Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Ba Chúc - Nơi ghi tội ác của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt

(TGAG)- Ba Chúc là một xã thuộc vùng Bảy Núi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (nay là thị trấn Ba Chúc). Ba Chúc cách biên giới Việt Nam - Campuchia 7km, là xã có nhiều đồng bào dân tộc Khmer, là trung tâm đạo Tứ ân Hiếu nghĩa. Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, cùng với cả nước, Nhân dân xã Ba Chúc đi vào khắc phục hậu quả của chiến tranh, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Không khí hòa bình ở đây chưa được bao lâu thì lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary gây ra. Theo sử sách ghi chép lại, trong suốt 12 ngày chiếm đóng, chúng đã giết chết 3.157 thường dân tại Ba Chúc.



Chùa Tam Bửu:
Vào cuối tháng 3-1978, khi bọn Pôn Pốt xâm lấn qua biên giới, nhân dân khắp nơi trong xã thường chạy vào chùa Tam Bửu trú ẩn. Ngày 13-4-1978 (ngày rằm tháng 3 âm lịch), quân Pôn Pốt bắn pháo vào hậu liêu của chùa, một mảng tường bị sụp đổ, những người trú ẩn tại đây vừa bị thương, vừa bị tường đè tiếng kêu la thảm thiết, máu loang đầy nền chùa, 40 người chết, 20 người bị thương nằm chồng chất lên nhau.

Đến ngày 14-4-1978, quân Pôn Pốt tràn vào chùa Tam Bửu bắt hơn 800 người đem ra khỏi chùa tước hết đồ đạc rồi phân ra nam theo nam, nữ theo nữ. Nam đưa về hướng cánh đồng Cầu Sắt - Vĩnh Thông, Giồng Ông Tướng; nữ đi về hướng kinh năm xã và các nơi khác. Trong chùa còn lại 4 người già yếu, bệnh tật đi không nổi, chúng lôi bắn chết, sau đó đốt chùa. 800 người bị bắt đều bị giết, chỉ có hai người sống sót.

Chùa Phi Lai: Chùa Phi Lai nằm đối diện chùa Tam Bửu, cách Núi Tượng 200 mét về hướng Đông. Vào những ngày quân Pôn Pốt đánh phá ác liệt vào xã Ba Chúc, nhân dân trong vùng chạy vào chùa Phi Lai để tránh đạn pháo. 3 giờ chiều ngày 14-4-1978 (rằm tháng 3 âm lịch), quân Pôn Pốt tràn vào chùa Phi Lai và miễu An Định, chúng bắn bừa bãi, tung lựu đạn giết trên 80 người. Những người còn sống sót chạy ra cửa chúng dùng cây đập đầu hoặc bắn chết hơn 100 người nữa, xác nằm ngổn ngang xung quanh chùa. Riêng ở dưới bàn thờ Phật có 40 người đang ẩn trốn. Bọn chúng dùng lựu đạn ném vào làm chết 39 người, còn lại một phụ nữ nằm trong góc được sống sót. Hiện nay hầm còn dấu vết vụ thảm sát này.
    
Sau ngày 30-4-1978, những người còn sống sót trở về tìm lại thân nhân mình, đã nhìn thấy nhiều bàn tay máu trên vách tường, hành lang chùa Phi Lai, mà nhiều nhất là các bàn tay máu của trẻ em. Phía bên trái trong tường có một vòng máu búng lên tường cao 4 mét, bên phải có một đường dài 7 mét, cao 0,6 mét. Phía trước chánh điện máu và nước vàng cao 2 tấc. Bà con xã Ba Chúc phải gánh trên 80 đôi nước để dội rửa. Các đội chữ thập đỏ lo thu gom xác người chết đốt lấy cốt tốn nhiều ngày mới hết. Chùa Phi Lai ngày nay còn giữ nguyên dấu vết tội ác này.

Núi Tượng: Ngày 14-4-1978, khi quân Pôn Pốt tràn vào xã Ba Chúc nhân dân quanh vùng rút chạy không kịp nên kéo nhau lên núi Tượng ẩn nấp vào các hang đá để tránh sự tàn sát của kẻ thù. Nhưng rồi qua 11 ngày đêm chiếm đóng, bọn chúng lùng sục tàn sát gần hết bà con trên núi. Trong các hang: Dồ đá dựng, hang Ông Tam Ắt, hang Ba Lê, hang Cây da … xác người chết chồng chất lên nhau.
    
