Truy cập hiện tại

Đang có 39 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Triết lý nhân sinh hành động của Hồ Chí Minh

(TGAG)- Bác Hồ sống cùng chúng ta 79 mùa xuân. Qua nghiên cứu các tên gọi của Người thì Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 175 cái tên. Riêng điều này đã là huyền thoại, mà huyền thoại Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. Trong 175 cái tên ấy, chúng ta lưu ý đặc biệt đến hai cái tên: Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Ái Dân.

Khi ra tìm đường cứu nước, Người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đến khi trở thành Nguyên thủ quốc gia, là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh lấy tên là Nguyễn Ái Dân. Trong thư gửi ngành Y tế, Bác coi y đức là hàng đầu, lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền, chăm sóc người bệnh, nhất là phụ nữ, trẻ em như người ruột thịt của mình, Bác không ký tên là Hồ Chí Minh, mà Bác ký tên là Ái Dân. Khi bức thư này được đăng trên báo chí, mọi người nghĩ đó là thư của một vị lãnh đạo cấp cao ngành y căn dặn các đồng nghiệp, đồng sự của mình. Chúng ta cảm nhận, suốt đời Người chỉ có 2 chữ: Dân và Nước, ái quốc thì ái dân, ái dân chính là ái quốc. Yêu nước thì phải yêu dân; yêu dân thương dân là thước đo của lòng yêu nước.

Bác là Người sáng lập ra Đảng ta. Đảng tồn tại, hoạt động, phát triển vì dân, vì nước. Vì vậy, Đảng ta nói “không ngừng bồi đắp mối quan hệ máu thịt, mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, giữa Nhà nước với Nhân dân”. Điều này nằm trong chiều sâu triết lý nhân văn của Hồ Chí Minh.

Vì vậy, nói tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách hệ thống các quan điểm cơ bản, các nguyên tắc lớn ở tầm chiến lược về cách mạng Việt Nam và có tầm ảnh hưởng rộng đến cách mạng thế giới, chúng ta nhấn mạnh việc đầu tiên là: Tư tưởng giải phóng dân tộc để giải phóng giai cấp, xã hội và con người. Đây là sự phát hiện ra quy luật cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; là công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc của Hồ Chí Minh. Chúng ta vẫn thường nói, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây chính là phát hiện của Hồ Chí Minh từ trong hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu thế giới để tìm ra con đường phát triển của Việt Nam trong thế kỷ XX.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh phát hiện ra quy luật đặc thù của Đảng ta. Đảng Cộng sản ở các nước ra đời theo một quy luật phổ biến, tức là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Riêng với Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không chỉ từ sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân, mà còn có sự kết hợp sâu sắc với phong trào yêu nước của nhân dân. Riêng điều này gợi mở cho chúng ta một đều sâu sắc khác, đó là, ngay từ khi ra đời, trong bản chất của Đảng, Đảng ta đã gắn liền với máu thịt với nhân dân. Nhân dân và chủ nghĩa yêu nước của dân tộc chính là bệ đỡ tinh thần cho sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch chưa từ bỏ chống phá cách mạng Việt Nam, vấn đề gắn bó, gắn liền máu thịt giữa Đảng với nhân dân có ý nghĩa rất lớn.

Tại sao Bác luôn luôn căn dặn chúng ta phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng? Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (viết ở Chiến khu Việt Bắc năm 1947), Bác nói: Dựa vào dân mà xây dựng Đảng, dựa vào dân mà kiểm tra đường lối, nghị quyết của Đảng đúng hay sai, đúng thì phát huy mà sai thì sửa chữa, bổ sung. Dựa vào dân mà chấn chỉnh tổ chức bộ máy, dựa vào dân để giáo dục, rèn luyện, kiểm tra cán bộ, đảng viên. Bác đề cao chữ “Dân” với ý nghĩa như vậy.

Năm 1969, chiến tranh chống Mỹ diễn ra rất ác liệt ở miền Bắc. Mỹ âm mưu ném bom phá hoại đưa Hà Nội Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Thời điểm đó, nếu chúng ta không giữ được đê ở Hà Nội thì Hà Nội sẽ chìm trong biển nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân rất lo lắng, trong khi Bác đang ốm nặng. Đồng chí Lê Duẩn mời Bác rời Hà Nội về Ba Vì để dưỡng bệnh. Bác đã khóc và nói: “Bác không đi đâu cả. Để Bác ở đây. Bác không thể bỏ dân đi được. Đưa Bác đi, còn dân các chú tính sao?”. Khi Bác tỉnh lại sau cơn mê, trong những giây phút cuối, câu đầu tiên Bác hỏi là về miền Nam, hôm nay đánh thắng ở đâu? Đê có làm sao không?.

Trong bức thư gửi quốc dân đồng bào khi Bác được Quốc hội khóa đầu tiên tín nhiệm tuyệt đối bầu làm Chủ tịch nước chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác nói: “Tôi như một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào ra mặt trận thì hết lòng, hết sức phục vụ đồng bào. Còn khi nào đồng bào cho tôi thôi, tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ bên bờ suối, sớm ngày vui chơi với các cháu nhỏ, cùng bạn già, tuyệt đối tôi không màng danh lợi. Cả đời tôi, tôi nguyện ở ngoài vòng danh lợi”.

Bác đề cao chữ Dân như vậy, đó cũng chính là nắm trong cả tư tưởng, lý luận, nhất là phần triết lý nhân sinh hành động của Người. Chữ Dân trở đi, trở lại thấm đẫm nhất, nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong triết lý nhân sinh hành động của Người là vì vậy./.
_____________
(Lược ghi bài nói của GS,TS Hoàng Chí Bảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 10/2016).

Hùng Châu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40543089