Truy cập hiện tại

Đang có 217 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nâng cao chất lượng thẩm định lịch sử xã, phường, thị trấn

(TGAG)- Sau 14 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao cất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và nhiệm vụ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề ra, công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Đến tháng 02/2015, đã có 129 ấn phẩm lịch sử được xuất bản, trong đó:
+ Cấp tỉnh gồm: Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ, Lịch sử Đảng bộ An Giang tập I, II, III (1927- 2005); Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 ở An Giang; An Giang qua 30 năm xây dựng và phát triển 1975 - 2005; Địa chí tỉnh An Giang (tập I, II); Kỷ  yếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam và quê hương An Giang; Tôn Đức Thắng – Một nhân cách lớn; Truyền thống công tác Tuyên giáo An Giang 1930 - 2005.
+ Cấp huyện, thị, thành gồm: Nhiều nhất là huyện Tịnh Biên với 13 ấn phẩm; huyện Thoại Sơn 12 ấn phẩm, Thị xã Châu Đốc 11 ấn phẩm, huyện Châu Thành 9 ấn phẩm, huyện Châu Phú 8 ấn phẩm, Thị xã Tân Châu 7 ấn phẩm, huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới 6 ấn phẩm, Thành phố Long Xuyên, Tri Tôn 5 ấn phẩm.
+ Ban ngành tỉnh gồm: Truyền thống công tác Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh An Giang 1930 - 2005; Lực lượng vũ trang nhân dân An Giang 30 năm kháng chiến (2 tập 1945 – 1975); Lịch sử ngành Tài Chính An Giang 1945 - 2000; Lịch sử Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang tập II (1975 - 2000), Đội quân tóc dài (3 tập, Hội phụ nữ); Tập truyện ký Người của một thời (ngành Bưu điện); Chiến đấu trong lao tù (6 tập), Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, Truyền thống công tác Tuyên giáo tỉnh An Giang, Kỷ yếu 65 năm ngày truyền thống Công an nhân dân, Kỷ yếu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh An Giang, Kỷ yếu học sinh trường Thiếu sinh quân – Bổ túc công nông tỉnh An Giang, Di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Di tích lịch sử văn hóa An Giang (cấp tỉnh).
Nhìn chung công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trong 14 năm qua đã có bước phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Các huyện, thị, thành đã biên soạn xong lịch sử Đảng, một số nơi đang chuẩn bị Tái bản, có bổ sung đến giai đoạn 2010; số còn lại đang tích cực tổ chức sưu tầm tư liệu và biên soạn lịch sử Đảng bộ phường, xã (chủ yếu tập trung các xã anh hùng), nhưng một số huyện tiến độ thực hiện còn chậm do thiếu tư liệu, con người (người viết lịch sử) và kinh phí (nhất là các địa phương có các xã được phong tặng anh hùng), thậm chí có xã biên soạn xong, đang chờ kinh phí xuất bản đến 4 năm! Toàn tỉnh có 34 xã anh hùng, đã xuất bản 31 xã, đạt 91,2 % mục tiêu đã đề ra.
Công trình lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng phường, xã được xuất bản góp phần làm rõ sự ra đời, phát triển và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ; tổng kết những kinh nghiệm về xây dựng Đảng; bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm giáo dục, động viên mọi người nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng tại địa phương.
Cùng với việc thực hiện công tác sưu tầm tư liệu và biên soạn lịch sử đảng bộ, bộ phận chuyên môn có trách nhiệm thẩm định bản thảo lịch sử của các nơi trong tỉnh. Công tác thẩm định đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần bảo đảm chất lượng của công trình lịch sử địa phương cũng như đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất giữa lịch sử chung và lịch sử từng địa phương. Do đó, nhằm nâng cao chất lượng thẩm định công trình biên soạn lịch sử cũng như hạn chế việc phá sản các bản thảo khi gởi đến thẩm định, tổ biên soạn cần chú ý một số yêu cầu sau:
 Bước I: Tổ biên soạn (có thể là người trực tiếp biên soạn) cần tham khảo ý kiến phòng chuyên môn hoặc người có trình độ chuyên môn sâu thống nhất đề cương (đề cương khái quát và chi tiết) cũng như bố cục của cuốn sách. Nếu được, thống nhất cách phân kỳ lịch sử, phân chia từng giai đoạn, tránh tình trạng sao y một cuốn sử của một địa phương nào đó vì khi phân kỳ hoặc đặt tên cho tiêu đề  thì phải căn cứ vào sử liệu của địa phương mình. Thí dụ có nơi chọn mốc là năm 1930, 1940… là dựa trên cơ sở chi bộ ra đời vào năm nào hoặc ít nhất là có đảng viên đến địa phương đó hoạt động, tạo dựng được phong trào.
 Có thể nói đây là bước khởi đầu không thể thiếu tạo nên một bản thảo có chất lượng do đề cương khái quát và đề cương chi tiết đóng vai trò chủ chốt tạo nên một nội dung phong phú, một bố cục chặt chẽ, logic giúp tổ biên soạn thống nhất bước đầu rất cơ bản khi gởi đến thẩm định.
Bước II: Người biên soạn cần làm tốt công tác tư liệu. Đây là khâu chuẩn bị cốt lõi nhất. Làm công tác tư liệu càng kỹ bao nhiêu thì khi biên soạn càng thuận tiện bấy nhiêu. Xử lý tư liệu là ghi nhận, thẩm tra, đối chiếu và  “làm tròn” tư liệu. Người viết khi xử lý, hệ thống tư liệu cần sắp xếp theo trình tự thời gian, lựa chọn những sự kiện quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử tại địa phương. Cương quyết không đề cặp đến những sự kiện vụn vặt, nhỏ lẻ.    
Bước III: Bản thảo phải được gởi trước cho phòng chuyên môn góp ý hoặc thẩm định ít nhất 10 ngày. Nếu đã được thống nhất dàn bài từ trước thì phòng cử người đọc, đối chiếu, thẩm tra hoặc bổ sung sử liệu. Trước khi gởi đến phòng chuyên môn, Ban Tuyên giáo huyện, thị, thành cần có nhận xét và đề xuất ý kiến của mình. Phòng cử đồng chí có am hiểu tình hình lịch sử tại địa phương đó thẩm định để có những nhận xét khách quan mang tính khoa học và tính chính xác.
Bước IV: Nếu có vấn đề mới phát sinh, người thẩm định đưa ra kiến nghị cần bổ sung thêm sử liệu mới để góp phần hoàn thiện bản thảo. Ban biên tập tiếp thu ý kiến nghiêm túc và trao đổi phòng chuyên môn thống nhất ý kiến và bổ sung trong thời gian sớm nhất để cơ quan chức năng cấp phép xuất bản.
Khi biên soạn cần chú ý cách thể hiện tên gọi cho thống nhất như: Tên nhân vật. Ghi cả họ và tên, kèm theo bí danh, tên thường dùng trong kháng chiến. Chú ý có thể cùng một nhân vật mà có nhiều bí danh nên sử dụng thống nhất tên gọi từng giai đoạn. Tên gọi địa danh cũng vậy. Ghi theo thời điểm xảy ra sự kiện với chú thích hiện nay (đã đổi tên, đổi đơn vị hành chánh…). Danh từ chỉ các tổ chức chính trị, hành chánh, quân sự thống nhất dùng theo đúng danh xưng từng thời kỳ (về phía chính quyền cách mạng- Xứ ủy, Trung ương cục, Liên tỉnh ủy, Tỉnh ủy; về phía chính quyền Sài gòn - chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn..
  Thẩm định bản thảo trước khi xuất bản là bước quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công trình lịch sử và đó cũng là quá trình nghiên cứu, biên soạn theo chiều sâu nhằm bảo đảm tính khoa học, tính đảng, tính trung thực và khách quan.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chính trị tư tưởng nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau - Viết sử nhằm “Ôn cố tri tân”; Bài học của quá khứ góp phần soi sáng hành trình đến tương lai./.

Nguyễn Thị Kim Huê

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40689444