Có những hang quá sâu nhân dân địa phương không thể nào lấy hài cốt được nên đành phải lấp miệng hang. Cho nên từng vách núi, miệng hang ở đây đều là những di chứng tội ác của quân diệt chủng Pôn Pốt.

Hang Dồ đá dựng: Hang Dồ đá dựng nằm trên núi Tượng. Tại hang này xảy ra một câu chuyện thương tâm. Vào những ngày Pôn Pốt chiếm đóng Ba Chúc, nhân dân kéo nhau lên đây 72 người (có 4 em bé). Do ở trong hang lâu ngày trẻ em vì thiếu ăn, khát nước, ngột ngạt, bệnh hoạn, nên la khóc suốt ngày. Để bảo toàn bí mật, bà con tính là phải giết bốn đứa bè này nhằm cứu lấy mạng sống những người đang ở trong hang. Vì tình máu mủ, vì lòng nhân đạo nên không ai nỡ giết con mình. Đến 23-4-1978 (nhằm ngày 25-3 âm lịch), một tên nữ Pôn Pốt đi dọa thám phát hiện trẻ em khóc. Do lộ bí mật, có nguy cơ bị tàn sát nên bà con quyết định phải giết gấp bốn đứa bé. Anh Trần Văn Tỏ có đứa con trai 5 tuổi – đứa bé biết mình sắp bị cha giết, nên khóc lóc kêu lên: “Ba ơi ! Đừng giết con, con không khóc nữa đâu”. Anh Tỏ cố nén đau thương bóp mũi con mình cho đến chết. Rồi ông hai Cây Khế, ông Đức lần lượt giết ba đứa cháu nội của mình. Thế rồi ba tiếng đồng hồ sau bộ đội ta tấn công vào giải tỏa Ba Chúc. Bà con trên hang dồ đá dựng ôm bốn đứa trẻ vẫn còn hơi nóng mà đứt từng đoạn ruột.

Hang Cây da: Vào những ngày quân Pôn Pốt chiếm đóng Ba Chúc, tại hang cây da có 17 người ẩn trốn nơi này. Bọn Pôn Pốt lục soát tìm gặp, trước tiên chúng bắn chết 14 người, xác người chồng chất lên nhau, kế tiếp là hiếp dâm chị Chuột rồi lấy cây đâm vào cửa mình cho đến chết. Còn lại hai người là anh Phan Văn Ba và đứa con trai 19 tuổi chạy thoát được trước bàn tay đẫm máu của kẻ thù. Hang cây da còn giữ nguyên được dấu vết căm thù này.

Đìa bụi tre (núi Nước): Sau khi đuổi bọn Pôn Pốt về bên kia biên giới, nhân dân Ba Chúc đến bìa bụi tre gom góp xương tàn của những người xấu số chất đầy một xe bò đem về Nhà Mồ Ba Chúc lưu giữ.

Cầu Sắt Vĩnh Thông: Từ 14-4-1978 đến 25-4-1978, bọn Pôn Pốt tràn vào xã Ba Chúc bắt bà con đang lẫn trốn trong các chùa chiền và các nơi khác dẫn đến Cầu Sắt Vĩnh Thông tàn sát trên 300 người. Xác những người đã chết nằm chồng chất lên nhau trên một vùng rộng lớn.

Hang Ba Lê: Hang Ba Lê nằm trên núi Tượng. Hang này trước đây không có tên. Nó mang tên từ khi quân Pôn Pốt tràn sang chiếm đóng Ba Chúc, anh Nguyễn Văn Lê là người thoát chết tại hang trong khi đó gần 50 người gồm cha mẹ, anh em, vợ con, dòng họ của anh đều bị quân Pôn Pốt thảm sát. Anh Lê thứ ba, nên sau vụ này người ta gọi hang đá này là hang Ba Lê để ghi nhớ tội ác tày trời này của quân Pôn Pốt.

Giồng Ông Tướng và khu nhị tỳ: Cả hai đều nằm dưới chân núi Tượng. Hai địa điểm này quân Pôn Pốt đã tàn sát nhân dân xã Ba Chúc trên 100 người./.

Kim Tuyến
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40002397