Làm theo gương Bác Hồ
Việc học Bác nơi ngôi trường mang sắc áo cam
- Được đăng: Thứ bảy, 25 Tháng 2 2023 08:56
- Lượt xem: 600
Sắc cam dệt những yêu thương
Nếu một ngày bạn ghé Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và thấy một đám nhóc khoảng 16 - 17 tuổi, trong đồng phục thể dục màu cam vừa trao quà cho các em nhỏ vừa trò chuyện ríu rít với các cụ già, có thể đám nhóc hơi lộn xộn, mong bạn đừng chấp nhất mà hãy mỉm cười nghĩ đến lý do tụi nhóc có mặt nơi này. Để có những phần quà nho nhỏ gửi đến các cụ, các bé, đám nhóc đã “nuôi heo đất” gây quỹ từ đầu năm học. Các phần quà tuy nhỏ nhưng là cả tấm lòng trao gửi.
Nếu một chủ nhật nắng hồng ngang qua Bảo tàng An Giang và thấy một “bầy trẻ” đồng phục màu cam đang loi nhoi vừa chụp ảnh, vừa ghi chép, vừa ghẹo nhau… - có thể tụi nhỏ hơi ồn - mong bạn thông cảm bỏ qua cho những ồn ào tuổi trẻ và nghĩ đến mục đích tụi nhỏ đến đây. Lịch sử dân tộc, bản sắc văn hoá quê hương là điều “bầy trẻ” không được phép lãng quên.
Nếu bạn đến thăm Khu Di tích lịch sử Mỹ Khánh, thấy vẫn màu đồng phục ấy đang quét dọn, bạn cũng đừng ngạc nhiên. Đó là việc làm thường xuyên bởi nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, nghiêng mình trước những hi sinh của các bậc tiền nhân là điều các bạn ấy luôn ghi tạc.
Nếu bạn bắt gặp giữa trưa, đồng phục màu cam sặc sỡ trong nắng trao nước, trao quà cho anh công nhân vệ sinh, cụ già bán vé số bạn cũng đừng bất ngờ. Những phần quà ấy do các bạn trẻ đóng góp, gây quỹ bằng nhiều hình thức hoạt động. Vì với các bạn, yêu thương, thấu cảm, sẻ chia là làm đẹp cho đời.
Và còn nhiều lắm những nơi bạn có thể gặp các bạn nhỏ ấy xuất hiện: Dâng hương Khu lưu niệm Bác Tôn, tổ chức đêm Trung thu cho trẻ em nghèo, Hội thi Giới thiệu sách, Hội thi Khoa học - Kĩ thuật … Đặc biệt trong các hội thi, đội quân áo cam thường xuyên đạt giải cao, gần đây nhất là giải nhất Hội thi thanh thiếu niên tuyên truyền, giới thiệu sách tỉnh An Giang lần thứ 02 năm 2022, giải nhì Cuộc thi ca múa nhạc ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2022- 2023 cấp cụm (cuộc thi cấp tỉnh chưa tổ chức). Không chỉ đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi văn thể mỹ, tại các cuộc thi văn hóa như: Học sinh giỏi Quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, giải toán bằng máy tính bỏ túi… các bạn nhỏ cũng đạt nhiều thành tích cao. Tỷ lệ tốt nghiệp của nhiều thế hệ nơi ngôi trường của các bạn nhiều năm liền là 100%.
