Truy cập hiện tại

Đang có 71 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Khởi nghĩa Ba Chúc

(TGAG)- Đồng chí Trương Nhựt Quang (Trung úy Quang) được Binh vận Trung ương Cục (Binh vận R) đưa vào lực lương biệt kích Mỹ ở miền Đông Nam bộ. Năm 1967, chính quyền Sài Gòn điều động Trung úy Quang về An Giang làm Chỉ huy phó trại biệt kích Ba Xoài (Tịnh Biên, An Giang). Về đây, đồng chí Quang móc nối với lực lượng cách mạng tại địa phương làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Chúc, buộc chúng phải giải tán sắc lính biệt kích Mỹ trên tuyến biên giới Hà Tiên, Châu Đốc, Cao Lãnh và Mộc Hóa trong một thời gian.


Trung úy Quang, người đứng phía bên trái; đồng chí Đỗ Trung Dũng (Thượng sĩ Bảo) người đứng phía bên phải

Trại biệt kích Ba Xoài đóng trên đồi núi gồm hai cụm: trại chính đóng tại Ba Xoài, căn cứ Ba Chúc đóng tại chợ Ba Chúc. Cụm trại này khống chế một vùng dân cư trên 40.000 dân. Trại Ba Xoài đóng trên quả đồi cao, thuận tiện cho việc phòng thủ quân sự ở Bảy Núi.  Riêng căn cứ Ba Chúc không chế một biệt khu 20.000 dân, đa số đồng bào theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Quân số của trại gồm: 1 tiểu đoàn KKK (Miên khăn trắng hay còn gọi là Khmer Krom), 1 trung đội thám sát KKK, 1 đại đội người Kinh, 1 trung đội thám sát người Kinh và 1 đại đội người Nùng.

Về chỉ huy gồm có:

+ 1 toán cố vấn LLĐB Mỹ thường có từ 15 đến 20 sĩ quan, hạ sĩ quan do một Trung tá Mỹ chỉ huy.

+ 1 toán LLĐB Việt Nam có từ 10 đến 15 sĩ quan và hạ sĩ quan do Thiếu tá Paul làm chỉ huy trưởng, chỉ huy phó là Trung úy Quang.

+ Đại đội người Nùng do Mỹ sử dụng để bảo vệ cố vấn Mỹ.

Vũ khí bố trí trên đỉnh đồi và dưới chân đồi là hỏa lực mạnh: pháo không giựt 105 ly, 57 ly…

Ngoài căn cứ chính, còn có 6  đồn hỗ trợ: Phổ Đà, núi Tượng, núi Nước, cầu Sắt, chùa Phi Lai, đồn Chợ. Việc bố trí quân của căn cứ Ba Chúc trên diện rộng và nằm giữa khu dân cư, đồn bót liên hoàn, hỏa lực mạnh. Trung úy Quang vừa làm Chỉ huy phó Ba Xoài vừa làm Chỉ huy trưởng căn cứ Ba Chúc cơ động qua lại theo yêu cầu phòng thủ.

Một thời gian sau, cấp trên tăng cường thêm 2 đồng chí: Hai Thành và Trần Văn Bảo (tên thật là Đỗ Trung Dũng). Bảo, Quang được Trung úy Quang thăng cấp Thượng sĩ, Trung đội trưởng (thuộc thẩm quyền của Trung úy quang) và cả hai nội tuyến đều là đảng viên. Cấp trên đồng ý cho thành lập chi bộ đảng đặc biệt do đồng chí Bảo làm Bí thư. Chi bộ quyết tâm khởi nghĩa ở Trại Ba Xoài, vì đánh nơi này sẽ gây hoang mang, rúng động hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền đang khống chế một vùng có đông đồng bào Khmer và tôn giáo; tạo khí thế mới, làm chuyển biến tương quan lực lượng ta và địch trong vùng.

Trong lúc đang nỗ lực chuẩn bị mọi thứ cho cuộc khởi nghĩa tại đây do có một số trục trặc nên phải chuyển mục tiêu qua căn cứ Ba Chúc. Mọi kế hoạch móc nối với Tỉnh đội An Giang về việc hỗ trợ người (Trung ương Cục điều thêm về 3 nội tuyến hỗ trợ Trung úy Quang, Tỉnh đội điều 10 cán bộ tiềm nhập toàn cán bộ đặc công từ cấp trung đội trở lên), xin ý kiến Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam… thống nhất giờ “N”và kế  hoạch tác chiến đều hoàn tất.

Để cuộc khởi nghĩa  đạt thắng lợi, tỉnh điều động Tiểu đoàn 1 về Núi Dài lớn phối hợp theo chiến thuật “Nội công, ngoại kích” đồng thời ngăn chặn lực lượng tiếp viện của địch, bao vây khu phố Ba Chúc. Theo kế hoạch, 7 chiến sĩ trinh sát đặc công tỉnh giả dạng lính biệt kích nghỉ phép trở lại đơn vị, thâm nhập vào căn cứ địch an toàn. Đêm 18/8/1968 mọi diễn biến đều thuận lợi như kế hoạch. Để bảo vệ cơ sở, trước giờ nổ súng Trung úy Quang được lệnh rút về căn cứ.

Hai giờ sáng ngày 19/6/1968, từ căn cứ chính đến các đồn có bố trí quân tiềm nhập đồng nổ súng rầt dồn dập và quyết liệt. Chỉ hơn 30 phút chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn cụm căn cứ Ba Chúc, làm chủ trận địa. Hai đại đội và một trung đội thám sát cơ động ngụy biết quân ta chiếm lĩnh trận địa nên giấu súng bỏ trốn ra đồng ruộng và hôm sau cũng rã ngũ luôn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ta diệt 37 biệt kích, rả ngũ trên 200 tên, thu được nhiều chiến lợi phẩm và vũ khí hạng nặng như pháo 106,7ly, pháo không giựt 57 ly….

Đây là một cuộc khởi nghĩa phối hợp trong, ngoài rất chu đáo, đạt kết quả to lớn. Riêng Trung úy Quang được điều về Ban Binh vận Trung ương Cục làm công tác tuyên truyền ngành Binh vận của Đài phát thanh Giải phóng, sau đó, đồng chí tham gia trận tập kích sân bay Biên Hòa …Ghi nhận thành tích trong chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Trương Nhựt Quang được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

NGUYỄN THỊ TRÀ THÔN

__________
- Ghi theo lời kể của đồng chí Trương Nhựt Quang trong buổi Tọa đàm Binh vận ngày 15/12/20150.
- Tác giả Hoàng Anh Chi đã viết vở cải lương “Tín hiệu màu xanh” nói về sự kiện Trung úy Quang khởi nghĩa.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40407982