Truy cập hiện tại

Đang có 223 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Lễ giỗ lần thứ 167 Cụ Đoàn Minh Huyên năm 2023

(TUAG)- Sáng 26/9, tại Di tích Lịch sử cách mạng chùa Thới Sơn (thị xã Tịnh Biên) tỉnh An Giang. UBND thị xã Tịnh Biên long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 167 Cụ Đoàn Minh Huyên năm 2023 (12/8/1856-12/8/2023 âm lịch) để ghi nhớ công lao, tri ân các bậc tiền nhân đã góp phần xây dựng Thị xã Tịnh Biên nói chung, Phường Thới Sơn nói riêng.


Múa lân khai mạc Lễ giỗ


Các đại biểu tham dự


Bí thư Đảng uỷ- Chủ Tịch UBND phường Thới Sơn Nguyễn Thanh Hoài ôn lại tiểu sử cụ Đoàn Minh Huyên

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Hoài - Thị uỷ Viên - Bí thư Đảng uỷ- Chủ Tịch UBND phường Thới Sơn, Phó Trưởng Ban Thường Trực BTC lễ giỗ đã ôn lại tiểu sử và công đức của cụ Đoàn Minh Huyên.

Cụ Đoàn Minh Huyên (nhân gian còn gọi là Phật thầy Tây An), sinh ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mão (1807), quê quán làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Trên bước đường vân du, chữa bệnh cứu người, với tâm huyết hết sức trong sáng, ông đã đi nhiều nơi thực hiện theo tâm nguyện.


Khách thập phương đến tham quan, cúng viếng

Chùa Thới sơn được UBND tỉnh đăng ký di tích lịch sử cách mạng là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có vai trò phản ánh một cách đầy đủ, trung thực về quá trình hình thành và phát triển trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, để tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân trong đó có cụ Đoàn Minh Huyên đã lần lượt dẫn các tín đồ và người dân đi khai hoang lập làng ở nhiều nơi, trong đó có hai làng Xuân sơn và Hưng thới, mà sau này hợp thành xã Thới Sơn, thuộc huyện Tịnh Biên, nay là Phường Thới Sơn thuộc Thị xã Tịnh Biên.

Phường Thới Sơn có 3 cơ sở thờ tự là chùa Phước Điền (Trại ruộng), đình Thới Sơn (Trại rẫy) và chùa Thới Sơn (chùa Phật), do cụ Đoàn Minh Huyên sáng lập. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chùa Thới Sơn là một trong những căn cứ cách mạng, nơi tập hợp quần chúng xuống đường đấu tranh chính trị, là cơ sở cất giấu vũ khí, giao liên, nuôi chứa cán bộ... và được UBND tỉnh đăng ký di tích lịch sử cách mạng vào năm 1999.

Bí thư Đảng uỷ- Chủ Tịch UBND phường Thới Sơn Nguyễn Thanh Hoài cho biết thêm: Trong thời gian sắp tới, Ban quản lý 03 điểm di tích (chùa Thới Sơn, Đình Thới Sơn, chùa Phước Điền) tiếp tục tôn tạo, trùng tu và xây dựng mới 02 công trình gắn với truyền thuyết dân gian như: Đình Thới Sơn xây dựng công trình tượng cá sấu (dân gian gọi là ông Năm Chèo) với kinh phí khoảng 8,6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá; Chùa Phước Điền đầu tư xây dựng công trình Trâu sấm, Trâu sét với kinh phí khoảng 5,6 tỷ đồng, hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp phép.


Khen thưởng các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng phường Thới Sơn

Tại Lễ giỗ, Ban tổ chức cũng đã công bố quyết định khen thưởng cho 3 tập thể và 01 cá nhân để ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm trong việc trùng tu, sửa chữa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, khu di tích lịch sử cách mạng trong thời gian qua.

Với truyền thống tốt đẹp tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Thới Sơn sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trùng tu, tôn tạo các điểm di tích ngày càng khang trang hơn, tươi đẹp hơn đúng với cái tên mà cụ Đoàn Minh Huyên đã đặt lúc sinh thời, đó là “Xuân Sơn, Hưng Thới”.


Dâng hương tri ân những người có công với Tổ quốc tại buổi lễ


Các trò chơi dân gian vui tươi thu hút học sinh, du khách tham gia


Không gian văn hóa đọc trưng bày tại Chùa Thới Sơn

Sau nghi lễ, các đại biểu cùng dâng hương tưởng nhớ công đức cụ Đoàn Minh Huyên và dâng hương tưởng niệm tại nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Thới Sơn. Đồng thời Ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi dân gian, không gian văn hóa đọc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp lễ này.

Nguyễn Hảo
 
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37478387