Truy cập hiện tại

Đang có 94 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

(TGAG)- Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vẫn luôn mang tính thời sự, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thanh niên để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán 1946, Người đã dành những lời đẹp nhất để ca ngợi và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lớp trẻ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong Thư gửi các bạn thanh niên năm 1947, Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò, sức mạnh của thanh niên không phải là cái có sẵn, bất biến và tất yếu. Muốn huy động sức trẻ, Đảng, Nhà nước phải thực hiện thành công chiến lược trồng người. Chiến lược đó được Hồ Chí Minh đúc kết trong Đại hội giáo viên giỏi toàn quốc năm 1958: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Trồng người” xét về khía cạnh nào đó cũng giống như trồng cây. Nếu trồng cây phải chăm lo, vun xới mầm cây nhỏ bé, yếu ớt để nó phát triển thành cây khỏe mạnh, có ích cho đời thì “trồng người” cũng phải bắt đầu bằng việc dạy dỗ, uốn nắn, giáo dục từ khi còn thơ ấu.

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường, toàn xã hội quan tâm và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuổi trẻ Việt Nam ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Đại bộ phận thanh thiếu nhi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước; sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi... Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; một số ít bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng; tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng hội nhập của thanh niên còn nhiều hạn chế...

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu là do các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ.

Để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trong tình hình mới đạt hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, thế hệ trẻ, với sự tham gia, phối hợp của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội, góp phần xây dựng lớp đoàn viên, thanh niên, đội viên thời kỳ mới vừa hồng, vừa chuyên, có “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

Thứ hai, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục; thực hiện tốt chức năng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Tiếp tục tổ chức cho thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW. Tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực phù hợp với từng độ tuổi, từng địa bàn để thanh niên hăng hái, tự giác tham gia; qua đó, bày tỏ tình cảm, thể hiện trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, đối với Đảng, Nhà nước bằng những công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực hằng ngày.

Thứ ba, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với thanh thiếu nhi. Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu nhi; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi, góp phần xây dựng một lớp thanh niên mới có lòng yêu nước, yêu chế độ, yêu gia đình, sống có văn hóa, nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Thứ tư, bản thân thanh niên phải ra sức học tập, tu dưỡng mọi nơi, mọi lúc và suốt đời. Tự giáo dục là sự thể hiện trình độ làm chủ bản thân, khả năng kiềm chế và tự điều chỉnh của mỗi người trong cuộc sống. Người cũng từng dặn dò thanh niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”. Lời dặn dò của Người tuy giản dị mà ân cần, có sức lan tỏa và lay động lòng người.

Việc chăm lo thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc chung của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thế hệ trẻ phải tự mình phấn đấu vươn lên về mọi mặt để xứng đáng là thế hệ cách mạng của đời sau; đó vừa là tri ân với lớp người đi trước, vừa là trách nhiệm với tương lai của dân tộc.

TRƯỜNG GIANG


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40424054