Truy cập hiện tại

Đang có 75 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Phụ nữ Chợ Mới trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

 * Tham gia đấu tranh chính trị  và chiến đấu trong lực lượng vũ trang

Trong cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, dấu ấn của phụ nữ rất nổi bật. Tại Chợ Mới, phong trào bắt đầu từ tháng 7/1955 bằng các cuộc biểu tình chống khủng bố người kháng chiến cũ, đòi thi hành Hiệp định Genève với số đông tham gia là phụ nữ. Ngoài hình thức biểu tình, rải truyền đơn, nhân dân Chợ Mới còn gửi đơn kiến nghị tới Ủy hội Quốc tế đóng tại Tân Châu, mà hầu hết trong số đó là do những người phụ nữ trực tiếp mang đến.

Sau khi gian lận “trưng cầu ý dân” phế truất Bảo Đại, bầu cử Quốc hội riêng lẻ, chính quyền Sài Gòn ra sức đàn áp cách mạng, mà phụ nữ là đối tượng bị khủng bố, đàn áp khốc liệt. Nghị quyết 15 của Trung ương cho phép hoạt động võ trang, phụ nữ Chợ Mới cùng với nhân dân trong tỉnh và phụ nữ An Giang vùng lên đồng khởi. Không chịu sự đàn áp, nhân dân Chợ Mới đã phản kháng, đi đầu là những phụ nữ kiên trinh, gan dạ. Chị em đấu tranh sôi nổi, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc võ trang truyên truyền, diệt ác phá kềm, đánh phá đồn bót địch. Tại ấp Long Thuận (Long Điền), địch gom dân đến Cột Dây thép để tuyên truyền, chị em phụ nữ bồng con nhỏ theo làm mất trật tự, lấy cớ đòi về, khi xe thông tin đến phát truyền đơn, chị em cho con nhỏ ra xin rồi giành giựt nhau xé bỏ. Mùa lũ năm 1959, nhiều chị em phụ nữ tổ chức đấu tranh bằng cách mặc quần áo rách, bắt gà con, vịt con đem bán để tố khổ. Tại Long Điền, chị em hái cà na, bắt gà con nhúng nước đem bán ở chợ Mỹ Luông, thị trấn Chợ Mới, mời gia đình binh sĩ mua với mục đích tố khổ. Ở Mỹ Hiệp, chị em đi chợ nhồi 3 ngày liền, lực lượng từ 20 - 50 người, có cuộc lên đến gần 300 người, kéo đến trụ sở Hội đồng xã kể khổ, tố cáo ngụy quyền ức hiếp dân. Các cuộc đấu tranh thắng lợi, ngụy quyền phải cấp gạo và những đồ dùng thiết yếu, bọn tề xã thì hoang mang, ám ảnh, hôm nào thấy chợ đông hoặc vắng hơn thường ngày là trốn biệt, đợi chợ tan mới dám tới trụ sở làm việc.

Phong trào phá ấp chiến lược tại Chợ Mới, phụ nữ cũng là lực lượng giữ vai trò xung kích nhất. Tiểu biểu là xã Hội An, được du kích và bộ đội huyện hỗ trợ kìm chân địch không cho chúng xuất đồn, lực lượng quần chúng mà đa số là phụ nữ đi cắt kẽm gai, nhổ cọc sắt, phá ấp chiến lược; có những đêm dù không phá được thước rào kẽm gai nào nhưng chị em không hề nãn chí, tự động viên nhau quyết tâm làm cho bằng được, cứ như thế đêm cũng có ấp chiến lược bị phá. Hội An trở thành xã điển hình toàn tỉnh được khen thưởng tại hội nghị tổng kết phong trào phá ấp chiến lược của Tỉnh ủy đầu năm 1964, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ.

