Truy cập hiện tại

Đang có 50 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (tiếp theo)

(TGAG)- Ai vận dụng và phát triển?

Quá trình thực hiện vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nổi lên một trong những hạn chế lớn đó là nhận thức không rõ về chủ thể tiến hành. Người cho rằng chủ thể vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tổ chức và cá nhân nghiên cứu vấn đề này; người xem vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là công việc của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, những ai nằm ngoài đó thì không có trách nhiệm; có ý kiến cho rằng ai suy thoái, sa ngã về đạo đức thì học tập, vận dụng, ai không rơi vào hoàn cảnh đó thì thôi. Không thống nhất cách hiểu về chủ thể dẫn đến vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chưa thật sự được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm trong tất cả các thành tố của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
   
Đạo đức là yếu tố mà làm người ai cũng phải cần. Người cách mạng, tổ chức cách mạng, sự nghiệp cách mạng càng cần phải là đạo đức, vươn tới các giá trị đạo đức. “Chừng nào thiên hạ phải thắp đuốc để đi tìm cái “tâm” của con người thì chừng đó giá trị của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh càng cần thiết giống như không khí cần cho sự sống vậy!”(*). Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng và thực hành hệ giá trị đạo đức tốt đẹp, văn minh.
   
Hệ thống chính trị với tất cả các tổ chức thành viên và cá nhân tham gia là chủ thể cần phải đề cập trước hết trong vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng trước hết cần có ở tổ chức cách mạng và con người cách mạng. Tổ chức cách mạng, hiểu theo nghĩa hẹp, chính là các thành tố của hệ thống chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội). Đảng Cộng sản Việt Nam phải trở thành là đạo đức, là văn minh; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải chú ý đến “đức trị” trong tổ chức và hoạt động; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phải nêu gương về đạo đức thì mới làm tròn được chức năng đoàn kết, tập hợp nhân dân. Tất cả các tổ chức này đều được Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đều lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Con người cách mạng, hiểu theo nghĩa hẹp, chính là người cán bộ, đảng viên. Tiêu chuẩn trước tiên của người cách mạng là phải có đạo đức cách mạng. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là “cách” rất hữu hiệu giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu chỉ xem là nhiệm vụ thì sẽ có người chú ý thực hiện, có người ít chú ý, kể cả không quan tâm, chỉ làm hình thức, nhưng nếu hiểu thêm vào đó là “bí quyết” rất hay giúp làm tốt nhiệm vụ thì chắc chắn người cán bộ, đảng viên sẽ thực hiện vận dụng, phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đông đảo và tích cực.
   
Hệ thống chính trị là lực lượng nòng cốt nhưng không phải là tất cả. Hệ thống chính trị, với chức năng của mình, đi tiên phong để một lực lượng khác rộng lớn hơn là các tổ chức khác ở bên ngoài và toàn dân tộc thực hiện theo. Cần lưu ý, đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải dành riêng cho các tổ chức chính trị, con người chính trị. Quan niệm xem học tập và làm theo đạo đức cách mạng là công việc của những cá nhân, tổ chức hoạt động chính trị vẫn tồn tại. Quan niệm này dẫn đến người dân không tham gia làm việc trong hệ thống chính trị thì xem việc vận dụng, phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải là việc của mình. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có nguồn gốc hình thành từ giá trị đạo đức của dân tộc và đời sống hiện thực của nhân dân. Từ nhân dân mà ra, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xét đến cùng cũng chính là vì nhân dân, xem “ích nước, lợi dân” là mục tiêu, là biểu hiện đạo đức cao nhất. Nhân dân chính là “nguồn sống” của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Do vậy, nếu chỉ cán bộ, đảng viên vận dụng và phát triển thì không đi đến đích cuối cùng. Phải có sự tham gia của nhân dân, hơn nữa phải hướng đến xem nhân dân là lực lượng quyết định kết quả của việc vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, thì mới đảm bảo đạt yêu cầu. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không xa lạ với nhân dân, đó là sản phẩm ra đời trong lòng nhân dân, lấy phụng sự nhân dân làm mục đích tồn tại. Chỉ có nhân dân mới có thể làm cho tư tưởng ấy tồn tại, thật sự đi sâu vào đời sống xã hội, được bổ sung và phát triển mãi.
   
Trong trường hợp một người đứng ở nhiều vai, vừa trong tư cách cán bộ, đảng viên, vừa là người dân thì tùy môi trường, vị trí, điều kiện cụ thể mà thực hiện vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tuyệt đối tránh tư tưởng: Tôi là cán bộ, đảng viên. Ở cơ quan tôi đã thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì đã đủ rồi, không cần thiết phải thực hiện ở ở các môi trường ngoài cơ quan công tác, cụ thể như môi trường sinh hoạt khi về nhà. Vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chính là quá trình rèn luyện, giữ gìn tư cách, đạo đức của mỗi người trong làm việc và cả sinh hoạt đời thường nên lúc nào cũng phải được duy trì thường xuyên./.

Nguyễn Phương An

________________
(*) Hà Thúc Minh, Không gian tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Cổng thông tin điện tử Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, 10/8/2007.
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40471638