Truy cập hiện tại

Đang có 161 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (tiếp theo)

(TGAG)- Tại sao phải vận dụng và phát triển?

Xác định động cơ làm việc rõ ràng là yếu tố thôi thúc chủ thể thực hiện vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nói: Tư tưởng có thông thì hành động mới thông. Trong nhân dân tồn tại câu nói: Tư tưởng không thông thì cái bình tông cũng không đeo nổi. Hiểu rõ công việc và đối tượng công việc của mình là gì vẫn chưa đủ để “tư tưởng thông” nếu như không nhận thức một cách rõ ràng và dứt khoát sự cần thiết của việc vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Sự cần thiết phải vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, xuất phát từ vai trò của đạo đức.

Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của đạo đức cách mạng. Người xem đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”1. “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”2.

Đạo đức cách mạng là mục tiêu, động lực giúp người cách mạng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện bản thân trong quá trình tham gia cách mạng. Đạo đức cách mạng có tác dụng giáo dục, nêu gương cho quần chúng noi theo làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới.

Đạo đức cách mạng là gốc của Đảng cách mạng. Không có đạo đức cách mạng, Đảng không có đảng viên cách mạng, không có quần chúng cách mạng để tồn tại và hoạt động. Đạo đức cách mạng quyết định sức mạnh của Đảng trong thực hiện sứ mệnh lịch sử trước giai cấp và dân tộc. Người có đạo đức cách mạng là người cao thượng. Đảng chỉ có đạo đức cách mạng mới là Đảng chân chính cách mạng.

Hai là, xuất phát từ tầm vóc, giá trị của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng và toàn dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành được thắng lợi cũng chính là sự khẳng định vị trí, vai trò của các nội dung trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, mà tư tưởng đạo đức là một bộ phận trọng yếu.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trên phương diện lý luận, giá trị của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện ở hai điểm:

Thứ nhất, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là kết quả của sự kết tinh và vận dụng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại vào điều kiện cụ thể của đất nước. Các giá trị đạo đức trong và ngoài nước được Hồ Chí Minh tiếp biến để hình thành nên tư tưởng của mình đều là những tinh hoa lý luận nổi bật được đúc rút từ quá trình phát triển lâu dài. Ở trong nước, đó là: (1) Nhận thức sâu sắc về vai trò của đạo đức; (2) Hệ giá trị đạo đức được hình thành trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước: tinh thần yêu nước, khát vọng về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; đề cao vai trò, sức mạnh của dân, “lấy dân làm gốc”; lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; sống có tình nghĩa, thuỷ chung, có nhân có đức, có trước, có sau, biết trung, biết hiếu...; (3) Yêu cầu và phương pháp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Ở ngoài nước, đó là: các giá trị đạo đức của Nho giáo, Phật giáo, Công giáo,...; giá trị đạo đức trong văn hóa của nhiều nước mà Hồ Chí Minh đến, sinh sống, hoạt động; giá trị đạo đức của các cuộc cách mạng tư sản mà Hồ Chí Minh nghiên cứu.

Thứ hai, giá trị lý luận của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở là kết quả kết tinh tinh hoa lý luận trong và ngoài nước. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn bổ sung, phát triển vào kho tàng di sản ấy nhiều quan điểm có giá trị cao, được khẳng định. Đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới đều nhất trí có một Đạo đức học Hồ Chí Minh. Đó là sản phẩm được tạo nên từ những tri thức lý luận về đạo đức mà Hồ Chí Minh chọn lọc, tiếp thu kết hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đó là quá trình tiếp biến mang tính sáng tạo bằng cách đưa hơi thở thực tiễn vào lý luận đã được chọn lọc, có cách diễn đạt mới phù hợp với yêu cầu cụ thể, góp phần nâng sức sống của các lý thuyết ấy. Một điểm cần lưu ý, đó là có sự hòa quyện của rất nhiều trường pháp lý thuyết về đạo đức trong đạo đức học Hồ Chí Minh. Đạo đức truyền thống của nhiều dân tộc (đặc biệt là dân tộc ta), đạo đức tôn giáo, lý luận đạo đức tư bản chủ nghĩa, đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Nhiều quan điểm trong các lý thuyết này khác nhau, thậm chí đối nghịch vậy mà vẫn tồn tại một cách tương thích, gắn bó, hòa quyện trong ngôi nhà chung là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một trong những biểu hiện nổi bật của giá trị lý luận trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Giá trị thực tiễn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện qua vai trò soi đường cho xây dựng đạo đức cách mạng ở Việt Nam trong suốt tiến trình. Hoạt động xây dựng, giáo dục, tư tưởng, rèn luyện đạo đức của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay được tiến hành dưới sự chỉ dẫn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, lấy kho tàng lý luận ấy làm kim chỉ nam cho hành động. Đến nay, chúng ta đã định hình được nền đạo đức cách mạng trong đời sống xã hội có phần đóng góp rất quan trọng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; chúng ta đang đấu tranh chống các biểu hiện phi đạo đức, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nền đạo đức cách mạng cũng được thực hiện dựa trên nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Rộng hơn, không riêng gì lĩnh vực xây dựng đạo đức, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn đóng vai trò rất quan trọng đối với thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thông qua vai trò của đạo đức, kết quả xây dựng đạo đức cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tác động đến toàn bộ các lĩnh vực của cách mạng, từ công tác xây dựng tổ chức cách mạng (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội,...) đến xây dựng con người cách mạng (chủ yếu là cán bộ, đảng viên) và củng cố mối quan hệ giữa tổ chức cách mạng, con người cách mạng với nhân dân. Đây đều là những vấn đề bao trùm, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Hơn tám mươi năm nay, chúng ta làm cách mạng được, làm cách mạng đạt nhiều thành tựu là do chúng ta xây dựng được tổ chức cách mạng và con người cách mạng có đạo đức để thực hiện một sự nghiệp mang mục tiêu đạo đức, nhân văn cao đẹp.

