Truy cập hiện tại

Đang có 96 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Tri Tôn: Lễ tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 45

(TUAG)- Sáng ngày 05/5 (nhằm 16/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Tri Tôn, kết hợp cùng Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức Lễ tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 45 (16/3/1978 - 16/3/2023 âm lịch).

Đồng chí Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Tiếc Hùng - Ủy viên Ban Thường Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; đồng chí Trần Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các ban ngành đoàn thể huyện Tri Tôn, thị trấn Ba Chúc cùng hơn 400 thân nhân, tín đồ và các em học sinh về dự.
 


Đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm (ảnh Trung Cang)
 

Đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân Ba Chúc bị sát hại (ảnh Trung Cang)

Trước khi diễn ra Lễ tưởng niệm, các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ 3.157 người dân vô tội bị thảm sát. Sau đó xem phim tư liệu tóm tắt diễn biến chiến tranh biên giới Tây Nam và tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm xúc động phát biểu tóm tắt tội ác của bọn Pol Pot và kêu gọi toàn thể Nhân dân, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào dân tộc đoàn kết gắn bó chặt chẽ, hiểu rõ âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động, chung tay xây dựng thế trận quốc phòng an ninh, thế trận lòng dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc biên giới, tiếp tục xây dựng quê hương Tri Tôn ngày càng giàu đẹp, thân thiện nghĩa tình.
 

Đại biểu tham quan phòng trưng bày chứng tích tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot ở Ba Chúc 

Được biết trong 12 ngày đêm, từ 14 đến 25/4/1978, Pol Pot - Ieng Sary đã sát hại 3.157 thường dân sống ở xung quanh núi Tượng và núi Dài. Thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với những người dân vô tội đã khuất, Đảng, Nhà nước và Nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng Nhà mồ Ba Chúc ngay sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, đến năm 2013, tỉnh cho nâng cấp Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc với diện tích 5 hecta nhằm tưởng nhớ những nạn nhân bị thảm sát và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau. Hiện nay, còn 1.159 sọ được lưu giữ bảo quản tại Nhà mồ, trong đó có 1.017 sọ đã xác định tuổi và giới tính. Hàng năm, hàng nghìn lượt người là thân nhân các nạn nhân và người dân trong cả nước về dự Lễ giỗ tập thể tại Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc.
 


Dịp này, Ban Tổ chức Lễ tưởng niệm cũng trao 15 phần quà cho gia đình nghèo có người thân bị sát hại, mỗi phần gồm gạo và tiền mặt.

Châu Phong
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40062726