Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Bảo tồn, khai thác di sản văn hóa Óc Eo phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ - từ góc nhìn vai trò của nghiên cứu lịch sử

(TGAG)- Nhân loại đang tiến bước trong thế kỷ mới. Những thành tựu của tương lai được xây dựng trên nền tảng quá khứ. Loài người tiến bộ hướng về tương lai với hành trang của tổ tiên. Lịch sử cho chúng ta bài học quý báu trong cuộc sống hiện tại và mai sau.

Tầm vóc của văn hóa Óc Eo mang lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang những lợi thế to lớn trong khai thác phát triển du lịch, dịch vụ. Việc khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa Óc Eo đã được tiến hành, chủ yếu tập trung ở khu vực Ba Thê - Óc Eo (Thoại Sơn). Tuy nhiên, hiệu quả nhận được chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Chẳng những vậy, di sản văn hóa Óc Eo còn bị xâm hại với chiều hướng không suy giảm. Gần đây, chúng ta đã có những động thái ban đầu nhằm chuẩn bị hồ sơ đề cử UNESCO công nhận văn hóa Óc Eo là di sản văn hóa thế giới. Nếu được công nhận, việc bảo tồn, khai thác di sản văn hóa này cũng cần phải được đổi mới sao cho tương xứng hơn với tầm vóc.

 
  Tượng Phật bốn tay và Bia Đá cổ bên phải tại Chùa Linh Sơn trong Di tích Linh Sơn tự. Ảnh: TPH.
 
Để đạt được những mong muốn nêu trên cần có những giải pháp mang tính hệ thống, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Trong đó, việc nhận thức về vai trò quan trọng của khoa học lịch sử rất nên được quan tâm, bởi việc công nhận một di sản là di sản văn hóa thế giới không chỉ được đánh giá qua tầm vóc của di sản ấy, mà còn đánh giá qua mức độ nhận thức của cơ quan quản lý, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong phạm vi về di sản đó. Cho đến nay, văn hóa Óc Eo chiếm vị trí không đáng kể trong vốn hiểu biết của số đông chủ nhân vùng đất vốn là cương vực của vương quốc Phù Nam - cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ quả đó dẫn đến người dân không quan tâm bảo tồn, khai thác di sản văn hóa Óc Eo phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống của chính mình. Thực trạng này có thể được khắc phục thông qua nghiên cứu lịch sử.

Văn hóa Óc Eo thu hút du khách bởi giá trị lịch sử to lớn. Khách tham quan tìm đến Óc Eo là muốn tìm hiểu, mở mang tri thức về một nền văn hóa lớn. Nhu cầu đó nếu được thỏa mãn sẽ rất thuận lợi trong thu hút, mở rộng du lịch, dịch vụ. Hiện nay, chúng ta chưa có một đội ngũ những nhà nghiên cứu chuyên sâu, cơ quan nghiên cứu, hướng dẫn viên có hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa này. Một số di chỉ được xây dựng nhưng không có người hướng dẫn, hoặc có thì không đủ sức thuyết phục. Du khách đến tham quan không được hướng dẫn, không thỏa mãn nhu cầu mở mang hiểu biết nên không mong muốn trở lại hoặc giới thiệu cho người khác đến tham quan. Xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu văn hóa Óc Eo là rất cần thiết. Muốn thế cần trang bị cho họ tri thức lịch sử về vấn đề này.

Trong thời gian tới, nghiên cứu khoa học lịch sử nhằm bảo tồn, khai thác di sản văn hóa Óc Eo phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ cần được tiến hành trên những hướng cơ bản sau:

- Tăng cường nghiên cứu các di chỉ văn hóa đã được khai quật đồng bộ với tiến hành khảo sát, phát hiện, khai quật các di chỉ văn hóa mới. Làm rõ giá trị, nội dung của văn hóa Óc Eo thông qua các di chỉ là ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp nghiên cứu văn hóa Óc Eo phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ.

- Nghiên cứu di sản tư liệu văn tự, đặc biệt là cổ văn Trung Quốc và Ấn Độ có liên quan. Việc này cần phải được tiến hành với tư duy mở, thái độ khách quan khoa học, có chọn lọc trên cơ sở giữ vững nguyên tắc. Nghiên cứu di sản văn tự cần được kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu di chỉ, lấy cái này để hỗ trợ, làm rõ cái kia nhằm đạt đến mục đích chung.

