Truy cập hiện tại

Đang có 50 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Vĩnh Lộc - xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(TUAG)- Xã Vĩnh Lộc thuộc huyện An Phú. Phía Bắc giáp xã Phú Hữu, phía Nam giáp xã Vĩnh Hậu, phía Tây giáp thị trấn An Phú và xã Phước Hưng, phía Đông giáp xã Phú Lộc (thị xã Tân Châu). Ngày 24/6/2005, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Lộc vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Chi bộ và Nhân dân xã Vĩnh Lộc luôn anh hùng, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Vĩnh Lộc đã lập được những thành tích xuất sắc trong các hoạt động chính trị, vũ trang, binh vận tiêu biểu như:

Tháng 7/1955, kỷ niệm một năm ký Hiệp định Genève, Chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân xã Vĩnh Lộc tham gia cuộc biểu tình kéo về tỉnh lỵ Châu Đốc, đòi địch thi hành Hiệp định.

Ngày 19/3/1959, hưởng ứng phong trào phản đối địch sát hại dã man tù nhân ở khắp miền Nam, Nhân dân trong xã cùng với các xã khác tham gia đấu tranh, rải truyền đơn, treo băng - rôn với khẩu hiệu “Đả đảo Ngô Đình Diệm thảm sát tù nhân ở nhà tù Phú Lợi”.

Trong năm 1960, Chi bộ xã đã xây dựng và phát triển lực lượng du kích mật khá mạnh và tuyên truyền, giáo dục vận động Nhân dân đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Ngoài ra, quân dân trong xã cùng với du kích xã Phú Hữu, địa phương quân huyện bảo vệ an toàn căn cứ B1 (Phú Hữu), Chòm Găng và Ô Trích, đồng thời phát triển phong trào chiến tranh du kích ở xã với nhiều hình thức phong phú gây cho địch nhiều khó khăn, thiệt hại.

Năm 1961, Chi bộ xã lãnh đạo dân quân du kích phá bỏ và đốt 2 cây cầu ván để cắt đường giao thông của địch. Đội võ trang tuyên truyền kêu gọi dân chúng chống bầu cử, đứng lên lật đổ ách thống trị của gia đình Ngô Đình Diệm.

Năm 1962, bộ đội địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã phục kích đánh tiểu đoàn dân vệ của quận càn vào căn cứ Chòm Găng. Quân ta tiêu diệt tổng đoàn phó và 4 tên lính, tổng đoàn trưởng bị thương. Sau đó, ngụy quyền An Phú phải giải thể tiểu đoàn này.

Tối ngày 30/6/1963, Chi bộ xã kết hợp với địa phương quân huyện lãnh đạo lực lượng du kích và quần chúng trong xã cùng với quần chúng xã Phú Hữu phá hàng rào, tập kích vào ấp chiến lược ấp 2, diệt tên xã trưởng, bắt 01 tiểu đội thanh niên cộng hòa, giáo dục rồi thả, riêng tên phụ tá an ninh bị giải về căn cứ B1. Từ đó, hàng ngàn lượt quần chúng ở 2 xã Phú Hữu và Vĩnh Lộc kết hợp phá ấp chiến lược, mỗi lần vài chục mét. Đến mùa nước năm 1963, toàn bộ ấp chiến lược của 2 xã bị phá hoàn toàn.

Hàng rào ấp chiến lược liên tiếp bị phá, địch tổ chức các cuộc truy tìm lực lượng vũ trang cách mạng ở căn cứ Chòm Găng để tiêu diệt. Ngày 08/8/1963, lực lượng địch ở quận Tân Châu và An Phú phối hợp mở cuộc hành quân tại cánh đồng Chòm Găng. Nhưng chúng bị quân ta đánh chặn, 6 tên bảo an và dân vệ bị ta tiêu diệt, 4 tên bị thương, căn cứ cách mạng được giữ vững.

Hưởng ứng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Nhân dân và du kích xã đã hăng hái tham gia làm dân công, đốn cây đắp đường, rải truyền đơn, bao vay đồn…

Ngày 11/02/1970, du kích xã và cùng với địa phương quân huyện về hoạt động tại ấp Vĩnh Phước, tuyên truyền trong Nhân dân xé 35 lá cờ của địch, phối hợp quân dân các xã khác củng cố, xây dựng địa bàn căn cứ, phát triển 150 ô chiến đấu ở các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Khánh An, Khánh Bình.

Mặc dù căn cứ Chòm Găng thường xuyên bị địch đánh phá, nhưng từ năm 1970 -1972, căn cứ này được ta bảo vệ an toàn. Đội võ trang công tác xã và lực lượng cách mạng hoạt động trên địa bàn xã Vĩnh Lộc được Nhân dân đùm bọc, che chở. Điển hình là đội máy cày do 18 gia đình ở xã Vĩnh Lộc làm chủ, đây không chỉ là tư liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mà còn là phương tiện vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho cách mạng, làm nhiệm vụ giao liên và che dấu cán bộ. Một số chủ máy cày còn tích cực đóng góp tài chính quan trọng cho cách mạng ở xã, huyện.

Ngày 19/8/1972, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã tập hợp quần chúng tại mương số 1, để tuyên truyền  nói rõ âm mưu của địch, khuyên anh em binh sĩ bỏ hàng ngũ trở về gia đình, kêu gọi đồng bào đấu tranh chống bắt lính, chống vơ vét tài sản của Nhân dân… Số lính bỏ ngũ và thanh niên trốn bắt lính ngày càng đông, họ tập hợp thành từng đoàn đi giăng câu, lưới để kiếm sống…

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tháng 7/1973, quân ta tại các xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Vĩnh Xương, Tân An đã phát loa 21 lần, gửi hàng trăm thư tay cho các đồn bót, phát trên 1.450 truyền đơn các loại, tranh thủ được 7 đồn, 2 trưởng phó và 15 phòng vệ dân sự, 2 nghĩa quân, 1 trung úy hải quân, 2 trưởng ấp và 2 cảnh sát.

Ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ xã đã huy động lực lượng tại chỗ giành chính quyền. Ngày 01/5/1975, xã Vĩnh Lộc được hoàn toàn giải phóng.

Với những chiến công đã lập, ngày 24/6/2005, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Lộc vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

Đặng Thị Kim Tuyến
____________
Tài liệu tham khảo:
1. Địa chí An Giang, 2013.
2. Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Lộc 1945 - 2015.
3. Lịch sử Đảng bộ huyện An Phú.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726128