Truy cập hiện tại

Đang có 86 khách và không thành viên đang online

Chuyện kể về “Hiền tài nước Việt” Phạm Thị Bạch Liên

(TUAG)- Trong căn nhà tươm tất mới được Tỉnh ủy An Giang xây tặng trong khuôn viên chùa Thất Bảo (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành), chúng tôi được nghe, được gặp nhân vật nguyên mẫu trong bộ phim rất nổi tiếng ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đó là bà Phạm Thị Bạch Liên, nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định được hóa thành nhân vật ni cô Huyền Trang trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” do nữ diễn viên Thanh Loan thủ vai.


Bà Bạch Liên đang kể chuyện chiến đấu xưa (ảnh tư liệu).

Bà sinh năm 1931 tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Năm 7 tuổi bà qui y tại chùa Phước Huệ. Năm 1950 bà tu học tại Huế. Lúc nầy tình hình Sài Gòn rất bi đát do chế độ Mỹ - Diệm đang áp dụng luật 10/59 để tận diệt cộng sản và phát động rộng khắp những chiến dịch tố cộng, diệt cộng đẫm máu. Gác lại đường tu, bà tham gia Đội biệt động Sài Gòn trừ gian, diệt ác.

Để qua mắt bọn địch, bà Bạch Liên đã xin tiền cha mẹ dưới quê để xây dựng ngôi chùa mái lá mang tên Bổn Nguyên trên khu ổ chuột (tọa lạc tại góc đường Trần Quốc Toản và Lò Siêu thuộc Quận 11, Tp.HCM). Tại đây bà đã làm nghề se nhang để bán tạo nguồn tiền cho đội biệt động thành hoạt động. Ngôi chùa trên còn là nơi sinh hoạt thường xuyên của những chiến sỹ tình báo Sài Gòn lúc bấy giờ với sự chỉ huy của ông Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), tư lệnh biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Được sự phân công của tổ chức, bà Bạch Liên dưới vỏ bọc là ni sư Huyền Trang đã thâm nhập, vẽ sơ đồ nhiều địa điểm quan trọng do địch chiếm đóng để đội biệt động làm cơ sở tấn công, trong đó có nhiều trận đánh do bà chỉ huy trực tiếp. Sau nhiều lần sưu tra tung tích, bọn Mỹ - Ngụy đã nhiều lần bao vây chùa Bổn Nguyên để bắt bà nhưng không thành công. Quá tức giận chúng bèn đốt cháy chùa để bà không có dịp quay về đây hoạt động.



Có một kỷ niệm tới giờ luôn đọng lại trong lòng người nữ chiến sĩ biệt động kiên cường là việc bà được nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tặng riêng một chiếc xe “hon đa đam” làm phương tiện hoạt động trong lòng địch. Chính chiếc xe nầy đã giúp bà “điều nghiên” rất thành công các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh... để đồng đội nhiều lần tấn công gây thanh thế cho cách mạng lúc bấy giờ.

Sau một thời gian mật phục, bọn chúng đã bắt được ni sư Huyền Trang và giam cầm, tra tấn dã man nhưng đều thất bại vì không “moi” được gì ở người nữ tình báo đầy bản lĩnh Phạm Thị Bạch Liên, tức ni cô Huyền Trang.

Bà Liên kể: “Trong tù chúng tra tấn rất dã man với nhiều hình thức man rợ. Bản thân tui bị dí điện, đốt tay chân, đánh vở quai hàm, gãy toàn bộ hai hàm răng nhưng nghĩ đến Đảng, đến nhân dân, đến đồng đội đã hy sinh thì tui vượt qua tất cả”.

Ra tù về với đồng đội, bà tiếp tục công tác tại đội biệt động Sài Gòn và lập được nhiều chiến công xuất sắc với những trận đánh xuất quỷ nhập thần đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại để sau nầy bộ phim rất nổi tiếng đã tái hiện hầu như nguyên vẹn cuộc đời gian lao mà anh dũng của người chiến sỹ biệt động năm xưa với cái tên “Biệt động Sài Gòn”.

Kể về vai diễn “để đời” nầy, nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan kể rất xúc động với giới báo chí: “Hồi mới giải phóng tôi được đạo diễn mời đóng vai ni sư Huyền Trang, một nhân vật có thật ngoài đời. Lo lắng có, lúng túng có, nhưng vì quá ấn tượng với một tấm gương anh hùng nên tôi nhận lời và rất thành công với vai diễn của mình. Điều đáng tiếc trong đời là tôi vẫn chưa có dịp gặp gỡ bà Bạch Liên ngoài đời thật cho đến tận bây giờ”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Bạch Liên tiếp tục công tác tại Bộ Tư lệnh thành phố rồi nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm thượng sĩ. Nói về cấp bậc nầy, bà Liên nói vui: 46 tuổi, công tác liên tục hơn 21 năm lại làm chuyện “động trời” chết như chơi mà “về hưu” với quân hàm thượng sỹ, Việt Nam mình chắc chỉ có mình tui là trường hợp “có một không hai”. Bà cười rất dí dỏm.

Sau khi về hưu, bà rời Sài Gòn để về An Giang tu hành tại chùa Thất Bửu. Ngôi chùa nầy vốn là đất đai của gia đình bà. Lúc rảnh rỗi bà lại đón xe về quê cũ xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) để thăm lại họ hàng, thăm lại ngôi chùa Phước Huệ, nơi bà đã qui y lúc còn thơ ấu.

Tháng 7/1969, bà được Ủy Ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3; tháng 3/1985 được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 18/9/2011 bà được Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng tặng Kỷ niệm chương do có nhiều cống hiến xây dựng ngành tình báo quốc phòng Việt Nam. Năm 2021 bà vinh dự nhận danh hiệu “Hiền tài nước Việt” ở tuổi 90 do Viện nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực Việt Nam trao tặng.


Bà Bạch Liên nhận danh hiệu “Hiền tài nước Việt” năm 2021 (ảnh tư liệu).

Bà Liên nói thêm: “Tui già rồi không biết “ra đi” lúc nào, bởi vậy lúc nào rảnh tui lại đi vận động quà cáp cho người nghèo, cho trẻ em bị da cam. Cạnh đó còn thăm viếng anh em trong đội biệt động còn sống, gia đình anh em đã hy sinh. Làm vậy để nghe lòng thanh thản”.

Chia tay trong sân chùa Thất Bảo tràn ngập nắng chiều. Bóng của người nữ biệt động thương binh nhỏ bé lặng thầm bổng sáng ngời lên như một tượng đài thân thuộc, rất đời thường nhưng đã hóa phi thường.    

TRƯƠNG THANH LIÊM
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40349126