Truy cập hiện tại

Đang có 62 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

An Nông - xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(TGAG)- Xã An Nông thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Phía Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia. Phía Đông Bắc giáp xã Xuân Tô (nay là thị trấn Tịnh Biên). Phía Đông Nam giáp xã An Cư. Phía Tây Nam giáp xã Lê Trì, Lạc Quới.

Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Chi bộ và Nhân dân An Nông luôn anh hùng, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước An Nông đã lập được những thành tích xuất sắc trong các hoạt động chính trị, vũ trang, binh vận tiêu biểu như:

Để chống lại chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” của địch, Chi bộ xã cử người phá các tụ điểm học tập bằng nhiều hình thức: đàn ông thì nhậu say nói năng lung tung, phụ nữ thì bế con nhỏ làm mất trật tự, người lớn than đau lưng, bệnh hoạn… Trong các buổi học tập, không một cán bộ hoặc một gia đình nào tuyên bố ly khai với Việt Cộng hay đứng ra xé cờ để được hưởng ưu đãi của ngụy. Ngoài ra, Chi bộ còn giáo dục những tên lưng chừng, cảnh cáo bọn ác ôn, đầu sỏ; xây dựng phong trào cách mạng quần chúng như tổ chức văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, đưa người vào các tổ chức của địch tạo cơ sở bên trong để nắm tình hình, dùng tình cảm gia đình, quê hương tranh thủ những người lầm đường lỡ bước.

Đêm 23/3/1961, du kích An Nông, Lạc Quới, phối hợp với bộ đội huyện phá cầu 20 trên lộ Tịnh Biên – Lạc Quới. Địch cho 1 trung đội bảo an vào càn quét, bị ta phục kích bắn chạy tán loạn. Kết quả tên trung sĩ chỉ huy và 4 lính bảo an chết, 4 tên khác bị thương. Ta thu 4 súng.

Đêm 19/5/1961, đồng bào An Nông được lực lượng vũ trang yểm trợ tổ chức mít-tinh, biểu tình, treo cờ, rải truyền đơn, trừ gian, phá tề, bao vây bót; toàn bộ cầu ván trên lộ đều bị đốt phá. Lực lượng cách mạng cảnh cáo các tên gián điệp, tề xã, ấp làm tay sai cho địch, kêu gọi họ thôi việc trở về với Nhân dân và cách mạng; phát loa kêu gọi đồng bào trở về ruộng vườn cũ làm ăn sinh sống, bà con đoàn kết lại, cùng tham gia đấu tranh lật đỗ Mỹ - Diệm.

Đối phó các cuộc càn quét của địch vào vùng giải phóng, An Nông còn thường xuyên phối hợp với các xã Xuân Tô, Thới Sơn, Nhơn Hưng kéo đến quận lỵ Tịnh Biên đòi chấm dứt càn quét, giết người, hủy bỏ luật 10/59, bồi thường thiệt hại cho người dân.

Chống lại chính sách mị dân, Chi bộ xã chỉ dẫn cho đồng bào kéo ra xã, quận đòi trợ cấp khó khăn, giải quyết công ăn việc làm với lý do sống trong ấp chiến lược không được tự do canh tác, không sản xuất được, vận động bà con lần lượt trở về nhà cũ hoặc cất láng, trại ở sườn núi để nông dân đi đi về về và các bộ ta cũng gặp được bà con nắm tình hình, tuyên truyền về đường lối, chính sách cách mạng cũng như chỉ dẫn cách thức đối phó với địch.

Ngày 1/12/1963, du kích An Nông gài trái phá hủy xe GMC chở lính biệt kích từ Chi Lăng đi Lạc Quới, diệt 17 tên địch và 1 cố vấn Mỹ.

Tháng 4/1964, du kích An Nông đánh địch tại cầu 20, diệt 1 trung đội địch. Sau đó, địch đưa 1 tiểu đoàn có cố vấn Mỹ chỉ huy càn vào căn cứ núi Phú Cường. Du kích xã phục kích bắn trả, diệt 10 tên (có 1 tên Mỹ). Ngày 15/10/1964, 20 sư sãi, à cha cùng đồng bào Khmer, Việt bồng 3 em bé ở phum Tà Bung bị pháo địch bắn làm bị thương kéo ra căn cứ núi Đất đấu tranh. Địch đàn áp bắt 3 người. Bà con thấy thương dân thường, trẻ em vô tội bị thương còn bị đàn áp nên rủ nhau gia nhập vào đoàn người và tiếp tế hậu cần. Buộc địch phải thả những người bị bắt và đưa người bị thương đi điều trị. Cuối năm 1964, lực lượng du kích gài mìn bót 19, diệt tên trung đội trưởng gây nhiều nợ máu với Nhân dân.

Năm 1967, du kích An Nông kết hợp với du kích xã An Phú, Xuân Tô được sự tăng cường của bộ đội Huyện đã chống càn với một tiểu đoàn bộ binh địch có 22 xe tăng vào căn cứ Phú Cường. Ta bắn cháy một xe tăng và bẻ gãy đợt càn của địch.

Đầu 1970, địch mở chiến dịch tìm cách phá hủy căn cứ Phú Cường. Mỹ - ngụy tập trung lực lượng 4.000 quân, bắt dân và lính địa phương đi phát hoang những nơi tình nghi du kích ẩn náo. Đối phó với tình hình trên, ta phát huy ưu thế của phòng tuyến chiến đấu, tăng cường gài chông, mìn, đào giao thông hào bủa ra ở các lùm tranh, le để đánh trả các cuộc càn quét. Mặt khác, ta cho người đấu tranh trực diện với địch, vận động bà con viện lý do vì cuộc sống gia đình và tình cảm thiêng liêng với mồ mả tổ tiên mà không phá địa hình. Suốt 4 ngày đêm, địch điều hàng trăm trung đoàn áp sát căn cứ nhưng không sao tiến vào được. Kết quả ta bắn chết 120 tên, diệt 3 tên Mỹ và thu nhiều vũ khí.

Thực hiện chỉ đạo theo tinh thần “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”, xã phân công người chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng, phân công cơ sở gọi hàng ngụy quân, ngụy quyền.

Trưa 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngụy quân, ngụy quyền An Nông tan rã, bọn địch ở địa phương không dám kháng cự, tự động bỏ chạy lẫn trốn vào rừng. Sáng 1/5/1975, xã An Nông hoàn toàn giải phóng.

Với những chiến công đã lập, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã An Nông trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (ngày 29/01/1996).

Tài liệu tham khảo:
1. Địa chí An Giang, 2013.
2. Lịch sử Đảng bộ xã An Nông 1945 - 2000.
3. Lịch sử Đảng bộ huyện Tịnh Biên 1930 - 2010.
ĐẶNG THỊ KIM TUYẾN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40554678