật không bị phát hiện, gia đình bà ngụy trang bằng cách quây bồ lúa lên trên vị trí của hầm. Để báo hiệu cho cán bộ cách mạng từ trong cứ ra, khi không có địch, trời chưa tối thì bà dùng nón treo lên cao, đêm tối thì dùng đèn treo lên để cán bộ về hoạt động. Chính vì vậy, tuy nhà bà ở cách đồn địch chỉ khoảng 1 cây số nhưng cơ sở của bà không bị lộ.
Năm 1958, địch quy khu dồn dân để lập ấp chiến lược. Chúng buộc mọi gia đình phải dỡ nhà vô sống trong ấp chiến lược để quản lý và cách ly với cán bộ cách mạng. Gia đình bà buộc phải lấp hầm để giữ bí mật. Tuy nhiên, bà lại lao vào các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Bà cùng với hàng ngàn phụ nữ, người già ở nhiều nơi được huy động kéo ra tới tỉnh Rạch Giá biểu tình đòi cho nhân dân trở về ruộng vườn cũ làm ăn, buộc tên tỉnh trưởng phải hứa giải quyết yêu cầu của bà con. Nhân đó, bà cùng với các chị em phụ nữ còn tranh thủ vận động binh lính ngụy trong các đồn không bắn vào nhân dân, trở về quê lo làm ăn.
Khi địch xây dựng ấp chiến lược bằng những hàng rào dây thép gai, trong năm 1961, bà đã 2 lần cùng bà con được huy động đi phá hàng rào, góp phần làm cho kế hoạch xây dựng ấp chiến lược của địch bị phá sản. Khi trở về nơi cũ, nhà bà vẫn là điểm cho cán bộ đi về hoạt động.
Nén đau thương, tất cả vì con
Năm 1966, bà chuyển về xã Vọng Thê sinh sống và tiếp tục hoạt động. Cán bộ vẫn đi về an toàn, mặc dù nhà bà ở rất gần Chi Cảnh sát ngụy. Tuy nhiên, do biết gia đình bà có người thân làm cách mạng nên mỗi khi đến ngày lễ hoặc có động, địch lại bắt một số người (trong đó có cha chồng và anh chồng của bà) ban đêm vào ngủ quanh đồn địch để khống chế cách mạng tấn công.
Năm 1973, chồng bà - ông Hà Văn Thiểm là Trung đoàn phó Trung đoàn Đồng Tháp – Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ông hy sinh khi bà 41 tuổi và ông bà đã có 2 người con là Hà Thị Nở (18 tuổi), Hà Minh Trường (9 tuổi). Do chiến tranh nên thời gian ông bà sống gần nhau chẳng được bao nhiêu mà chỉ thầm hứa với nhau là sẽ biến nhớ thương thành hành động. Bây giờ, các con bà phải mồ côi cha. Bà vô cùng đau đớn, nhưng phải nuốt nước mắt vào trong tim để còn lo cho con và theo đuổi sự nghiệp cách mạng.
Hai năm trước đó, con trai bà mắc phải một căn bệnh quái ác là sốt bại liệt. Bà lặn lội bồng con đi khắp nơi tìm thầy thuốc, đưa đi tỉnh Rạch Giá, rồi xuống cả vùng giải phóng U Minh để chạy chữa cho con, vừa lo cho con ăn học để về sau giúp ích cho đời.
Rồi giải phóng miền Nam, cùng với làng xóm, quê hương, người thân, bà mừng vui khôn xiết. Con gái bà đã yên phận chồng con, còn con trai bà tuy bệnh tật nhưng đã vượt lên số phận, cố gắng học hành thành đạt, ra làm việc và hiện là cán bộ tổ chức của xã Vọng Thê.
Những năm sau giải phóng, bà tích cực tham gia phong trào phụ nữ ở xã Vọng Thê, từng là Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ xã, nhưng sau đó do tự nhận thấy mình thiếu trình độ nên bà xin rút lui để nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Hiện nay tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng bà vẫn là một trong những hội viên tích cực của Hội Người cao tuổi, Hội Mẹ của thị trấn Óc Eo. Bà luôn là tấm gương sáng với những phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam: Can trường, chung thủy, đảm đang.
Năm 1985, bà Nguyễn Thị Nhị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì để ghi nhận công lao và những thành tích của bà.
Nguyễn Quốc Khánh
Bà Nguyễn Thị Nhị sinh năm 1932 ở xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1941, gia đình bà chuyển vào xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, là xã căn cứ cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.
Năm 1948, bà lập gia đình với ông Hà Văn Thiểm, là bộ đội địa phương, đi tập kết ra Bắc năm 1954, rồi sau đó trở về Nam tiếp tục chiến đấu.
Không thể ngồi yên trước cảnh quê hương bị giặc giày xéo, mất mát đau thương, năm 1956, bà tham gia cách mạng, làm liên lạc, vận động tuyên truyền ở xã Nam Thái Sơn và đấu tranh trực diện với địch.
