Truy cập hiện tại

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Điều chỉnh viện phí: gánh nặng cho người không có thẻ bảo hiểm y tế

(TGAG)- Từ ngày 01/6/2017, giá viện phí sẽ được điều chỉnh để người không có  thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và có thẻ BHYT đều chung mức giá. Tuy nhiên, người có BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 80 - 100%, người không có BHYT phải tự chi trả hoàn toàn. Điều này sẽ tạo gánh nặng về chi phí điều trị đối với người không có thẻ BHYT.

Giá khám bệnh tăng gấp 2 - 4 lần

Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế nêu rõ, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm... Thông tư điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi khám, chữa bệnh (KCB) hoặc sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Theo quy định mới, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Cụ thể, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và bệnh viện hạng 4/phòng khám khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.

Giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi lên 677.100 đồng; bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng; bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: bệnh viện hạng 1 là 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày; bệnh viện hạng 2 là 279.100 đồng/ngày; bệnh viện hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và bệnh viện hạng 4 là 226.000 đồng/ngày... Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường, nằm ghép hai chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên chỉ được thu tối đa 30%. Với chi phí giường bệnh, việc nằm hồi sức tích cực cũng là gánh nặng nếu bệnh nhân không có BHYT. Chỉ cần nằm điều trị khoảng 10 ngày, chi phí đã lên khoảng gần 10 triệu đồng. Còn khi có thẻ BHYT, người bệnh được thanh toán theo mức quyền lợi được hưởng.

Bên cạnh đó, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20 - 30% so với mức giá hiện hành. Bộ Y tế cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam cho biết: điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí KCB. Như vậy khoản tiền người khám, chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng...

Điều chỉnh tăng theo từng đợt

Với những đơn vị tự chủ về tài chính, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ thực hiện từ ngày 01/6/2017. Các cơ sở khám chữa bệnh tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện vào tháng 8, tháng 10 hoặc tháng 12/2017.

Để hạn chế những tác động, việc thực hiện giá viện phí mới sẽ triển khai thành 3 đợt trong năm nay. Trong tháng 3/2017, 13 tỉnh thành phố đã thực hiện mức giá mới từ ngày 21/3/2017. Đến tháng 4/2017, có thêm 14 tỉnh thành phố áp dụng mức giá bao gồm cả chi phí tiền lương của cán bộ y tế từ ngày 21/4/2017 trong đó có tỉnh An Giang. Đợt tăng tiếp theo sẽ thực hiện vào cuối năm ở các tỉnh còn lại.

Tạo thời gian chuyển tiếp cho những người chưa tham gia BHYT

Thực tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này diễn ra khá chậm theo quy định của Luật BHYT. Hiện nay, người chưa tham gia BHYT khi đi KCB vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ KCB; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ.

Chính phủ muốn tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia BHYT thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương BHYT toàn dân. Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế.

Có thể khẳng định, Thông tư 02/2017/TT-BYT không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Theo chính sách hiện nay, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được cơ quan BHXH thanh toán chi phí KCB theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các bệnh viện. Để đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia BHYT vừa là nghĩa vụ của người công dân, vừa thể hiện tính cộng đồng chia sẻ khi ốm đau. Đó cũng là quy định của Luật BHYT đã có hiệu lực từ 01/01/2015 đến nay.

BÍCH THÚY
Bảo hiểm xã hội tỉnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37024133