Truy cập hiện tại

Đang có 67 khách và không thành viên đang online

Chung tay bảo vệ môi trường

Đối diện với biến đổi khí hậu

Người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH). Song song với việc kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng đang gấp rút tự chuẩn bị các biện pháp thích ứng cho chính mình.

 
Đồng khô, phố ngập

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL ngày càng khốc liệt. “Con cua bỏ vào nồi nước sôi! Nước nóng từ từ và con cua giãy chết” - ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã dùng hình ảnh như thế minh họa cho mối nguy hiểm từ BĐKH đối với ĐBSCL.

Từ một khái niệm tưởng như trừu tượng, giờ đây, BĐKH hiển hiện trong đời sống người dân đầy nghịch cảnh. “Tôi đã gieo sạ lúa lại lần hai mà chưa biết ra sao. Nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn tấn công dữ dội khiến lúa chết tràn lan” - ông Lê Văn Phước, nông dân ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), thốt lên.

Theo cán bộ Khuyến nông xã Phong Đông, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn về sớm, độ mặn cao hơn 6% làm cho lúa không phát triển được. Đến thời điểm này, toàn bộ 950 ha lúa của xã bị thiệt hại trắng 100% - tỷ lệ lớn nhất từ trước tới nay. Còn ghi nhận ở các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... đã có ít nhất 50 nghìn ha đất trồng lúa chịu thiệt hại mức độ khác nhau do nước mặn xâm nhập sớm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, đến đầu tháng 12-2015, có ít nhất 15.860 ha lúa mùa bị nhiễm mặn, thiệt hại từ 10 đến 50%; trong đó hơn 3.248 ha mất trắng hoàn toàn...

ĐBSCL đang mùa khô khát, khi nước sông Mê Công về rất ít. Tuy nhiên, nhiều đô thị ở hạ nguồn như Cần Thơ, Vĩnh Long lại bị triều cường gây ngập nghiêm trọng. Nước biển từ cửa Định An “dội ngược” vào sông Hậu. Sớm chiều, nước lại từ sông Hậu len lỏi qua các đường cống “bò” vào, làm hàng chục tuyến đường nội đô TP Cần Thơ ngập trong nước hàng giờ. Nước ngập sâu 0,5m-1m ở các tuyến phố chính của quận trung tâm Ninh Kiều. Nhiều tiểu thương phải gồng gánh hàng hóa chạy khỏi Trung tâm thương mại Cái Khế - nơi kinh doanh mua bán sầm uất nhất Cần Thơ, hoặc tiếp tục kê kích buôn bán trên nước. Chưa có con số chính thức, nhưng ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng về cơ sở hạ tầng và tài sản của người dân!

TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) nhận định: “Các đợt triều cường từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm rất bất thường, khó lường. Nước lũ Mê Công đổ về ít, nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào nội đồng. Năm nay, mặn vào tới 100 km (sâu thêm 20-40km) từ cửa biển, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân”.

Phải thích ứng như thế nào?

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH toàn cầu. Trong đó, ĐBSCL là vùng có nguy cơ chịu tổn thương nặng nhất, khi đứng giữa “Hai gọng kìm”: Nước biển dâng và việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính. Các công trình “chích máu sông Mê Công” đã làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng cũng như chất lượng nguồn nước.

Trong ba năm trở lại đây, nước mặn bắt đầu tràn vào kinh xáng Xà No, nhà máy nước phải ngưng hoạt động. Tỉnh Hậu Giang phải xây dựng nhà máy nước gần sông Hậu để dẫn nước về cung cấp cho thành phố Vị Thanh. “Tôi lo cứ đà nước biển dâng, mặn vào sâu thế này, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ phải có sự liên kết để đưa ra giải pháp trữ ngọt, ngăn mặn người dân mới yên tâm” - chị Trần Ngọc Điệp (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) kiến nghị.

Trên thực tế, ĐBSCL đã triển khai nhiều dự án để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, các dự án này thông qua các viện, trường cùng từng địa phương thực hiện riêng lẻ, thiếu tính phối hợp, quy mô. “Tác động to lớn của BĐKH đang đặt ra yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải tăng cường liên kết vùng, các giải pháp vừa có tầm nhìn dài hạn vừa cần bảo đảm tính cấp bách. Nó cần được tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan” - ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) đề xuất.

Các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam khuyến cáo: Ứng phó với các hiện tượng cực đoan và thích ứng với BĐKH, trước hết cần có các thông tin cảnh báo chính xác về rủi ro trước khi thiên tai xảy ra. Hệ thống cảnh báo sớm cần đặt “trọng tâm vào con người”, các tin cảnh báo phải kịp thời, dễ hiểu. Người dân ở vùng sản xuất lúa ĐBSCL thì đang mong chờ các địa phương có kế hoạch trữ nước ngọt lấy nước tưới tiêu. Người dân ở các vùng bị sạt lở ven sông Hậu, sông Tiền hay khu vực ven biển lại đang thấp thỏm vì nguy cơ bị “hà bá” cuốn trôi. “An cư, lạc nghiệp”, giấc mơ giản dị giờ trở nên khó khăn gấp bội. Việt Nam đang cần huy động nguồn vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư thích ứng với BĐKH, nhằm thực hiện những mục tiêu ấy.

Rất nhiều việc cần phải làm: Sớm lập kế hoạch quản lý tổng hợp hệ sinh thái; bảo tồn rừng ngập mặn; thúc đẩy thành lập hành lang di cư, vùng đệm và vành đai xanh… Đồng thời, cũng cần đầu tư thích đáng cho các kế hoạch lâu dài. Trong đó, từ góc độ xã hội, điều đặc biệt quan trọng là xây dựng khung chính sách phù hợp, lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH vào quá trình lập kế hoạch kinh tế - xã hội địa phương… Theo GS, TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH, cũng đã đến lúc đưa tuyên truyền giảm nhẹ rủi ro thiên tai và BĐKH vào các chương trình giáo dục chính thống.

Chính quyền hành động, nhưng để thành công, cần cả sự “ghé vai” từ ý thức mỗi người dân, để ứng phó BĐKH, quản trị và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên đất và nước.

Vĩnh Tường
Nguồn: Báo ND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40079984