Từ năm 1956 đến năm 1958, gia đình bà đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ, bộ đội trong nhà, đồng thời tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng; vận động bà con xây dựng “Hũ gạo nuôi quân”; thực hiện chủ trương “Mỗi gia đình chịu trách nhiệm nuôi dưỡng riêng một cán bộ bí mật; mỗi tháng góp một táo gạo, mỗi năm cung cấp hai bộ quần áo cho cách mạng”.
Vừa làm công tác vận động quần chúng, bà vừa tiếp cận với nhiều đối tượng để tìm hiểu những gia đình tốt, xấu, đồng thời tuyên truyền để mọi người nhận ra đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa và ra sức ủng hộ cách mạng.
Để bảo đảm hầm bí mật không bị phát hiện, gia đình bà ngụy trang bằng cách quây bồ lúa lên trên vị trí của hầm. Để báo hiệu cho cán bộ cách mạng từ trong cứ ra, khi không có địch, trời chưa tối thì bà dùng nón treo lên cao, đêm tối thì dùng đèn treo lên để cán bộ về hoạt động. Chính vì vậy, tuy nhà bà ở cách đồn địch chỉ khoảng 1 cây số nhưng cơ sở của bà không bị lộ.
Năm 1958, địch quy khu dồn dân để lập ấp chiến lược. Chúng buộc mọi gia đình phải dỡ nhà vô sống trong ấp chiến lược để quản lý và cách ly với cán bộ cách mạng. Gia đình bà buộc phải lấp hầm để giữ bí mật. Tuy nhiên, bà lại lao vào các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Bà cùng với hàng ngàn phụ nữ, người già ở nhiều nơi được huy động kéo ra tới tỉnh Rạch Giá biểu tình đòi cho nhân dân trở về ruộng vườn cũ làm ăn, buộc tên tỉnh trưởng phải hứa giải quyết yêu cầu của bà con. Nhân đó, bà cùng với các chị em phụ nữ còn tranh thủ vận động binh lính ngụy trong các đồn không bắn vào nhân dân, trở về quê lo làm ăn.
Khi địch xây dựng ấp chiến lược bằng những hàng rào dây thép gai, trong năm 1961, bà đã 2 lần cùng bà con được huy động đi phá hàng rào, góp phần làm cho kế hoạch xây dựng ấp chiến lược của địch bị phá sản. Khi trở về nơi cũ, nhà bà vẫn là điểm cho cán bộ đi về hoạt động.
Nén đau thương, tất cả vì con
Năm 1966, bà chuyển về xã Vọng Thê sinh sống và tiếp tục hoạt động. Cán bộ vẫn đi về an toàn, mặc dù nhà bà ở rất gần Chi Cảnh sát ngụy. Tuy nhiên, do biết gia đình bà có người thân làm cách mạng nên mỗi khi đến ngày lễ hoặc có động, địch lại bắt một số người (trong đó có cha chồng và anh chồng của bà) ban đêm vào ngủ quanh đồn địch để khống chế cách mạng tấn công.
Năm 1973, chồng bà - ông Hà Văn Thiểm là Trung đoàn phó Trung đoàn Đồng Tháp – Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ông hy sinh khi bà 41 tuổi và ông bà đã có 2 người con là Hà Thị Nở (18 tuổi), Hà Minh Trường (9 tuổi). Do chiến tranh nên thời gian ông bà sống gần nhau chẳng được bao nhiêu mà chỉ thầm hứa với nhau là sẽ biến nhớ thương thành hành động. Bây giờ, các con bà phải mồ côi cha. Bà vô cùng đau đớn, nhưng phải nuốt nước mắt vào trong tim để còn lo cho con và theo đuổi sự nghiệp cách mạng.
Hai năm trước đó, con trai bà mắc phải một căn bệnh quái ác là sốt bại liệt. Bà lặn lội bồng con đi khắp nơi tìm thầy thuốc, đưa đi tỉnh Rạch Giá, rồi xuống cả vùng giải phóng U Minh để chạy chữa cho con, vừa lo cho con ăn học để về sau giúp ích cho đời.
Rồi giải phóng miền Nam, cùng với làng xóm, quê hương, người thân, bà mừng vui khôn xiết. Con gái bà đã yên phận chồng con, còn con trai bà tuy bệnh tật nhưng đã vượt lên số phận, cố gắng học hành thành đạt, ra làm việc và hiện là cán bộ tổ chức của xã Vọng Thê.
Những năm sau giải phóng, bà tích cực tham gia phong trào phụ nữ ở xã Vọng Thê, từng là Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ xã, nhưng sau đó do tự nhận thấy mình thiếu trình độ nên bà xin rút lui để nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Hiện nay tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng bà vẫn là một trong những hội viên tích cực của Hội Người cao tuổi, Hội Mẹ của thị trấn Óc Eo. Bà luôn là tấm gương sáng với những phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam: Can trường, chung thủy, đảm đang.
Năm 1985, bà Nguyễn Thị Nhị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì để ghi nhận công lao và những thành tích của bà.
Nguyễn Quốc Khánh