Truy cập hiện tại

Đang có 461 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Thẩm phán Lý Ngọc Sơn - xứng danh Thẩm phán mẫu mực

(TUAG)- Năm 2001, ông Lý Ngọc Sơn vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Thẩm phán và được phân công làm việc tại Tòa Hình sự tỉnh An Giang. Tháng 6/2004, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh tòa Hình sự, rồi Chánh tòa từ tháng 11/2006; đến tháng 8 năm 2017, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang đến nay. Đặc biệt, ông vinh dự được TAND tối cao trao tặng danh hiệu cao quý “Thẩm phán tiêu biểu” vào ngày 16/01/2015 và vinh danh “Thẩm phán mẫu mực” vào ngày 10/10/2019. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về thành tích và sự cống hiến của Thẩm phán Lý Ngọc Sơn đối với sự nghiệp Tòa án.

Với kinh nghiệm Thẩm phán gần 20 năm, trên hành trình bảo vệ công lý của mình, ông đã trực tiếp xét xử hàng ngàn vụ án, trong đó có rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ tinh thông và hơn hết là tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, nên các vụ án mà ông xét xử không có trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm và không có án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Ngoài việc là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, ông Sơn với vai trò là Thường vụ Đảng ủy, Phó Chánh án phụ trách Tòa Hình sự, Tòa Hành chính, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn cơ sở TAND tỉnh, trách nhiệm quản lý, điều hành là gánh nặng rất lớn, nhưng với bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, bất cứ nhiệm vụ nào ông Sơn cũng đều hoàn thành xuất sắc.

Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn - Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang chia sẻ: Để đạt được thành tích và có được niềm vinh dự nêu trên, trước tiên đòi hỏi người Thẩm phán phải có niềm đam mê với nghề nghiệp, tận tụy trong công việc, làm việc với tinh thần tự giác, trách nhiệm cao, bản thân không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, dành thời gian cho việc nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật mới. Đặc biệt là tìm tòi, nghiên cứu, đề ra một số sáng kiến, giải pháp trong công tác chuyên môn, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cụ thể: Đối với từng vụ án cụ thể khi được lãnh đạo phân công giải quyết, bản thân ông luôn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, thận trọng xem xét đánh giá, phân tích một cách khách quan, đầy đủ về chứng cứ; thực hiện đúng trình tự, thủ tục luật định; vận dụng chính xác các quy định của pháp luật về nội dung, cũng như hình thức tố tụng; giải quyết, xét xử bảo đảm về thời hạn, chưa có bản án nào bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán, không để án quá hạn xét xử theo quy định của pháp luật. Trong công việc, bản thân ông luôn lấy phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” đặt lên hàng đầu và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, chính xác, để  mỗi phán quyết đưa ra phải thật sự công tâm, khách quan đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt là Thẩm phán Lý Ngọc Sơn đã áp dụng thành công sáng kiến “tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến”.

Theo đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử… là bước đột phá của hoạt động tư pháp”. Hệ thống Tòa án đặt ra yêu cầu đổi mới tổ chức phiên toà theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Trong đó, yêu cầu phiên toà rút kinh nghiệm phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả và đúng luật định đối với tất cả các loại án. Thực hiện Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của Toà án nhân dân tối cao, hàng năm, mỗi Thẩm phán phải lựa chọn để chủ toạ xét xử ít nhất một phiên toà rút kinh nghiệm.

Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, Thẩm phán Sơn nhận thấy cần áp dụng sáng kiến “Đổi mới phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự sơ thẩm theo hình thức trực tuyến”, xem đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự.

Theo đó, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị truy tố của Viện Kiểm sát cùng cấp chuyển qua, xét thấy những vụ án có tính chất phức tạp, các vụ trọng án được cấp ủy, chính quyền và dư luận quan tâm; những vụ xâm phạm nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản hoặc ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và tình hình trật tự trị an xã hội như: Tội giết người, cướp tài sản có dùng hung khí, mua bán trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… đặc biệt là những vụ bị cáo không nhận tội hoặc có Luật sư tham gia bào chữa… Thẩm phán Sơn đã chủ động phối hợp thống nhất với lãnh đạo đơn vị lựa chọn những vụ án trên để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Sau khi chọn được vụ án, Thẩm phán Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nội dung kế hoạch xác định rõ những yêu cầu và cách thức mới, xây dựng bản đăng ký phiên tòa gửi về Văn phòng và chủ động phối hợp với Viện kiểm sát và các cơ quan, ban ngành liên quan cùng cấp để tổ chức phiên tòa với hình thức trực tuyến.

Theo đó, tại mỗi đơn vị TAND hai cấp tỉnh An Giang đều được trang bị lắp đặt đầy đủ hệ thống trực tuyến ghi âm, ghi hình. Đồng thời, với tinh thần cải cách tư pháp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã cài đặt kết nối tín hiệu âm thanh, hình ảnh từ phòng xét xử của Toà án đến máy vi tính tại các phòng làm việc của đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành uỷ, Viện trưởng, Chánh án Toà án cấp huyện, cấp tỉnh, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và một số thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.


Thẩm phán Lý Ngọc Sơn làm Chủ tọa phiên tòa hình sự

Ngay sau khi kết thúc phiên toà, tại điểm cầu TAND tỉnh, Chánh án là người chủ trì phiên họp trực tuyến rút kinh nghiệm theo hướng dẫn của TAND tối cao; tham dự cuộc họp trực tuyến có đại diện Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo TAND tỉnh, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Kiểm sát viên trung cấp, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký TAND tỉnh và 11 điểm cầu của TAND cấp huyện. So với việc tổ chức rút kinh nghiệm trong nội bộ của các phiên tòa rút kinh nghiệm trước kia, các phiên tòa theo hình thức trực tuyến đã tổ chức việc họp rút kinh nghiệm một cách thẳng thắn, chuyên sâu tập trung vào hoạt động xét hỏi và tranh luận của Kiểm sát viên với người báo chữa và những người tham gia tố tụng khác.

Với việc tổ chức phiên tòa theo hình thức trực tuyến mà Thẩm phán Lý Ngọc Sơn áp dụng đã góp phần cùng TAND hai cấp trong tỉnh khắc phục được một số hạn chế của việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm theo phương thức cũ, bước đầu triển khai thực hiện phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xét xử, cũng như các hoạt động công tác khác, hướng tới mục tiêu xây dựng Toà án điện tử theo đúng lộ trình mà Chánh án TAND tối cao đã đề ra.

Ngoài vinh dự là Thẩm phán mẫu mực năm 2019, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn còn đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua liên tục từ năm 2009 đến nay, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng nhiều Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác.

Vừa qua, tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV Tòa án nhân dân, ông Lý Ngọc Sơn được vinh danh là điển hình tiên tiến của ngành và là 1 trong số 16 cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Đây là vinh dự, tự hào không chỉ cá nhân ông Sơn và Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, mà còn là niềm tự hào Tòa án nhân dân, cũng như nền Tư pháp nước ta có những Thẩm phán có tâm, có tầm, xứng danh là Thẩm phán mẫu mực./.

Duy Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40806613