Truy cập hiện tại

Đang có 418 khách và không thành viên đang online

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW

(TGAG)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền  từ trung ương đến cơ sở cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác dân số -kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), công tác DS-KHHGĐ của nước ta cơ bản đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay dân số nước ta xuất hiện những đặc điểm mới, như: mức sinh thấp; hình thành cơ cấu  dân  số vàng; mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng; già hóa diễn ra nhanh; di cư ngày càng sôi động; nạn phá thai; chất lượng nguồn nhân lực... những đặc điểm nói trên đã, đang và sẽ tác động sâu rộng đến sự phát triển của đất nước, đến chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội theo hai chiều, mang lại cơ hội và gây ra thách thức.

Chính vì vậy, ngày 25/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký.

An Giang là tỉnh có quy mô dân số trung bình năm 2017 ước đạt 2.163.460 người, đứng thứ nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thứ 6 cả nước và đang trong giai đoạn dân số vàng. Được duy trì ở mức sinh thấp hợp lý. Những năm qua, công tác dân số đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật như: sức khỏe bà mẹ và trẻ em cải thiện rõ rệt. Tỷ suất trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 42/1.000 trẻ sinh sống (1990), còn 6/1.000 trẻ sinh sống (2016), tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 78,2/1.000 trẻ sinh sống (1990), giảm còn 12/1.000 trẻ sinh sống (2016). Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc được quan tâm, đẩy mạnh. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đến tận vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, kiên trì thực hiện và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh bình quân hằng năm 0,43% (tỷ lệ tăng dân số 1979 là 24,4%, 6 tháng đầu năm 2017 là 8,4%). Trẻ em mới sinh là 17.199 trẻ, giảm 0,52% so với cùng kỳ 2016; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2005 là 1,36%, giảm còn 0,91% (2016), chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Tuổi thọ bình quân chung của người dân đạt 73 tuổi...

Để đạt được các mục tiêu về dân số theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW cần tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và của cả cộng đồng trong công tác dân số. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp; đặc biệt là trong việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Hai là, cần đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động, giáo dục về dân số. Nội dung truyền thông và giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Thực hiện điều chỉnh linh hoạt chính sách kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát quy mô dân số phù hợp với động thái dân số trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn tới. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện và dịch vụ KHHGĐ của người dân, bao gồm cả vị thành niên và thanh niên. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con; tập trung vận động sinh ít con hơn ở những địa phương, đối tượng có mức sinh cao; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp nhằm đảm bảo quy mô dân số khoảng 2.175.000 vào năm 2020; nâng cao chất lượng dân số, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của tỉnh.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ mạnh, phù hợp với yêu cầu, chuyển hướng chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang triển khai toàn diện công tác dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số ở khóm, ấp để đưa công tác truyền thông và các dịch vụ thích hợp đến tận người dân.

Bốn là, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về phân biệt giới; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và giới tính khi sinh; tạo dựng các giá trị văn hóa mới về bình đẳng giới trong mọi mặt đời sống xã hội, bao gồm cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên nhằm giảm nhanh tình trạng mất cân bằng giới tính khi  sinh, tiến tới đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên./.

TRƯỜNG GIANG


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37046674