Làm theo gương Bác Hồ
Mát lòng những giọt nước nghĩa tình
- Được đăng: Thứ tư, 01 Tháng 5 2024 21:10
- Lượt xem: 661
(TUAG)- Đã qua vài tháng nay, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hạn hán nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những vùng lân cận, tiếp giáp với biển, hạn mặn đã xâm nhập sâu vào bên trong gây ra hiện tượng nước ngọt bị nhiễm mặn dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt, đáng chú ý là nguồn nước trầm trọng ở một số địa phương. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết, bất kể ngày đêm từng đoàn xe, chuyến xe với nhiều dòng chữ “Giọt nước nghĩa tình” hay “Chở nước từ thiện”… từ các tỉnh cứ liên tục lăn bánh, mang nước ngọt đến hỗ trợ người dân vùng hạn, mặn. Những chuyến xe mang nước ngọt kịp thời, đã làm cho nghĩa tình mùa hạn, mặn thêm đong đầy tình cảm.
Dòng xe của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải An Giang tham gia chở nước
Với nội dung: “Giọt nước nghĩa tình ngày hạn mặn”, chương trình thực hiện theo công điện số 01 của Bộ Công an về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và giúp đỡ Nhân dân trước tình hình nắng nóng kéo dài, hạn mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Công an tỉnh An Giang vừa phối hợp cùng các đơn vị, nhà hảo tâm trên đại bàn cùng với sự hỗ trợ phương tiện của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải An Giang, tổ chức trao tặng 1.500 bình nước lọc (bình 21 lít) đến cho người dân xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Do khoảng cách lộ trình khá dài nên đoàn xe hơn chục chiếc chở nước đã chuẩn bị xuất phát từ khá sớm để kịp với thời gian. Mặc dù ở giai đoạn này, thời tiết khá oi bức vì cái nắng gay gắt, rát da thịt nhưng hàng trăm người dân ấp Tân Quí không ngần ngại đã có mặt từ rất sớm tại khu vực chùa Vĩnh Khánh, ấp Tân Quí, nơi tổ chức lễ trao nước tặng bình nước uống.
Dù tuổi đời đã gần 60 mà bà Phạm Thị Thủy (sinh năm 1966, ngụ ấp Tân Quí) vẫn bất chấp sức nóng của nắng giữa trưa một mình đến chờ đợi nhận phần nước của mình, bà Thủy nói: “Nắng nóng quá chú ơi, nước khu vực này vừa mới bị nhiễm mặn nên nhà máy lọc nước cũng bị nhiễm mặn luôn, nhà tôi cũng như bao nhà khác phải mua nước ngọt để sử dụng trong sinh hoạt gia đình nhưng với nước uống thì lại khan hiếm và thiếu nhiều. Mấy ngày nay hay tin có đoàn từ An Giang xuống tặng nước uống tôi mừng lắm nên đi sớm để nhận, được nhận nước uống thì rất là quý và biết ơn rất nhiều”.
Buổi lễ tổ chức dưới ánh nắng gay gắt
Từ tháng 3 đến nay, hình ảnh nhiều xe bồn, xe tải chở nước bơm trực tiếp vào dụng cụ chứa nước tại nhà cho các hộ thiếu nước sinh hoạt không còn lạ lẫm đối với người dân sinh sống tại các khu vực bị khô hạn hay xâm nhập mặn. Riêng đối với xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri cũng là một trong những khu vực có hộ dân thiếu nước sinh hoạt của tỉnh Bến Tre. Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Nguyễn Công Luận cho biết, là xã thuộc vùng kinh tế mới, diện tích lớn người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nên việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt là chủ yếu. Trên địa bàn xã có 2 nhà máy lọc nước, có hệ thống lọc RO cung cấp nước đầy đủ cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đã nhiều tháng nay chưa có mưa nên bị ảnh hưởng do tình trạng xâm nhập mặn dẫn đến cả 2 nhà máy đều bị nhiễm mặn nên nước uống có phần bị khan hiếm. Vì vậy, việc tiếp nhận nguồn nước uống kịp thời cho người dân là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay là rất quý. Để có được nguồn nước uống kịp thời cho người dân địa phương, lãnh đạo xã tiếp tục phối hợp với các lực lượng tích cực vận động nhiều nơi để cấp nước đảm bảo vệ sinh cho người dân và có được nguồn nước mát cho Nhân dân trong xã sử dụng trong thời gian nắng nóng kéo dài cho đến khi nào có nước trở lại… Đã hơn tháng nay, gia đình bị hạn chế về nước uống, khi nhận được và ôm trong mình bình nước, Chú Trịnh Văn Nghĩa (sinh năm 1952, ngụ ấp Tân Thành) chia sẻ: “Gia đình tôi sống ở khu vực vùng mặn nên cũng biết chuẩn bị phương tiện, vật dụng để dự trữ nước mùa mưa thêm. Tuy nhiên, do năm nay nắng hạn quá gay gắt dẫn đến không đủ nước để sử dụng nữa, đặc biệt là nước uống, khi 2 nhà máy nước của xã đều bị nhiễm mặn hết nên khi có người đến cho nước thì người dân rất phấn khởi vui mừng. Nay được nhận được mấy phần nước uống bản thân tôi rất vui mừng, sung sướng, đồng thời cũng gửi lời cảm ơn đến các đơn vị, nhà hảo tâm đã giúp chúng tôi qua cơn khát”.
Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh An Giang hỗ trợ người dân mang nước về nhà
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu không được cấp nước, người dân những khu vực bị khô hạn, xâm nhập mặn sẽ rất khó khăn trong sinh hoạt. Khi ở những vùng sâu, xa nhiều hộ còn khó khăn, việc mua nước với giá cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Nhờ có nước miễn phí nên người dân cũng đỡ lo hơn, thầy Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Long Xuyên nhóm thiện nguyện chia sẻ: “Có đi mới biết, đời sống người dân ở những vùng này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những giọt nước nghĩa tình miễn phí trong thời gian vừa qua đã và đang làm mát lòng người dân, giúp họ vượt qua khó khăn giữa mùa hạn hán kéo dài. Việc chủ động cung cấp nước miễn phí cho người dân thiếu nước sinh hoạt không chỉ thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với Nhân dân, mà còn là tình người trong lúc gian khó, giúp người dân, đặc biệt người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định đời sống trong mùa khô hạn”. Là người chỉ huy các đoàn viên, thanh niên tham gia vận chuyển nước đến người dân xã Tân Quí, thiếu tá Ngô Xuân Tiệp Phó trưởng ban Thanh Niên Công an tỉnh, bộc bạch: “Được đến tận nơi, thấy tận mắt mới thấu hiểu được những cực khổ mà bà con nhân dân đang phải hứng chịu trước đợt hạn mặn và nắng nóng kỷ lục. Dù đi vận chuyển nước tuy có chút vất vả nhưng bản thân tôi và các bạn đoàn viên thật sự rất vui khi được góp chút công sức để chia sẻ bớt những khó khăn của bà con nhân dân. Đặc biệt, trước những lời động viên, những lời cám ơn và những nụ cười thân thiện của người dân vùng hạn mặn đã mang lại cho chúng tôi một cảm xúc lâng lâng thật khó diễn tả. Với sức trẻ, chúng tôi đoàn viên, thanh niên công an tỉnh An Giang nguyện tiếp tục đóng góp công sức cùng bà con nhân dân vượt qua những khó khăn, vất vả. Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong mỏi được sự đồng hành của các cấp,các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau san sẻ yêu thương để chúng tôi tiếp tục thực hiện những chuyến đi ý nghĩa đến mọi vùng mọi miền”.
Trong những ngày cuối tháng 4, mọi người sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe dán dòng chữ “Chở nước từ thiện” hay “Giọt nước nghĩa tình” ngược xuôi trên nhiều tuyến đường. Có những xe bồn, sà lan vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh như: An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp… để mang nước ngọt đến “cứu khát” cho người dân sinh sống vùng sâu, cuối nguồn. Việc cấp nước miễn phí giúp người dân tạm thời giải quyết nhu cầu sinh hoạt, ổn định đời sống trong mùa nắng hạn kéo dài. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức chia sẻ nước sạch, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất.
Nguyễn Hưng
Dòng xe của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải An Giang tham gia chở nước
Dù tuổi đời đã gần 60 mà bà Phạm Thị Thủy (sinh năm 1966, ngụ ấp Tân Quí) vẫn bất chấp sức nóng của nắng giữa trưa một mình đến chờ đợi nhận phần nước của mình, bà Thủy nói: “Nắng nóng quá chú ơi, nước khu vực này vừa mới bị nhiễm mặn nên nhà máy lọc nước cũng bị nhiễm mặn luôn, nhà tôi cũng như bao nhà khác phải mua nước ngọt để sử dụng trong sinh hoạt gia đình nhưng với nước uống thì lại khan hiếm và thiếu nhiều. Mấy ngày nay hay tin có đoàn từ An Giang xuống tặng nước uống tôi mừng lắm nên đi sớm để nhận, được nhận nước uống thì rất là quý và biết ơn rất nhiều”.
Buổi lễ tổ chức dưới ánh nắng gay gắt
Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh An Giang hỗ trợ người dân mang nước về nhà
Trong những ngày cuối tháng 4, mọi người sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe dán dòng chữ “Chở nước từ thiện” hay “Giọt nước nghĩa tình” ngược xuôi trên nhiều tuyến đường. Có những xe bồn, sà lan vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh như: An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp… để mang nước ngọt đến “cứu khát” cho người dân sinh sống vùng sâu, cuối nguồn. Việc cấp nước miễn phí giúp người dân tạm thời giải quyết nhu cầu sinh hoạt, ổn định đời sống trong mùa nắng hạn kéo dài. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức chia sẻ nước sạch, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất.
Nguyễn Hưng