Công tác Lịch sử Đảng
Tưởng niệm 45 năm các nạn nhân Ba Chúc bị Pôn Pốt thảm sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1978 - 2023)
- Được đăng: Chủ nhật, 07 Tháng 5 2023 09:13
- Lượt xem: 1320
(TUAG)- Ba Chúc là trung tâm tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng quật khởi qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cùng cả nước giành được thắng lợi, thống nhất đất nước. Nhưng chỉ hai năm được hòa bình, đêm 30/4/1977, tập đoàn Pôn Pốt đồng loạt nổ súng tấn công lấn chiếm biên giới, mở đầu cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Năm 1978, địch thọc sâu lấn chiếm các xã nội địa vùng Bảy Núi. Từ 18/4 đến 30/4/1978, quân Pôn Pốt cho quân bao vây, đánh chiếm xã Ba Chúc, sau đó cho lính tiến hành đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, hãm hiếp phụ nữ và thảm sát người dân một cách man rợ. Một số địa điểm tiêu biểu ghi lại tội ác của bọn diệt chủng Pôn Pốt như:
* Tại chùa Tam Bửu
Ngày 13/4/1978, quân lính Pôn Pốt bắn pháo vào chùa, làm một mảng tường ở hậu liêu sụp đổ, làm 40 người chết và 20 người bị thương, máu loang đầy nền chùa, xác người chết và bị thương nằm chồng chất lên nhau. Ngày 20/4/1978, quân Pôn Pốt tràn vào chùa lần thứ hai, chúng bắt hơn 700 người đem ra khỏi chùa cướp hết đồ đạc, rồi phân chia theo nhóm nam và nữ, bốn người già yếu bệnh tật đi không nổi chúng lôi vào nhà khách bắn chết, sau đó đốt chùa. Toàn bộ nam giới bị chúng áp giải đưa về hướng cánh đồng Lạc Quới rồi cho lính xả súng giết hết; nhóm nữ giới bị bắt đưa về hướng kinh Năm Xã cho bọn lính thay nhau hãm hiếp, sau đó cũng bị chúng thảm sát tất cả. Trong số hơn 700 người bị bắt đưa đi, chỉ còn 2 người sống sót trở về.
* Tại chùa Phi Lai
Ngày 13/4/1978, quân Pôn Pốt dùng pháo lớn bắn vào các xã Vĩnh Gia, An Nông, Lạc Quới và Ba Chúc. Khoảng 250 đồng bào sống xung quanh phải chạy vào chùa Phi Lai để trú ẩn vì tin rằng quân địch sẽ không bắn phá chùa.
Ngày 20/4/1978, lính Pôn Pốt tràn vào chùa Phi Lai, chúng xả súng bắn bừa bãi vào dân làm chết 50 người, những người sống sót chạy ra ngoài bị chúng bắn và dùng cây đập đầu chết, thây nằm chất chồng quanh chùa khoảng 100 người. Riêng ở dưới bàn thờ Phật có 40 người trốn ở đó, chúng dùng lựu đạn ném xuống làm chết 39 người, chỉ còn một người may mắn sống sót. Hiện nay, trên tường và nền chùa vẫn còn nhiều vết máu của vụ thảm sát ấy.
* Trên núi Tượng (Liên Hoa Sơn)
Do trên núi có rất nhiều hang động như: Hang Ông Tám Ắt, hang Cây Đa, hang Vồ Đá Dựng, hang Ba Lê, hang Cô Năm... nên sau khi bị quân Pôn Pốt bao vây, hàng trăm đồng bào đưa người thân chạy lên núi chui vào các hang sâu trú ẩn để tránh sự truy sát của địch.
Ngày 18/4/1978, sau khi đánh chiếm được khu chợ Ba Chúc và tiến hành đốt phá, cướp bóc và thảm sát ở nhiều nơi, hàng trăm tên lính Pôn Pốt được lệnh bao vây xung quanh núi Tượng, sau đó tự do lên núi lùng sục đồng bào để bắn giết. Biết trong hang có người ẩn nấp, bọn lính Pôn Pốt dùng lựu đạn ném tới tấp vào hang làm chết nhiều người, những người chạy được ra ngoài bị chúng dùng súng bắn chết.
Chỉ sau 12 ngày chiếm đóng, quân Pôn Pốt đã giết hại 3.157 người dân vô tội, phá hoại gần như toàn bộ nhà cửa, đình chùa và cướp đi nhiều tài sản của Nhân dân Ba Chúc. Sau khi đánh đuổi được quân địch ra khỏi biên giới nước ta, Đảng và Nhà nước đã huy động lực lượng quân đội, công an và các tầng lớp nhân dân tiến hành chôn cất người chết, xây dựng lại nhà cửa, chùa chiền, kêu gọi đồng bào chạy nạn hồi hương để ổn định lại cuộc sống.