Phụ nữ Chợ Mới còn nổi bật trong phong trào đấu tranh chống bắt lính. Cuộc đấu tranh diễn ra liên tục, rộng khắp. Các chị, các mẹ đã tìm nhiều cách để che giấu, giải vây cho những thanh niên bị bắt quân dịch. Những năm 1971 - 1972, tăng cường bắt lính đôn quân, chị em tìm cớ cải vã để thanh niên kịp trốn hoặc khi chúng bắt được, chị em ôm lính, xô đẩy giành giựt người thân ở lại. Như vậy, dù không tham gia nhiều vào lực lượng võ trang, trực tiếp cầm súng chiến đấu, song vai trò của phụ nữ Chợ Mới trong đấu tranh chính trị, hỗ trợ lực lượng võ trang là rất to lớn. Họ xứng đáng là những chiến sỹ trung dũng, mưu trí, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của phụ nữ Việt Nam, đó là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Như đã nói, phụ nữ Chợ Mới không tham gia nhiều vào lực lượng vũ trang, song khi đã tham gia thì chiến đấu anh dũng chẳng kém đấng mài râu. Tiêu biểu nhất là chị Huỳnh Thị Hưởng - Xã đội phó xã Hội An, trực tiếp chỉ huy một tiểu đội du kích hoạt động mạnh trong lòng địch, chống nhiều trận càn của địch vào căn cứ La Kết, giữ vững căn cứ địa cách mạng. Không chỉ có tài tổ chức, chị còn mưu trí trong đánh giặc, nhiều trận tấn công đồn do chị chỉ huy đã làm kẻ thù khiếp sợ. Ngày 17/7/1965, chị bị địch bắt, ba ngày liên tục bị tra tấn dã man nhưng chị vẫn không một lời khai báo, cuối cùng kẻ thù giết chị một cách man rợ. Trước khi chết, chị còn trấn an đồng bào: “Bà con yên tâm, tôi không khai báo gì. Tôi có chết còn nhiều người khác làm cách mạng, cách mạng nhất định thắng lợi”. Chị Huỳnh Thị Hưởng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1985.


* Làm công tác giao liên, nuôi chứa cán bộ chiến sỹ

Chợ Mới là địa bàn bị cô lập, đường giao liên du kích về tỉnh bị chia cắt từ năm 1964 nên mọi sự liên lạc trong ngoài đều phải dựa vào đội giao liên hợp pháp. Đội gồm 15 người, phần lớn là những chị em có kinh nghiệm và khả năng ứng phó nhanh như bà Bảy Khánh, Năm Chanh, Tám Huê, Tám Siêu, cô Chi... Họ đã bất chấp khó khăn, nguy hiểm, mưu trí vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch để đưa rước cán bộ, chở vũ khí, thuốc men, lương thực ra vào căn cứ. Có người đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ như chị Nguyễn Thị Cón, Nguyễn Thị Kim Huệ bị giặc bắt tra khảo, chúng giở trò đồi bại rồi lén lút thủ tiêu hai chị tại vàm Kinh Ngang (Cái Bông)...

Và có những phụ nữ gan dạ, nhanh trí như bà Tám Chỉnh, Hai Triều ở Bình Phước Xuân, Sáu Khách ở thị trấn Chợ Mới, Thảo ở Long Điền... đã giải thoát được cán bộ cách mạng khi bị địch vây bắt. Suốt thời gian Đại đội 291 đứng chân tại Chợ Mới, cả đại đội hơn 100 người được nhân dân các xã Hội An, An Thạnh Trung, Hòa Bình đùm bọc, nuôi chứa, nhất là các gia đình ở ngọn La Kết, Mương Sung. Gia đình bà Trần Thị Chanh, bà Bảy Khánh ròng rã nuôi một tiểu đội; các mẹ, các chị ủng hộ heo, gà, làm bánh trái nuôi quân, nhiều chị em phụ nữ còn tham gia dân công, tải thương đưa anh em thương binh về nơi an toàn.

Phụ nữ Chợ Mới trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ tham gia đấu tranh chính trị, tham gia lực lượng vũ trang đánh địch mà còn đảm đang, tháo vát, thông minh trong lao động sản xuất, công tác binh vận, tôn giáo vận... Ở bất cứ lĩnh vực nào, chị em phụ nữ luôn là lực lượng đi đầu, thực hiện đúng đắn, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần làm nên những chiến công vẻ vang của cách mạng huyện nhà. Với bề dày thành tích như vậy, phụ nữ Chợ Mới được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, tiêu biểu là nữ “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” Huỳnh Thị Hưởng và 27 mẹ Việt Nam anh hùng...


Lê Phương Thanh

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37048032