Truy cập hiện tại

Đang có 195 khách và không thành viên đang online

Chung tay bảo vệ môi trường

Cần thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường

(TUAG)- Những thói quen tiêu dùng bất hợp lý của mỗi người trong xã hội đang tạo thêm sức ép lên môi trường sống. Nếu chúng ta có ý thức tiêu dùng trách nhiệm sẽ tránh lãng phí tài nguyên, hạn chế ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2020 với thông điệp là “Hành động vì thiên nhiên”.



Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra cho môi trường. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, người dân có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh lên mức khoảng 40 kg nhựa/người và là một trong 4 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ cũng tăng dần theo từng năm. Đặc biệt, rác thải nhựa có tính chất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nhằm đảm bảo sức khoẻ và tránh những tác động gây ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhiều sáng chế vì môi trường ra đời đã và đang được người tiêu dùng yêu thích và đón nhận: Nhiều nhà hàng, quán cafe đã sử dụng các sản phẩm ống hút bằng giấy mía thay vì sử dụng ống hút nhựa như trước. Một số các siêu thị còn sử dụng lá chuối bọc sản phẩm tươi sống thay vì túi nylon; hay kẹp dây chuối, dây lạt để buộc rau; túi đựng đồ bằng vải… Các sản phẩm tiện ích, thân thiện với môi trường, bằng các vật liệu thiên nhiên, như: bàn chải tre, ống hút inox, bình thủy tinh, bình nước gốc tre, ống hút gạo, ống hút tự hủy, ống hút sậy, ly giấy, ly sợi rơm, hộp xốp bằng bã mía hay các sản phẩm có thể tự phân huỷ… đang dần thay thế cho đồ nhựa dùng một lần. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”, như cho các sản phẩm túi rác bằng nhựa sinh học tự hủy, túi đựng thực phẩm tự hủy, bao tay sử dụng 1 lần tự hủy, ly giấy, dĩa giấy, ống hút giấy…

Mặc dù các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được nhiều người tiêu dùng yêu thích và sử dụng nhưng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh và tiếp cận thị trường (cả nước có 25 doanh nghiệp sản xuất bao bì đã được cấp giấy chứng nhận thân thiện với môi trường). Nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, như: túi sinh học phân hủy hoàn toàn; ống hút, ly, cốc được làm từ tre, giấy, rơm, cói… hiện vẫn còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng, nhất là những người không ở các thành phố lớn. Đại bộ phận người dân vẫn còn giữ thói quen sử dụng các sản phẩm tiện lợi, giá rẻ làm từ nhựa và túi nilon. Một số người tiêu dùng do chưa có đủ thông tin nên đã tin vào khả năng “vô hại” đối với môi trường của các sản phẩm nhựa dán nhãn “tự hủy sinh học”, nhưng bản chất đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa (thành phần còn nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường). Giá thành của các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện khá cao so với những sản phẩm nhựa thông thường nên chưa thu hút được người tiêu dùng. Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, vay vốn… để chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường;…

Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm thân thiện với môi trường tiếp cận và phổ biến rộng rãi trên thị trường, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh, có thể phân hủy hoàn toàn thay thế các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon.

Thứ hai, thông tin, tuyên truyền các quy định, chế tài xử lý nghiêm khắc các hoạt động , hành vi sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống, qua đó hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm này.

Thứ ba, tuyên truyền, cổ vũ nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện môi trường. Từng bước tạo thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Liên hiệp quốc kêu gọi mọi người dân trên toàn cầu, yêu cầu Chính phủ các nước thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, chấm dứt ô nhiễm và thực hiện nghiêm các quy định của Luật môi trường. Các công ty, các nhà sản xuất cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững, sản xuất không gây hại cho môi trường. Người dân và các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái. Người tiêu dùng nên suy nghĩ lại về cách thức tiêu thụ và thải bỏ đồ dùng, sản phẩm,... Cùng nhau hành động, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh không chỉ để duy trì sự sống mà còn sống hòa thuận với thiên nhiên.

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40464033