Để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và ghi lại những tội ác man rợ mà quân Pôn Pốt đã gây ra, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tinh thần yêu chuộng hòa bình. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng khu Di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc.
Nhà Mồ có hình lục giác, mỗi trụ cột đỡ mái nóc nhà, được kiến trúc hình tượng như bàn tay đẫm máu đang vươn thẳng lên, bên trong là một khung hộp kiếng tám cạnh, chứa đựng hơn một phần ba bộ hài cốt gom được của những người dân vô tội bị quân diệt chủng Pôn Pốt thảm sát, số hài cốt còn lại đã được thân nhân và đồng bào chôn cất. Bao quanh hộp kính là những cánh sen đồng như chở che, bao bọc các hài cốt trong mùi thơm thanh khiết của hoa sen.
Sau nhiều năm sử dụng, Nhà Mồ bị xuống cấp, đầu năm 2013, Nhà mồ được xây mới trên cơ sở quy hoạch tổng thể lại khu Di tích Nhà mồ Ba Chúc thành điểm du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử. Nhà mồ lần này được xây dựng hình tòa sen. Đến cuối năm 2014, công trình hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan.
Trong Nhà Mồ hiện có 1.159 bộ hài cốt đã được xử lý đảm bảo vệ sinh và giữ được bền lâu.
Khu chứng tích tội ác diệt chủng Pôn Pốt (bao gồm 3 điểm: Nhà Mồ, Chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai) được công nhận theo Quyết định số 92/VH-QĐ, ngày 10/7/1980 của Bộ Văn hóa. Hằng năm vào ngày 16/3 âm lịch, Đảng, đoàn thể, chính quyền, Nhân dân quanh vùng tập trung tại Nhà mồ cúng tế, gọi là ngày Giỗ hội căm thù. Cách 5 năm/lần huyện đứng ra chủ trì tổ chức, những năm còn lại do cấp xã tổ chức.
Tưởng niệm lần thứ 45 năm nay, Ủy ban nhân dân huyện thành lập Ban Tổ chức Lễ giỗ do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Dự kiến số lượng tham dự khoảng 400 đại biểu.
Việc tổ chức Lễ giỗ tưởng niệm các nạn nhân Ba Chúc bị Pôn Pốt sát hại không chỉ tiếp tục nhắc nhở các thế hệ mai sau không được phép quên những gì đau thương đã từng xảy ra, mà còn để cho thế hệ hôm nay và mai sau biết trân quý giá trị của hòa bình, cùng đoàn kết quyết chí, giữ vững giang sơn gấm vóc, nỗ lực xây dựng Ba Chúc nói riêng, quê hương đất nước nói chung ngày thêm giàu đẹp.
PHAN VĂN SƯƠNG
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn
Năm 1978, địch thọc sâu lấn chiếm các xã nội địa vùng Bảy Núi. Từ 18/4 đến 30/4/1978, quân Pôn Pốt cho quân bao vây, đánh chiếm xã Ba Chúc, sau đó cho lính tiến hành đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, hãm hiếp phụ nữ và thảm sát người dân một cách man rợ. Một số địa điểm tiêu biểu ghi lại tội ác của bọn diệt chủng Pôn Pốt như:
* Tại chùa Tam Bửu
Ngày 13/4/1978, quân lính Pôn Pốt bắn pháo vào chùa, làm một mảng tường ở hậu liêu sụp đổ, làm 40 người chết và 20 người bị thương, máu loang đầy nền chùa, xác người chết và bị thương nằm chồng chất lên nhau. Ngày 20/4/1978, quân Pôn Pốt tràn vào chùa lần thứ hai, chúng bắt hơn 700 người đem ra khỏi chùa cướp hết đồ đạc, rồi phân chia theo nhóm nam và nữ, bốn người già yếu bệnh tật đi không nổi chúng lôi vào nhà khách bắn chết, sau đó đốt chùa. Toàn bộ nam giới bị chúng áp giải đưa về hướng cánh đồng Lạc Quới rồi cho lính xả súng giết hết; nhóm nữ giới bị bắt đưa về hướng kinh Năm Xã cho bọn lính thay nhau hãm hiếp, sau đó cũng bị chúng thảm sát tất cả. Trong số hơn 700 người bị bắt đưa đi, chỉ còn 2 người sống sót trở về.
* Tại chùa Phi Lai
Ngày 13/4/1978, quân Pôn Pốt dùng pháo lớn bắn vào các xã Vĩnh Gia, An Nông, Lạc Quới và Ba Chúc. Khoảng 250 đồng bào sống xung quanh phải chạy vào chùa Phi Lai để trú ẩn vì tin rằng quân địch sẽ không bắn phá chùa.
