Truy cập hiện tại

Đang có 148 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ từ 1986 đến nay

(TGAG)- Trong 10 năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước (1975-1985), bên cạnh những thắng lợi giành được, chúng ta đã mắc một số khuyết điểm và sai lầm; đất nước rơi vào khủng hoảng KT-XH nặng nề. Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của Đảng đã chủ tương đổi mới. Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, cóý nghĩa lịch sử. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ từ năm 1986 đến nay, chúng ta quan tâm thể hiện các nội dung chính sau:

Thứ nhất, trình bày khái quát đường lối, chủ trương của Đảng trong những năm 1986 đến nay: Đảng ta đã tiến hành 7 lần Đại hội đại biểu toàn quốc (VI-XII). Trong đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã nghiêm khắc kiểm điểm, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế; đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tháng 6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII họp trong bối cảnh công cuộc cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, tác động mạnh mẽ đối với cách mạng Việt Nam. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Tháng 6/1996, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã đánh giá thành công của 10 năm đổi mới, khẳng định đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và hoàn thành những mục tiêu đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Thứ hai, trình bày khái quát đường lối, chủ trương của Đảng bộ tỉnh trong những năm 1986 đến nay như: Triển khai và vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào thực tế địa phương 1986 - 1991. Tháng 10/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IV đã đề ra chủ trương “tam nông”: nông nghiệp, nông dân, nông thông, xem ba mặt trên là những vấn đề không thể tách rời, trong đó nông nghiệp - lương thực xác định là nền tảng và là mặt trận hàng đầu, nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông thôn là địa bàn chiến lược. Tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách như: “lấy dân làm gốc”, “củng cố tập đoàn sản xuất”, thực hiện chính sách “nhường cơm sẻ áo” và có những cách làm sáng tạo trong việc giải quyết ruộng đất: đưa đất về hộ gia đình nông dân, hộ nông dân thành đơn vị sản xuất cơ bản; điều chỉnh lại ruộng đất, xác định quyền làm chủ của nông dân trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ cũ và chủ mới, ai có điều kiện làm ruộng thì trực canh... Tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng cơ sở cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1991 - 1996). Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương và hội nhập quốc tế...

Thứ ba, trình bày cụ thể sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng bộ cấp trên, Trung ương Đảng, gồm 2 nội dung chính:

Nội dung thứ nhất, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện từ năm 1986 đến năm 1996: nêu những thuận lợi và khó khăn trong thời kỳ bao cấp, yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương; triển khai và vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào thực tế địa phương trên tất cả các lĩnh vực và cần làm rõ tập trung trên lĩnh vực nào là chủ yếu; kết quả bước đầu, những khó khăn trong quá trình đổi mới; sự phấn khởi của các tầng lớp nhân dân và gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện đường lối đổi mới; thực hiện ba chương trình kinh tế mới về lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; phát triển văn hóa - xã hội trọng tâm là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...

Nội dung thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế từ 1996 đến nay: nêu khái quát các kỳ đại hội, trong đó cần nêu rõ những chủ trương của Đảng bộ trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kết quả thực hiện việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (số liệu cho thấy sự chuyển dịch kinh tế của địa phương); lãnh đạo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gồm các công tác: xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự xã hội.

Ngoài những nội dung chính, lịch sử Đảng bộ cần có lời mở đầu, kết luận và phụ lục. Trong đó:

- Phần kết luận tập trung: Đánh giá chặng đường ra đời, hoạt động và trưởng thành của Đảng bộ địa phương bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm; một số kinh nghiệm của Đảng bộ địa phương trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

- Phụ lục gồm: Danh sách Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, chi bộ; danh sách thương binh, liệt sỹ; tù chính trị; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gương sáng đảng viên; những nhà hoạt động chính trị, văn hóa nổi tiếng; những cán bộ cách mạng, các chiến sĩ, quần chúng chiến đấu, hy sinh dũng cảm; các di tích lịch sử, cách mạng; bản đồ, hình ảnh, biểu đồ minh họa về thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Để nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ từ năm 1986 đến nay, chúng ta cần phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Trong đó cần tham khảo những ấn phẩm lịch sử tiêu biểu như: Văn kiện Đảng toàn tập - tập 48 đến 69 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia); các ấn phẩm lịch sử địa phương như: Địa chí An Giang (Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, 2013), Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang - tập 3 (1975 - 2005) (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang, 2007), Truyền thống công tác Tuyên giáo tỉnh An Giang (1930 - 2005) (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, 2005)...; lịch sử Đảng bộ cấp trên trực tiếp và lịch sử Đảng bộ các địa phương lân cận./.

 ĐẶNG THỊ KIM TUYẾN

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37057157