Truy cập hiện tại

Đang có 106 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Nhà báo Việt Nam nhớ lời dạy của Bác Hồ

(TGAG)- Nói đến báo chí, người ta thường nghĩ ngay đến Nhà báo. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 16/4/1959, Bác Hồ cho rằng: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa; phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.(1) Lời dạy của bậc thiên tài vốn cũng là một Nhà báo, Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam đủ để Nhà báo chúng ta học tập và làm theo suốt đời.

Chắc chắn rằng, những người làm báo đều ý thức được công việc của mình vô cùng quan trọng và cũng rất vẻ vang. Nếu không ý thức được điều này thì dẫu có vì lý do nào đó “phải làm báo” thì trước sau gì người đó cũng phải bỏ nghề. Cũng chính vì ý thức được điều này mà trong cơ thể người làm báo có thứ máu nhà báo luân chuyển và lòng yêu nghề chỉ hết khi trái tim nhà báo ngừng đập. Nhà báo có thể nghỉ hưu trong công tác tổ chức cán bộ, nhưng nghề nghiệp của họ vẫn đeo đuổi đến khi bộ óc không còn khả năng làm việc nữa. Biết bao Nhà báo lão thành vì lý do sức khoẻ không thể cầm bút, không thể gõ máy đánh chữ nữa vẫn có thể viết báo bằng miệng... Các Nhà báo đáng kính đó được sự hỗ trợ của những thư ký riêng, ghi âm, viết lại, rồi đọc để Nhà báo nghe và sửa chữa rồi gởi đến các báo…

Và, thực tế có lẽ ai cũng biết, muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, Nhà báo phải hội đủ những tiêu chuẩn cơ bản về nhận thức chính trị, về trình độ văn hóa và về đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo không thường xuyên học tập chính trị, nâng cao nhận thức về mục tiêu lý tưởng và quan điểm lập trường của Đảng để bồi đắp lòng tin cho mình thì sẽ dễ bị lung lay, bị lệch lạc về tư tưởng đưa đến nhận định sai lầm trong tác phẩm của mình… Có những trường hợp do khả năng nhận thức vấn đề chưa sâu sắc, do thiếu thận trọng, do bản lĩnh nghề nghiệp còn hạn chế, Nhà báo có thể bị ngộ nhận khi tiếp cận thông tin. Có thông tin chưa được phép công bố, Nhà báo đã vội công bố tạo nên dư luận, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra, đến uy tín của cá nhân hay tổ chức liên quan, đến tình hình an ninh chính trị; có thông tin không chính xác chưa được kiểm chứng; có thông tin làm ảnh hưởng đến nhiều đối tượng rộng rãi trong xã hội, khi đính chính thì đã muộn rồi…

Cũng trong lời dạy nói trên của Bác và từ thực tế ta biết, xã hội luôn phát triển không ngừng, cho nên nếu Nhà báo không chịu khó học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tự thỏa mãn với bản thân mình sẽ bị dậm chân tại chỗ và tụt hậu khi cuộc sống cứ tiến lên từng giây, từng phút. Trong thời đại ngày nay, nhiều Nhà báo lớn tuổi đã phải tiếc cho mình không còn có “bộ nhớ” tốt để học thêm vi tính, ngoại ngữ và thèm khi nhìn lớp Nhà báo kế thừa với lợi thế của tuổi trẻ đã đáp ứng những yêu cầu cao của nghiệp vụ báo chí. Để nắm bắt thông tin, các Nhà báo trẻ chỉ cần lên mạng internet, khai thác trên những trang web trong và ngoài nước để lấy số liệu, để dịch và chọn lọc những thông tin bổ ích một cách nhanh nhất. Hoặc khi tháp tùng các đoàn đi nước ngoài, Nhà báo trẻ thông thạo ngoại ngữ, rành vi tính và internet, nhạy bén là có bài gởi về toà soạn bằng email, hôm sau bài đã in trên báo…

Và điều cuối cùng, một Nhà báo muốn tồn tại và phát triển là không thể xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp. Thực tế đã có những cơ quan báo chí phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc với những Nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Xuất phát từ ảnh hưởng quan trọng của báo chí, sự ngưỡng mộ và đãi ngộ quá mức ở các cơ sở, vì ai chẳng thích cá nhân mình, đơn vị mình, địa phương mình lên báo với những điều tốt đẹp nên rất cần sự ưu ái của Nhà báo… Và cũng đã có những Nhà báo viết bài với “suy nghĩ”: cơ sở đó có “biết điều hay không?”.

Trong giai đoạn cả nước ta đã và đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây là dịp để từng Nhà báo chúng ta tự nhìn lại mình, xem mình có còn đủ tư cách là một Nhà báo hay không? Nhà báo Việt Nam chẳng cần suy nghĩ gì cao siêu, chỉ cần tự hỏi lại mình. Mình viết cái gì? Viết cho ai xem? Và viết để làm gì? Nếu tất cả những bài viết của mình đều vì lợi ích của nhân dân thì đã là phục vụ cách mạng; vì mục tiêu của cách mạng, của Đảng ta là phục vụ nhân dân. Bài viết của ta có lợi gì cho dân, cho Đảng… Nếu không vì cái gì hết thì phải xem lại có phải chăng mình viết chỉ vì… mình. Nhà báo phải tự uốn nắn ngay và phải quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn và trình độ nhận thức chính trị để có quan điểm lập trường vững vàng và năng lực đủ sức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vẻ vang của một Nhà báo Việt Nam.
 
M.B.M
__________________

(1)- Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà Báo Việt Nam 16/4/1959. Hồ Chí Minh toàn tập, t.9, tr.412-419



Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40563529