Ngày 20/4/1978, lính Pôn Pốt tràn vào chùa Phi Lai, chúng xả súng bắn bừa bãi vào dân làm chết 50 người, những người sống sót chạy ra ngoài bị chúng bắn và dùng cây đập đầu chết, thây nằm chất chồng quanh chùa khoảng 100 người. Riêng ở dưới bàn thờ Phật có 40 người trốn ở đó, chúng dùng lựu đạn ném xuống làm chết 39 người, chỉ còn một người may mắn sống sót. Hiện nay, trên tường và nền chùa vẫn còn nhiều vết máu của vụ thảm sát ấy.
* Trên núi Tượng (Liên Hoa Sơn)
Do trên núi có rất nhiều hang động như: Hang Ông Tám Ắt, hang Cây Đa, hang Vồ Đá Dựng, hang Ba Lê, hang Cô Năm... nên sau khi bị quân Pôn Pốt bao vây, hàng trăm đồng bào đưa người thân chạy lên núi chui vào các hang sâu trú ẩn để tránh sự truy sát của địch.
Ngày 18/4/1978, sau khi đánh chiếm được khu chợ Ba Chúc và tiến hành đốt phá, cướp bóc và thảm sát ở nhiều nơi, hàng trăm tên lính Pôn Pốt được lệnh bao vây xung quanh núi Tượng, sau đó tự do lên núi lùng sục đồng bào để bắn giết. Biết trong hang có người ẩn nấp, bọn lính Pôn Pốt dùng lựu đạn ném tới tấp vào hang làm chết nhiều người, những người chạy được ra ngoài bị chúng dùng súng bắn chết.
Chỉ sau 12 ngày chiếm đóng, quân Pôn Pốt đã giết hại 3.157 người dân vô tội, phá hoại gần như toàn bộ nhà cửa, đình chùa và cướp đi nhiều tài sản của Nhân dân Ba Chúc. Sau khi đánh đuổi được quân địch ra khỏi biên giới nước ta, Đảng và Nhà nước đã huy động lực lượng quân đội, công an và các tầng lớp nhân dân tiến hành chôn cất người chết, xây dựng lại nhà cửa, chùa chiền, kêu gọi đồng bào chạy nạn hồi hương để ổn định lại cuộc sống.
Để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và ghi lại những tội ác man rợ mà quân Pôn Pốt đã gây ra, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tinh thần yêu chuộng hòa bình. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng khu Di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc.
Nhà Mồ có hình lục giác, mỗi trụ cột đỡ mái nóc nhà, được kiến trúc hình tượng như bàn tay đẫm máu đang vươn thẳng lên, bên trong là một khung hộp kiếng tám cạnh, chứa đựng hơn một phần ba bộ hài cốt gom được của những người dân vô tội bị quân diệt chủng Pôn Pốt thảm sát, số hài cốt còn lại đã được thân nhân và đồng bào chôn cất. Bao quanh hộp kính là những cánh sen đồng như chở che, bao bọc các hài cốt trong mùi thơm thanh khiết của hoa sen.
Sau nhiều năm sử dụng, Nhà Mồ bị xuống cấp, đầu năm 2013, Nhà mồ được xây mới trên cơ sở quy hoạch tổng thể lại khu Di tích Nhà mồ Ba Chúc thành điểm du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử. Nhà mồ lần này được xây dựng hình tòa sen. Đến cuối năm 2014, công trình hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan.
Trong Nhà Mồ hiện có 1.159 bộ hài cốt đã được xử lý đảm bảo vệ sinh và giữ được bền lâu.
Khu chứng tích tội ác diệt chủng Pôn Pốt (bao gồm 3 điểm: Nhà Mồ, Chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai) được công nhận theo Quyết định số 92/VH-QĐ, ngày 10/7/1980 của Bộ Văn hóa. Hằng năm vào ngày 16/3 âm lịch, Đảng, đoàn thể, chính quyền, Nhân dân quanh vùng tập trung tại Nhà mồ cúng tế, gọi là ngày Giỗ hội căm thù. Cách 5 năm/lần huyện đứng ra chủ trì tổ chức, những năm còn lại do cấp xã tổ chức.
Tưởng niệm lần thứ 45 năm nay, Ủy ban nhân dân huyện thành lập Ban Tổ chức Lễ giỗ do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Dự kiến số lượng tham dự khoảng 400 đại biểu.
Việc tổ chức Lễ giỗ tưởng niệm các nạn nhân Ba Chúc bị Pôn Pốt sát hại không chỉ tiếp tục nhắc nhở các thế hệ mai sau không được phép quên những gì đau thương đã từng xảy ra, mà còn để cho thế hệ hôm nay và mai sau biết trân quý giá trị của hòa bình, cùng đoàn kết quyết chí, giữ vững giang sơn gấm vóc, nỗ lực xây dựng Ba Chúc nói riêng, quê hương đất nước nói chung ngày thêm giàu đẹp.
PHAN VĂN SƯƠNG
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn