Truy cập hiện tại

Đang có 165 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

An Giang: Công tác Lịch sử Đảng một năm nhìn lại

(TGAG)- Xác định công tác lịch sử Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử của Đảng bộ và bồi dưỡng lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý chí, tình cảm cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng nên hệ thống Tuyên giáo các cấp đã quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp nên cấp ủy quan tâm chỉ đạo hoàn thành Lịch sử Đảng bộ địa phương làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp. Trong năm đã xuất bản và phát hành 20 ấn phẩm, trong đó cấp tỉnh 02 ấn phẩm, cấp huyện tái bản 02 ấn phẩm, cấp xã 16 ấn phẩm. Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện thực hiện bổ sung, tái bản Lịch sử như 5 xã được phong tặng anh hùng của huyện Tịnh Biên; xã Vĩnh Phú - Thoại Sơn bổ sung, tái bản nhân dịp chào mừng Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Nhìn chung, các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung đảm bảo tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ An Giang. Nhiều công trình chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, tiêu biểu như An Giang trên đường phát triển (1975 - 2015), Chuyện kể Tức Dụp 128 ngày đêm, Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn (1945 – 2015), Lịch sử Đảng bộ huyện Thoại Sơn (1945 – 2015)… góp phần quan trọng vào công tác chính trị tư tưởng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới.

Công tác thẩm định có bước tiến triển mới. Một số địa phương đã chủ động thành lập Tổ Thẩm định như Thành phố Châu Đốc; các địa phương khác như Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn… Thường trực Huyện ủy giao cho trưởng ban chịu trách nhiệm về nội dung, sau đó gởi về phòng Lịch sử Đảng tỉnh thẩm định cuối cùng. Nhờ vậy, các ấn phẩm lịch sử được nâng lên đáng kể về chất lượng lẫn hình thức.

Công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa phòng chuyên môn và địa phương, ngành như phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình An Giang thực hiện 10 tập phim Giải phóng An Giang và trình chiếu đợt cao điểm Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam; tham gia Ban Tổ chức triển lãm Kỷ niệm Ngày sách Việt Nam với chủ đề “Sách người bạn lớn nhất của nhân loại” năm 2015; Ban giám khảo cuộc thi viết, sưu tầm tư liệu hiện vật gương phụ nữ tiêu biểu trong kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Hội đồng đặt tên đường…

Công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng được các địa phương chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: biên soạn tóm tắt lịch sử địa phương thành đề cương gửi đến từng chi, đảng bộ, trường học, các đoàn thể làm nội dung Địa phương học giáo dục học sinh, đoàn viên, hội viên; phát thanh trên đài truyền thanh hay phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương… đây được xem là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế trong công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương như:

Sau Đại hội Đảng bộ các cấp, cán bộ Tuyên giáo cơ sở thay đổi nhiều, do đó khi địa phương thực hiện công tác này thường lúng túng, bị động.

Công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu không được quan tâm nên khi khai thác, tìm kiếm tư liệu rất khó khăn, kể cả Văn kiện Đại hội gần nhất cũng không còn! 

Chất lượng tái bản ấn phẩm chưa được đầu tư đúng mức; ban biên tập chú ý viết tiếp phần hiện tại chứ chưa quan tâm lấy ý kiến bổ sung lịch sử trong kháng chiến… để chất lượng sách khi tái bản đạt yêu cầu cao hơn khi xuất bản lần đầu.

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại công tác Lịch sử Đảng năm 2015, hệ thống tuyên giáo các cấp quyết tâm phấn đấu để tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương trong thời gian tới./.

Nguyễn Trúc Linh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36715880