- Nghiên cứu lịch sử vùng đất thuộc "cương vực" văn hóa Óc Eo - Phù Nam trong thời gian hậu kỳ, đặc biệt chú tâm nghiên cứu thái độ, nhận thức, hành động của cộng đồng dân cư đối với văn hóa Óc Eo. Những nghiên cứu này là cơ sở để đánh giá mức độ nhận thức, sự quan tâm của người dân để có những định hướng đúng trong xác định và nâng cao vai trò của nhân dân tham gia bảo tồn, khai thác, phát huy di sản văn hóa Óc Eo phục vụ phát triển du lịch dịch vụ, nâng cao chính đời sống vật chất, tinh thần của họ.

- Nghiên cứu các quan điểm, công trình nghiên cứu của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về vương quốc Phù Nam, văn hóa Óc Eo và những vấn đề liên quan. Trên cơ sở nghiên cứu này, kế thừa thành quả nghiên cứu đã có; chọn lọc những nhận định nghiên cứu sâu sắc, xác đáng; nghiên cứu, nhận định và phản biện những luận điểm chưa chính xác. Thông qua hoạt động này, những kết luận chính thống dần được đưa ra, góp phần làm rõ, định hướng nhận thức đúng đắn cho đảng bộ, chính quyền, giới nghiên cứu và nhân dân.

Trong thời gian trước mắt, kết quả nghiên cứu lịch sử cần được “đưa vào thực tiễn” dưới những hình thức sau:

Một là, tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm lồng ghép trong đó hai mục tiêu cơ bản: 1. Làm rõ vấn đề; 2. Thu hút sự quan tâm. Làm rõ vấn đề là nhiệm vụ chủ yếu của giới nghiên cứu. Vấn đề được làm rõ đó sẽ được đông đảo nhân dân biết đến thông qua sự quan tâm của cơ quan thông tin đại chúng.

Hai là, đưa lịch sử vương quốc Phù Nam nói chung, văn hóa Óc Eo nói riêng vào chương trình giảng dạy phần lịch sử địa phương ở các nhà trường phổ thông, đại học, cao đẳng dưới những hình thức thích hợp. Kết hợp với đó là tổ chức những báo cáo chuyên đề, trưng bày, trình chiếu tư liệu, hiện vật về văn hóa Óc Eo - Phù Nam rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt ở vùng cư dân có các di chỉ đã được phát hiện.

Ba là, mở các lớp tập huấn cho lãnh đạo các địa phương, cán bộ văn hóa, đội ngũ hướng dẫn viên nhằm trang bị những tri thức cơ bản về văn hóa Óc Eo - Phù Nam. Chỉ trên cơ sở hiểu biết vấn đề, hành động bảo tồn, khai thác, phát huy di sản văn hóa mới có hiệu quả lâu dài.

Bốn là, tăng cường các ấn phẩm về di sản văn hóa Óc Eo - Phù Nam. Những cuốn sách, bảng hiệu, biểu tượng… cần phong phú về số lượng, đa dạng về hình thức, sâu sắc, hấp dẫn về nội dung, giá cả hợp lý nhằm thu hút sự quan tâm của dân cư, du khách. Nghiên cứu tính khả thi và những yêu cầu về việc xây dựng công viên văn hóa Óc Eo, trước mắt là ở vùng Ba Thê - Thoại Sơn.

Thờ ơ với quá khứ đã và đang là căn bệnh nguy hiểm đầu độc thế hệ kế thừa. Sẽ chẳng bao giờ chúng ta tồn tại và phát triển được nếu quên đi bài học quá khứ. Đất nước đang hội nhập vào xu thế phát triển chung của nhân loại, lịch sử là công cụ không thể thiếu trong công cuộc hội nhập đó. Mọi nỗ lực của các cấp ban ngành và cá nhân có liên quan điều mong muốn khai thác giá trị của lịch sử văn hóa Óc Eo - Phù Nam vào phát triển quê hương, đất nước, nhất là về thương mại và du lịch dịch vụ. Tin rằng lịch sử sẽ nâng bước cháu con  - những người biết trân trọng, am hiểu lịch sử./

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37163268