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo”3. Vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là vận dụng và phát triển cái đã được khẳng định giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn. Nhận thức được như vậy sẽ loại trừ những băn khoăn có cần thiết hay không, giúp khẳng định niềm tin về công việc cần làm, từ đó khai thông tư tưởng để thực hiện tích cực và chủ động.

Ba là, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn.

Sức sống của một tư tưởng thể hiện ở nhu cầu cuộc sống cần đến. Nhu cầu thực tiễn đất nước hiện nay đang hàng ngày, hàng giờ đặt ra yêu cầu phải vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là yêu cầu cấp bách!

Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là giải pháp quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” vốn được xem là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Đảng chỉ có nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình mới có thể vươn lên ngang tầm thực hiện sứ mệnh lịch sử mà toàn dân tộc đã tin cậy giao cho - sứ mệnh đưa đất nước phát triển vững mạnh, toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng chính là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chính từng cán bộ của Đảng. Thế cho nên, nhiệm vụ này chỉ có thể hoàn thành được nếu Đảng nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác giáo dục đạo đức cho từng cán bộ, đảng viên - đội ngũ quan trọng bậc nhất góp phần hình thành nên sức mạnh của Đảng.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trở thành nền tảng tinh thần của toàn xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ này cũng không thể thiếu việc đẩy mạnh giáo dục các giá trị đạo đức vì đạo đức là một bộ phận chủ yếu của văn hóa, của nền tảng tinh thần xã hội. Nó tồn tại song hành với luật pháp và cùng với pháp luật phát huy vai trò điều chỉnh các quan hệ và hành vi của con người trong xã hội. Giá trị đạo đức của dân tộc ta hình thành từ ngàn đời mang bản sắc riêng tạo nên nét độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc mang tính tự chủ cao của nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng.

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu thì việc tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên vẫn không thể thiếu. Đảng đã xác định vai trò quyết định của nhân tố con người trong quá trình khai thác toàn diện nội lực và ngoại lực thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của nền kinh tế đất nước. Muốn khai thác tốt nhân tố con người phải khơi dậy và phát huy cao độ những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi người Việt Nam bằng cách giáo dục cho họ đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Một người không thể có hành động yêu nước nếu họ không có đạo đức của người “ái quốc”. Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất đang đang đặt ra những yêu cầu cao, cần phải phát huy mạnh mẽ nội lực, giải phóng mọi tiềm năng cho sự phát triển. “Phát huy mạnh mẽ những chuẩn mực đạo đức mới, như năng động, sáng tạo, quyết tâm không chịu đói nghèo, đưa đất nước tiến lên cùng thời đại… là động lực tinh thần to lớn để đẩy mạnh công cuộc đổi mới nước ta hiện nay”4.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và nhân dân ta đang làm thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác này “là một trong những biện pháp đảm bảo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, sự ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, hiệu quả,  bền vững của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”5.

Thực trạng nêu trên đặt ra sự cần thiết phải học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết đối với cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Hiểu được điều này, chủ thể thực hiện vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thấy được sự gắn kết giữa cái vận dụng và “địa chỉ” vận dụng vào; thấy được tính cấp thiết để ý thức cao độ về tầm quan trọng của công việc mình đang làm và trách nhiệm của bản thân./.
   
Nguyễn Phương An

________________
1- Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 9, trang 283.
2- Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 5, trang 252-253.
3- Chỉ thị số 06 – CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
4- Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Tài liệu học tập trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tầm gương đạo đức Hồ Chí Minh”), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.23
5- Sđd, tr.23

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36997751