Truy cập hiện tại

Đang có 192 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc

(TGAG)- Sáng 24-7, tại Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; UBND huyện Tri Tôn tổ chức Lễ khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc.


Tham dự Lễ khánh thành có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; Thượng tướng Bùi Văn Huấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện đã nghỉ hưu; về phía huyện Tri Tôn có đồng chí Cao Quang Liêm - TUV, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cùng ban, ngành huyện, xã và đông đảo nhân dân xã Lương Phi, huyện Tri Tôn.



Ngày 28-12-2001, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đây được xem như một sự tri ân, ghi nhận những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ người dân Lương Phi và mọi miền đất nước đã từng sống, chiến đấu, hy sinh tại địa danh này để góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Vừa qua ngày 23/4/2019, UBND huyện đã làm lễ khởi công công trình cải tạo, nâng cấp khu di tích, với các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà quản lý, hội trường... Công trình nâng cấp và cải tạo khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc với nguồn kinh phí xây dựng từ Ngân sách tỉnh, sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên toàn tỉnh qua Liên đoàn Lao động tỉnh và ngân sách huyện.


Đ/c Nguyễn Phi Thường - người tham gia kháng chiến tại Ô Tà Sóc kể lại những trận đánh

Địa danh Ô Tà Sóc thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, là một phần của dãy núi Dài (Ngọa Long Sơn), vùng Thất Sơn huyền bí, nơi đây từ năm 1962-1967 là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang, có các cơ quan trực thuộc: Quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ. Với hệ thống hang động và đường mòn nối liền các cơ quan từ bụng ông Địa (Tổ giao liên Tỉnh ủy) đến ô Vàng (Ban an ninh, binh vận, đài binh ngữ), vồ Út Mươi (Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh) có bán kính gần 3km mà tâm điểm là Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy, với Đồi Ma Thiên Lãnh ghi dấu nhiều sự kiện oai hùng.
 
Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mà mốc thời gian tiêu biểu nhất là giai đoạn 1962-1967. Trong khi Mỹ tập trung lực lượng hòng tạo thế gọng kìm, vây đánh ta thì dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ban ngày chúng ta chống địch đi càn, ban đêm tập kích quấy rối… làm địch thiệt hại nặng nề. Từ chiến thắng tại căn cứ Ô Tà Sóc, phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng phát triển.

Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ô Tà Sóc còn là căn cứ của các lực lượng cách mạng huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Từ năm 1969, nơi đây là địa điểm dừng chân và hợp đồng chiến đấu của các Trung đoàn chủ lực từ miền Đông chi viện cho miền Tây Nam Bộ. Năm 1968 - 1971, Ô Tà Sóc là căn cứ của phân ban Tỉnh ủy An Giang, do đồng chí Vũ Hồng Đức (Mười Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh An Giang) phụ trách. Giai đoạn năm 1972 đến ngày 30-4-1975, Tỉnh ủy Châu Hà và Long Châu Hà cũng có thời gian chọn Ô Tà Sóc làm căn cứ kháng chiến.

Căn cứ Tỉnh ủy ở Ô Tà Sóc là một trung tâm chỉ huy các phong trào cách mạng, đánh địch trên các mặt trận của tỉnh, góp phần cùng cả nước đấu tranh cách mạng, chính trị lẫn quân sự tạo được thế ý Đảng, lòng dân. Từ khi Tỉnh ủy xây dựng căn cứ Ô Tà Sóc, đã cho xây dựng: Văn phòng Tỉnh ủy, chốt tiền tiêu bảo vệ, Đội hỏa tốc, Hang an ninh, Tuyên huấn, Quân y, Hậu cần… tồn tại cho đến bây giờ.

Hiện nay, tại đây đã được xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình: Đường lên căn cứ Tỉnh ủy, các đơn vị chiến đấu, các điểm trận đánh, biển giới thiệu di tích… nhằm giới thiệu về vùng đất hào hùng, con người An Giang dũng cảm, kiên cường.


Phát biểu tại buổi lễ đồng chí Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy Tri Tôn khẳng định: Việc trùng tu, bảo dưỡng khu Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc nói riêng và tất cả các khu Di tích Lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện là cách thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn, cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà, để chúng ta tưởng nhớ các bậc cha anh đi trước, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu, đã nằm xuống trên vùng đất này cho chúng ta có cuộc sống hoà bình, no ấm hôm nay. Đây là nền tảng đạo đức cơ bản giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về những giá trị lịch sử. Qua đó thể hiện trách nhiệm để xây dựng quê hương Tri Tôn hôm nay.

Bí thư huyện ủy kêu gọi cán bộ các cấp phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là các đồng chí giữ những vị trí chủ chốt cần luôn tự soi rọi, tự răn mình; luôn nỗ lực phấn đấu, phải thật vững vàng, thật trách nhiệm để tiếp nối truyền thống vẻ vang, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước./.

Trúc Quỳnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37148439