Các dữ liệu chỉ là một phần minh chứng cho việc các bạn nhỏ được học tập, rèn luyện như thế nào. Mục tiêu xa hơn của thầy cô khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa là để hướng đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh. Vì như Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Ở nơi đây, học sinh không chỉ được hướng dẫn chiếm lĩnh các kiến thức văn hóa mà qua các hoạt động trải nghiệm các em được hình thành nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, sự thấu hiểu, sẻ chia. Dịp tết Quý Mão vừa qua, ngôi trường “ven đô” thành phố Long Xuyên ấy rực rỡ sắc hoa hoà cùng sắc áo cam khi Ban Chấp hành Đoàn trường tổ chức bán hoa Tết gây quỹ tương trợ - một hoạt động thiết thực hơn mọi lời tuyên truyền. Các em ý thức được mình đang học Bác trong những việc làm nhỏ nhất hàng ngày. Mỗi lớp đều có một kệ sách tuy nhỏ nhưng được chăm chút cẩn thận, đa dạng đầu sách, trong đó những câu chuyện về Bác được đặt ở một góc trang trọng. Kệ sách như một lời nhắc nhở về tinh thần tự học, thói quen đọc sách. Như em Việt Tuyền, học sinh lớp 11C1, thành viên Ban Chấp hành Đoàn trường chia sẻ: “Em ghi nhớ lời Bác dạy: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”, phải “lấy tự học làm cốt” nên luôn cố gắng học tập để sau này thành một người có ích. Kệ sách phần nào giúp tụi em rèn thói quen đọc sách trong những giờ chơi”. Không chỉ riêng Tuyền, tập thể học sinh nơi đây luôn phấn đấu từng ngày để thực hiện lời Bác:“Thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động”.
Đằng sau thành quả của học sinh, là đóng góp của tập thể sư phạm
Bác Hồ đã dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức…”. Lời Bác như “kim chỉ nam” để tập thể giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường luôn tâm niệm thực hiện. Về tài, đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông trong tình hình mới, tập thể giáo viên không ngừng tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương pháp dạy. Nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của thầy cô đạt giải cấp sở, cấp tỉnh. Nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp.
Về đức, họ luôn gương mẫu trong đời sống, tương trợ đồng nghiệp, yêu thương học sinh, nhận đỡ đầu cho học sinh khó khăn. Về đạo đức chính trị, công tác phê và tự phê luôn được thực hiện nghiêm túc trong các cuộc họp cuối năm, trong các bản đánh giá việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giáo viên tâm huyết tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho học sinh và theo sát trong các hoạt động này. Nghĩa là chính thầy cô cùng các em góp quỹ, cùng các em thăm người neo đơn, cùng trao quà giữa trưa nắng, cùng có mặt ở hàng hoa… Không khó để kể ra những gương mặt giáo viên tiêu biểu trong phong trào học tập Bác, đi tiên phong trong phong trào thi đua của trường, được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Công đoàn ngành như cô Trần Ngọc Minh, thầy Trần Khánh Hòa, cô Hà Ngọc Trâm…
Bên cạnh sự phấn đấu của tập thể, không thể không kể đến vai trò của Ban Giám hiệu trường, trong đó có thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Rớt. Là người lãnh đạo, quản lý, nhưng thầy luôn gần gũi với tập thể sư phạm, yêu thương học sinh, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp. Thầy cũng rất quan tâm đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức. Để làm nên sự thành của trường, thầy luôn kịp thời chủ động phối hợp cùng các phó hiệu trưởng, bộ phận chức năng, ban ngành, đoàn thể và giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Chính vì sự tận tâm trong công việc, công tâm trong quản lý mà thầy luôn được tập thể giáo viên, học sinh yêu thương, tin tưởng.
Như đã nói, các số lượng thành tích chỉ là một phần để đánh giá kết quả của một tập thể, ngay trong mỗi việc làm đã là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc giáo dục tài, đức cho học sinh. Tại ngôi trường “ven đô” nơi học sinh mặc đồng phục thể dục màu cam ấy, cả giáo viên - học sinh đang thực hành học Bác mỗi ngày. Chính những gì đã đạt được, những gì đang làm đã thành một bằng chứng thuyết phục để nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn cho con em mình trải qua ba năm cấp ba nơi đây, và bao thế hệ học sinh khi trưởng thành vẫn tìm về với ngôi nhà yêu thương - “THPT Nguyễn Hiền”./.
Nguyễn Ngọc Đào Uyên
Hội viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang
GV Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Hiền