Truy cập hiện tại

Đang có 43 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Lấy ý kiến nhân dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

(TGAG)- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Có dân là có tất cả. Một cuộc cách mạng "có dân" không chỉ dừng lại ở sự ủng hộ của nhân dân bằng khẩu hiệu mà phải huy động được mọi nguồn lực của nhân dân. Khi "Dân lực" (nguồn lực của nhân dân) được tập hợp và phát huy cao độ là lúc cách mạng có sức mạnh to lớn để vượt qua mọi gian nguy mà gặt hái nhiều thắng lợi.

Nguồn lực của nhân dân bao gồm ba yếu tố cơ bản: "Dân thể" (sức mạnh thể chất), "Dân vật" (nguồn lực vật chất) và "Dân trí" (nguồn lực trí tuệ). Trong ba yếu tố này, việc khai thác và phát huy nguồn lực trí tuệ của nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi tư tưởng có thông thì hành động mới thông. Muốn cho hành động cách mạng của toàn dân thông thì phải làm cho nhân dân hiểu biết để tư tưởng được thông suốt. Sau khi đã thông suốt tư tưởng, hành động cách mạng đầu tiên của mỗi một người dân thường sẽ là đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và tổ chức thực tiễn cách mạng. Đường lối đúng thì cách mạng đi đúng hướng, gặt hái thành công; đường lối sai thì cách mạng bị khó khăn, tổn thất, nguy hiểm hơn là đi chệch hướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt căn dặn Đảng ta rằng sai lầm nguy hiểm nhất và sai lầm về đường lối; muốn không bị sai lầm về đường lối thì cách hay nhất là lấy ý kiến nhân dân, để vừa khai thác trí tuệ của nhân dân giúp hoàn thiện đường lối, vừa đảm bảo cho đường lối đi đúng nguyên tắc phụng sự nhân dân.

Không ít người cho rằng lấy ý kiến nhân dân là việc đơn giản, dễ làm dẫn đến xem nhẹ công việc này. Nhận thức đó không đúng. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem lấy ý kiến nhân dân là công việc có yêu cầu cao và đòi hỏi cách làm chặt chẽ, khoa học. Theo Hồ Chí Minh, lấy ý kiến nhân dân không phải là cứ đem việc cách mạng ra cho người dân nói là xong bởi trước là không phải lúc nào người dân cũng chịu nói, sau là trong trường hợp người dân nói thì không phải lúc nào dũng nói thật tâm, hết lòng, hết trí. Đó là một công việc khó, không thể xem nhẹ. Người thường chỉ ra những biểu hiện tiêu cực trong lấy ý kiến của nhân dân, đồng thời chỉ dẫn các yêu cầu, biện pháp cơ bản sau đây để đảm bảo thực hiện công việc quan trọng ấy một cách hiệu quả.

Lấy ý kiến nhân dân luôn là hoạt động có sự tương tác giữa hai chủ thể: người lấy ý kiến (cán bộ, đảng viên,…) và người được lấy ý kiến (Nhân dân). Muốn lấy ý kiến nhân dân hiệu quả thì phải thiết lập được mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khi gắn bó chặt chẽ như người thân trong gia đình thì lúc đó ở cán bộ, đảng viên sẽ hình thành nhu cầu lấy ý kiến nhân dân một cách tự giác và nhân dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến chủ động, không trông chờ.

Cán bộ, đảng viên tiến hành lấy ý kiến nhân dân phải tuyệt đối loại trừ tư tưởng khinh dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nghiêm khắc trừng trị những biểu hiện coi thường dân, xem dân là ngu dốt, chẳng biết gì. Tiến hành lấy ý kiến nhân dân mà mang tâm lý khinh dân thì việc lấy ý kiến đó là hình thức, chỉ làm cho có, làm vì bị bắt buộc làm, kêu người dân nói mà không tiếp thu. Khi đó, người lấy ý kiến không tận tâm, người được lấy ý kiến không hết mình. Sự phối hợp trở nên rời rạc dẫn đến hiệu quả thấp.

Lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành bởi những người "hiểu dân". Dù rất tôn trọng dân nhưng không "hiểu dân" thì cũng gặp nhiều khó khăn trong lấy ý kiến. Hiểu dân ở đây là hiểu tâm lý, tính cách, hiểu tâm tư, nguyện vọng, hiểu tập quán, văn hóa, hiểu nhu cầu đời sống của nhân dân. Hiểu được những điểm này, cán bộ, đảng viên sẽ đưa vấn đề cần lấy ý kiến vào sát với nhân dân, khơi gợi được nhân dân đóng góp.

Lấy ý kiến của nhân dân phải được tiến hành một cách khoa học, không thể dựa vào kinh nghiệm cảm tính. Phải xác định rõ đặc điểm của đối tượng để lựa chọn nội dung và hình thức lấy ý kiến. Hồ Chí Minh phê phán những cán bộ, đảng viên lấy ý kiến nhân dân bằng cách đọc toàn văn văn bản một cách sáo rỗng với ngôn từ lý luận cao siêu không phù hợp với trình độ dân trí. Người nhắc nhở: tục ngữ nói “đờn gẩy tai trâu” là có ý chê người nghe không hiểu. Song người lấy ý kiến nhân dân mà viết và nói khó hiểu thì chính người đó là “trâu”. Khi đưa nội dung cần lấy ý kiến ra cho Nhân dân thì cần phải giải thích để chuyển hóa ngôn ngữ, nội dung trong văn bản cho phù hợp với nhân dân. Đó là điều mà Hồ Chí Minh lưu ý. Việc sử dụng phương tiện để chuyển tải nội dung cần lấy ý kiến đến nhân dân, cần xem trọng nhưng không được tuyệt đối hóa, lạm dụng. Hồ Chí Minh yêu cầu phải phát triển hệ thống thông tin để Nhân dân có nhiều điều kiện biết và đóng góp ý kiến nhưng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, phương pháp hay nhất vẫn là cán bộ, đảng viên gần dân để hiểu dân và lấy ý kiến nhân dân.
 
Sự tham gia chính trị của Nhân dân là tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ dân chủ. Lấy ý kiến nhân dân là kênh hữu hiệu để Nhân dân tham gia chính trị bằng cách góp phần xây dựng đường lối và phản biện xã hội. Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là góp trí tuệ để hoàn thiện văn kiện, góp sức hoạch định đường lối. Khi được sự đóng góp ý kiến của Nhân dân, đường lối phát triển đất nước trong những năm tới sẽ phản ánh được nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ và đoàn kết thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Muốn làm được điều đó, cần quan tâm lưu ý những chỉ dẫn nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng



______________

Tài liệu tham khảo:
  1. Phạm Văn Bính (chủ biên) (2008), Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Phạm Hồng Chương (2004), Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
  4. Lê Hữu Nghĩa (2013), “Tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, Tạp chí Lý luận chính trị, (11).
  5. Song Thành (2005), Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37142159